Đến Iran thăm mộ Alexander de Rhodes

Chúng tôi tìm đến đặt hoa trên mộ Alexandre de Rhodes, người có công lao lớn trong việc truyền bá chữ quốc ngữ ở Việt Nam.

Đầu tháng 9 vừa rồi, chúng tôi có chuyến đi tới Iran. Một chuyến đi vô cùng đáng nhớ. Hơn một tuần lang thang trên đất Ba Tư huyền thoại có biết bao nhiêu chuyện để kể. Và nếu mỗi ngày chỉ kể một câu chuyện nho nhỏ về đất nước Iran, có lẽ cũng mất 1001 ngày. Bởi ở đây trời xanh lắm, hoa trái ngọt ngào lắm, người dân thân thiện cởi mở lắm…bên cạnh những đền đài Hồi giáo đẹp lộng lẫy.

Iran không giống như tôi từng hình dung. Nỗi đau chiến tranh chưa bị lãng quên hiện diện khắp nơi trên đất nước Iran thông qua những bức chân dung các chiến sĩ đã hy sinh- nhữn bức chân dung có mặt trên khắp đường phố, và chỉ thế với những khách du lịch. Những người đến đây vì những câu chuyện trong Nghìn lẻ một đêm, dù dường như Nghìn lẻ một đêm không mấy tồn tại trong trí nhớ người Iran nữa. Chỉ tinh thần của nó là còn đấy, một đất nước lịch sử đồng hiện cùng thực tại.

Tháp Azadi tại thủ đô Tehran.
Tháp Azadi tại thủ đô Tehran.

Vẫn tồn tại hai quan điểm về du lịch ở Iran, một là không chủ trương mở cửa, để bảo tồn văn hóa truyền thống. Hai là muốn quảng bá hình ảnh đất nước để giới thiệu với thế giới một Iran khác, hiền hòa. Iran mở cửa du lịch mới hơn 5 năm nay, và những người Việt Nam đến Iran du lịch cũng chưa nhiều lắm.

Và bởi là người Việt Nam, nên việc chúng tôi làm được ở thành phố Isfahan, một việc đột xuất bên ngoài chương trình tour khiến cả đoàn rất mãn nguyện, là việc tìm đến đặt hoa trên mộ Alexandre de Rhodes. Người có công lao lớn trong việc truyền bá chữ quốc ngữ ở Việt Nam.

Thông tin ít ỏi về cha Alexander de Rhodes trên Wikipedia chỉ thế này: “Năm 1645, ông bị Chúa Nguyễn vĩnh viễn trục xuất khỏi Việt Nam. Khi trở lại châu Âu, Alexandre de Rhodes vận dụng mọi khả năng hiểu biết về công cuộc rao giảng Tin Mừng tại Á Châu, đã xin Tòa Thánh gửi các Giám mục truyền giáo đến Á Châu, để các ngài có thể truyền chức linh mục cho các thầy giảng bản xứ. Ông mất ngày 5 tháng 11 năm 1660 tại Isfahan, Ba Tư, 15 năm sau lần cuối cùng bị trục xuất khỏi Việt Nam”.

Bậc thang lên một ngôi nhà tại làng cổ Abyaneh.
Bậc thang lên một ngôi nhà tại làng cổ Abyaneh.

Thành phố Isfahan (Iran) có hơn 2 triệu dân, nhưng chỉ có hơn 11.000 người công giáo. Nhà thờ Vank, nhà thờ riêng của người công giáo gốc Armenia là nơi chúng tôi có thể hỏi thăm về phần mộ cha Alexander de Rhodes.

Nhờ sự hướng dẫn của một bạn làm trong sứ quán biết thông tin, và Leela, cô hướng dẫn viên rất nhiệt tình, chúng tôi xin cha xứ giấy phép xuất trình cho người quản lý ở nghĩa trang cộng đồng người Armenia, nơi Alexander de Rhodes nằm.

Chúng tôi mua một bó hoa và cầm theo một chai nước để rửa lên nấm mồ của ông, theo truyền thống của người Iran. Sung sướng và hàm ơn là cảm xúc khó tả khi đứng trước ngôi mộ giản dị của một nhà truyền giáo vĩ đại, người có lẽ không thể tưởng tượng được chữ quốc ngữ có ý nghĩa to lớn thế nào với hơn 90 triệu người Việt trên toàn cầu.

Mộ Alexander de Rhodes nằm trong nghĩa trang cổ của người công giáo Armenia tại thành phố Isfahan.
Mộ Alexander de Rhodes nằm trong nghĩa trang cổ của người công giáo Armenia tại thành phố Isfahan.

Nghĩa trang của những người Armenia, một nghĩa trang rất cổ và hoang vắng, cha Alexander de Rhodes, cụ Đắc Lộ, của chúng ta nằm đấy, một phiến đá trong muôn vàn phiến đá ngổn ngang từ thế kỷ 17, giữa cát trắng và phi lao nhìn giống hệt một vùng biển miền trung Việt Nam. Chữ trên bia mộ cực kỳ mờ, nhưng tên cụ vẫn đọc được. Cả đoàn đặt hoa và kính cẩn tri ân người có thể không phải đầu tiên nhưng chắc chắn có công đầu trong việc Việt Nam có chữ quốc ngữ bây giờ. 

“Giống như Nhật Bản và Triều Tiên, người Việt Nam luôn luôn sử dụng chữ viết của người Trung Quốc và bị nô lệ vì chữ viết này. Chỉ mới cách đây không lâu, người Triều Tiên mới chế biến ra một chữ viết riêng của họ. Còn người Nhật thì, sau nhiều lần thử nghiệm, đã phải bó tay và đành trở về với chữ tượng hình của người Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã từng tìm cách dùng các mẫu tự La Tinh để chế biến ra chữ viết của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Vậy mà dân tộc Việt Nam, nhờ công ơn của cha Alexander de Rhodes, đã tiến bộ trước người Trung Quốc đến 3 thế kỷ” (Wikipedia)

Năm 1617 giáo sĩ Francisco de Pina được cử vào xứ Đàng Trong giúp đỡ Nhật kiều công giáo ở Hội An. Sau đó giáo sĩ chú tâm nghiên cứu, sáng tạo chữ quốc ngữ. Thế nhưng, công lao phát minh ra chữ quốc ngữ phải thuộc về giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes (1591-1660). Ông là người có công hoàn thiện chữ quốc ngữ thông qua việc tu chỉnh, biên soạn và xuất bản hai cuốn sách quan trọng là Từ điển Việt - Bồ - La và Phép giảng tám ngày vào năm 1651. Hiện cuốn “Phép giảng tám ngày” (ấn phẩm chữ quốc ngữ đầu tiên) in cách đây gần 4 thế kỷ tại Rome vẫn đang được lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng (Phú Yên).

Chữ latin đơn giản, uyển chuyển và dễ học, giúp người Việt dễ dàng hội nhập với phần còn lại của thế giới và đặc biệt giúp người Việt thoát khỏi vay mượn, lệ thuộc chữ tượng hình biểu ý của người Trung Quốc.

Phạm Hà

Từ Đan Kia - Suối Vàng vượt qua Cổng Trời

Từ Đan Kia - Suối Vàng vượt qua Cổng Trời

Hồ Suối Vàng bao gồm hai hồ Đan Kia ở phía trên và Ankroet như một nét nhấn trong một bức tranh sinh động, nguyên sơ của núi – hồ - thác.