Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn cũng là cơ hội bứt phá

Các doanh nghiệp du lịch, hàng không có lẽ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch. Trên thực tế, không phải mọi doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, thậm chí có cơ hội tăng trưởng.

Những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu như Tập đoàn Masan (mã MSN), Thế giới di động (mã MWG)… được hưởng lợi lớn nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong mùa dịch. Hai quý đầu năm, Masan báo lãi 979 tỷ đồng, cao gấp 8,4 lần. Trong quý III, Masan dự kiến doanh thu tăng hơn 20%, biên lợi nhuận gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Sở hữu hệ thống bán lẻ Vinmart, Vinmart+, kinh doanh sản phẩm thịt sạch và các sản phẩm thực phẩm giúp Masan có lợi thế tăng trưởng.

Trong khi đó, dù hai mảng Thế giới di động và Điện Máy Xanh chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, MWG vẫn tăng trưởng tốt nhờ động lực mới là chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, MWG báo lãi 2.784 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Riêng chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh đạt mức tăng trưởng 57%. Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự báo, năm 2021, MWG sẽ đạt doanh thu và lãi ròng thuộc Công ty mẹ lần lượt là 125.494 tỷ đồng và 5.626 tỷ đồng, tăng trưởng 14,3% và 43,6% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp du lịch, hàng không có lẽ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) đã báo lỗ 8.585 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng mạnh so với con số lỗ 5.262 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Chẳng khó để hình dung ra bức tranh kinh doanh quý III của hãng khi đây là giai đoạn mà hoạt động vận tải hành khách hầu như tê liệt.

Công ty cổ phần Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, mã chứng khoán VTR) hiện chỉ có khoảng 50 trong tổng số 1.700 nhân viên (tương đương 3%) làm việc không thường xuyên, số còn lại nghỉ không lương hoặc chuyển công tác. Có hai lĩnh vực chịu tổn thương nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19 là hàng không và du lịch thì Vietravel đều gánh trọn. Hiện hầu hết các máy bay của Vietravel Airlines đều nằm một chỗ. Công ty vẫn phải trang trải các chi phí bảo dưỡng, tiền thuê máy bay, tiền lương người lao động, tiền thuê chỗ đỗ và nhiều khoản chi phí khác. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel chia sẻ, “doanh nghiệp đang sức cùng lực kiệt”.

Kinh doanh mặt hàng thuộc nhóm không thiết yếu, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) đã tạm đóng 270 cửa hàng trên toàn hệ thống trong thời gian giãn cách xã hội tại các địa phương. Doanh thu tháng 8 giảm 86,9% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận 162 tỷ đồng; lợi nhuận âm 78 tỷ đồng. Đây là tháng thứ hai liên tiếp PNJ thua lỗ. Tháng trước đó, Công ty lỗ 32 tỷ đồng.

Trung bình có 90,8% DN được hỏi cho biết đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Cứ khoảng 10 DN thì có xấp xỉ 9 DN chấp nhận cho người lao động (NLĐ) thôi việc do hoạt động sản xuất - kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Theo phân tích của VCCI, tình trạng DN buộc phải cho NLĐ nghỉ việc tương đối giống nhau ở tất cả các nhóm quy mô DN, trong đó khoảng 92% DN quy mô lớn, trong khi đó, DN quy mô nhỏ và vừa là từ 81% đến 90%. Tình trạng NLĐ mất việc làm diễn ra phổ biến nhất ở các ngành dịch vụ. Trên 97% DN ở các ngành giáo dục và đào tạo, hoạt động hành chính và dịch vụ, dịch vụ lưu trú và ăn uống trả lời khảo sát đã phải giảm số lao động trong thời gian dịch bệnh.

Đáng chú ý, tình trạng NLĐ mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% DN đang hoạt động ở các vùng này báo cáo việc cho NLĐ thôi việc. Tỉ lệ này ở đồng bằng sông Hồng là 78%.

Điều mà các doanh nghiệp lo ngại nhất hiện nay về một số quy định vẫn mang mục tiêu “zero COVID”. Chỉ số đánh giá đưa ra thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều, tràn lan kể cả khi đã tiêm đủ vaccine; cần có hướng dẫn cụ thể để F0 có triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà. Đề xuất bổ sung quy định để doanh nghiệp tự xét nghiệm, tự chăm sóc F0 tại trụ sở doanh nghiệp hoặc các khu thu dung của doanh nghiệp, địa phương chỉ hỗ trợ điều trị các ca F0 nặng để giảm bớt áp lực và gánh nặng về nguồn lực chống dịch. Có như vậy, các bên mới có thể cùng thích ứng an toàn được.

Nhật Hạ

(Tổng Hợp)