Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hết năm 2023, cả nước có 38.000 cơ sở lưu trú du lịch theo các tiêu chí của ngành.
Với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử, văn hoá phong phú cùng chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong nhiều năm trở lại đây, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế không ngừng tăng lên, kéo theo nhu cầu phụ tải điện tăng.
Năm 2022 với con số đón và phục vụ 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa, 3,66 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến ước đạt 12,6 triệu lượt, tăng 244,2% so với năm 2022, khách nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với năm trước. Doanh thu du lịch đạt trên 700 nghìn tỷ đồng.
Theo quy định hiện hành, các cơ sở lưu trú du lịch đang phải áp dụng biểu giá bán lẻ điện của nhóm khách hàng kinh doanh cao hơn biểu giá bán lẻ điện cho sản xuất. Điều này ít nhiều tác động lên các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, giảm sức cạnh tranh của ngành, đặc biệt ở những thời điểm ảnh hưởng bởi dịch bệnh và du lịch mang tính mùa vụ…
Để hỗ trợ các cơ sở du lịch nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung, trong dự thảo Quyết định mới nhất của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đã đề xuất, xây dựng theo hướng các cơ sở du lịch được áp dụng biểu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sản xuất.
Theo quy định tại dự thảo quyết định thì "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương xác định đối tượng cơ sở lưu trú du lịch áp dụng giá bán điện quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Quyết định này."
Được biết, trong năm 2020-2021, trước những tác động to lớn của đại dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã đề xuất và được Thủ tướng chấp thuận giảm giá điện nhiều đợt cho các cơ sở du lịch, qua đó đã góp phần giảm khó khăn cho doanh nghiệp.
(Nguồn: Chinhphu.vn)