Điều gì khiến các nhà đầu tư 'ép' Grab và Gojek sáp nhập?

Cổ phiếu của Sea - công ty sở hữu Shopee, tăng giá mạnh khiến các nhà đầu tư vào các đối thủ cạnh tranh của họ là Gojek và Grab thèm muốn.

Cổ phiếu của Sea đã tăng gấp 5 lần trong năm 2020, có thời điểm giá trị công ty đạt 100 tỷ USD. Trong khi tổng giá trị của Gojek Grab , hai công ty công nghệ lớn nhất tiếp theo trong khu vực, là 24 tỷ USD. 

Gojek và Grab, 2 nhà cung cấp dịch vụ siêu ứng dụng đặt xe, giao đồ ăn và thanh toán kỹ thuật số, đã tham gia cuộc đàm phán sáp nhập trong gần một năm. Họ đã từ bỏ sau vài cuộc thỏa thuận không thành, nhưng lại được "dỗ dành" tiếp tục theo quyết tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư.

Giờ đây, sự vươn lên thành ngôi sao của Sea khiến áp lực phải thỏa thuận càng lớn hơn bao giờ hết.

Sự trỗi dậy của Sea - gã khổng lồ kỹ thuật số Đông Nam Á 

Từ đầu năm 2020, thị phần của Sea không ngừng tăng, khi các mảng kinh doanh cốt lõi như trò chơi, thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số, đều được hưởng lợi từ những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng do COVID-19.  

Doanh thu của công ty trong 3 tháng kết thúc vào tháng 9, đã tăng 99% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,21 tỷ USD, nhờ dịch vụ thương mại điện tử Shopee .

Tài xế Grab và Gojek dày đặc trên đường ở Jakarta - Indonesia. Ảnh: Ken Kobayashi
Tài xế Grab và Gojek dày đặc trên đường ở Jakarta - Indonesia. Ảnh: Ken Kobayashi

Sự gia tăng của cổ phiếu Sea cũng phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư đối với thị trường kỹ thuật số còn non trẻ, nhưng đang phát triển nhanh chóng của Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain&Company, Sea sẽ có giá trị 309 tỷ USD vào năm 2025, tăng gần gấp ba lần quy mô của năm 2020. Cổ phiếu Sea đóng vai trò như một cánh cổng để các nhà đầu tư gặt hái lợi ích từ sự tăng trưởng đó, vì nó là một trong số ít cổ phiếu công nghệ Đông Nam Á được giao dịch công khai tại Mỹ.

Các nhà đầu tư của Gojek và Grab dường như tin rằng, sự kết hợp 2 nền tảng này và IPO sẽ giúp họ thu được lợi ích. Vì khi đó, nhà đầu tư sẽ có thêm lựa chọn khi muốn đầu tư vào một phần của thị trường kỹ thuật số đang phát triển ở Đông Nam Á.

Ngoài ra, một thực thể hợp nhất có khả năng đẩy lợi nhuận nhanh hơn, bằng cách giảm chi phí và cạnh tranh.

"Tôi nghĩ rằng tất cả các nhà đầu tư vào Gojek và Grab đang nghĩ Grab đạt giá trị 14 tỷ USD, Gojek là 10 tỷ USD. Kết hợp chúng lại, có lẽ chúng ta có thể có được 50 tỷ USD", một nhà đầu tư vào Grab cho biết. 

"Đỉnh cao là 100 tỷ USD. Tôi nghĩ, nếu chúng tôi có thể có được một nửa trong số đó đã là một chiến thắng", ông nói thêm.

Thị trường công nghệ mới màu mỡ và sự đe dọa của Sea

Điểm quan trọng nhất của thương vụ sáp nhập là quyền kiểm soát thị trường Indonesia, thị trường lớn nhất của cả hai công ty hiện nay. Nhiều kế hoạch khác nhau đã được đề xuất, bao gồm kế hoạch sẽ cho phép các đồng CEO Gojek hiện tại là Kevin Aluwi và Andre Soelistyo đảm trách các hoạt động tại Indonesia của tổ chức kết hợp.

Tuy nhiên, cả hai bên vẫn bất đồng về các vấn đề, như mức độ hoạt động của Indonesia sẽ tự trị. Do đó, thỏa thuận sẽ còn kéo dài vài tháng nữa, và đợt IPO có thể còn rất xa.

Khi báo cáo về việc sáp nhập xuất hiện trở lại, Aluwi và Soelistyo đã nói với nhân viên của họ trong một email nội bộ vào đầu tháng 12, rằng "không có lý do cấp bách" nào để họ phải đạt được thỏa thuận với Grab. 

Hai CEO cho biết: “Chúng tôi có vốn hóa rất tốt, và có đủ khả năng để tiếp tục hoạt động phát triển kinh doanh trong nhiều năm tới".

Grab đã mua lại mảng kinh doanh Đông Nam Á của Uber vào năm 2018. Ảnh: Internet
Grab đã mua lại mảng kinh doanh Đông Nam Á của Uber vào năm 2018. Ảnh: Internet

Ngoài việc bị thúc đẩy bởi giá trị Sea trên thị trường chứng khoán, một lý do khác khiến các nhà đầu tư, đặc biệt là phía Grab, quan tâm đến sáp nhập, là công ty có thể phải trả 2 tỷ USD cho Uber Technologies của Mỹ, nếu không được niêm yết cổ phiếu vào tháng 3/2023.

Quy định này là một phần của thỏa thuận khi Grab mua lại mảng kinh doanh Đông Nam Á của Uber vào năm 2018, để đổi lấy cổ phần của hãng.

Trong khi đó, các nhà đầu tư đã đổ xô vào cổ phiếu công nghệ ở Mỹ trong năm nay. Cả công ty giao đồ ăn DoorDash và nền tảng cho thuê nhà ngắn hạn AirBnB đều có những đợt IPO thành công. Điều này cũng có thể đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của các nhà đầu tư Gojek và Grab.

Giá trị của Sea trên thị trường chứng khoán đã khiến các nhà đầu tư lo lắng về sự gia tăng tầm vóc của gã khổng lồ kỹ thuật số này, đặc biệt là ở thị trường lớn nhất khu vực Indonesia. Điều này có nghĩa, kết hợp là cách tốt nhất cho Gojek và Grab trong cuộc chiến với gã khổng lồ công nghệ trong khu vực.

Tại Indonesia, GoPay và OVO, dịch vụ thanh toán kỹ thuật số của Gojek và Grab, đều là những người dẫn đầu thị trường. Các dịch vụ thanh toán rất quan trọng đối với các siêu ứng dụng, vì nó cho phép họ nắm được người dùng trong hệ sinh thái dịch vụ của mình. Những tháng gần đây, Shopee Pay của Sea đã xâm nhập mạnh mẽ, chiếm thị phần đáng kể.

Shopee Pay mới chính thức ra mắt tại Indonesia vào tháng 8 năm nay, ở đỉnh điểm của đại dịch COVID-19. Nhưng nó nhanh chóng bắt kịp thị trường, bằng cách cung cấp các chương trình khuyến mãi tích cực vào thời điểm cả Gojek và Grab đều rút lui vào các chiến lược đốt tiền mặt.

Cả hai công ty đều đã bắt đầu rút lui khỏi việc cung cấp các chương trình khuyến mãi rầm rộ, khi các nhà đầu tư tìm kiếm một con đường nhanh hơn để đạt được lợi nhuận. Điều này đang trở nên khó khăn hơn đối với họ, vì cả hai đều chứng kiến ​​hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là hoạt động kinh doanh cốt lõi gọi xe.

Gojek cũng buộc phải đóng cửa một số dịch vụ của mình trong quá trình tái cơ cấu.

"COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi, và đặt ra cho chúng tôi nhiều thách thức mà tất cả phải nỗ lực giải quyết", đồng CEO của Gojek cho biết trong một email nội bộ vào tháng 6, khi công ty thông báo về việc cắt giảm. 

"Chúng ta phải ứng phó với môi trường bên ngoài, và tăng cường tập trung vào việc xây dựng một doanh nghiệp mạnh hơn, hiệu quả hơn, có thể chịu đựng được thử thách của thời gian và luôn phù hợp. Chúng tôi rất tiếc, vì thực tế của việc thực hiện điều này quá đau đớn", ông nói thêm.

Sea đang mở rộng dịch vụ thanh toán kỹ thuật số Shopee Pay tại Singapore thông qua một chiến dịch hoàn tiền tích cực. Ảnh: Kentaro Iwamoto
Sea đang mở rộng dịch vụ thanh toán kỹ thuật số Shopee Pay tại Singapore thông qua một chiến dịch hoàn tiền tích cực. Ảnh: Kentaro Iwamoto

Mặt khác, Sea có thể tiếp tục áp dụng các chương trình khuyến mãi tài khoản ngân hàng trên Shopee Pay, nhờ công ty chơi game sinh lời Garena.

Sáp nhập có dễ?

Nhưng ngay cả khi cả Gojek và Grab đồng ý hợp nhất, các vấn đề chống độc quyền có thể cản trở họ. Grab không lạ gì với điều này. Công ty từng bị tấn công bởi các cuộc điều tra chống độc quyền và tiền phạt tại thị trường Singapore và Philippines, khi tiếp quản hoạt động của Uber trong khu vực.

Tuy nhiên, thị trường quan trọng nhất là Indonesia, nơi Grab và Gojek vẫn chiếm ưu thế trong cả dịch vụ đặt xe và giao hàng. Bất kỳ giao dịch kinh doanh nào có thể dẫn đến việc một số lượng lớn người bị sa thải, như trường hợp sáp nhập công ty, cũng sẽ bị ban nhà nước để ý, đặc biệt là vào thời điểm nhiều người đã mất việc làm vì đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan, cánh tay phải của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, gần đây nói với Nikkei Asia rằng, chính phủ sẽ không cản đường thương vụ. 

"Không có lý do gì để chúng tôi can thiệp. Nếu họ đồng ý hợp nhất, đó là việc của họ", ông nói. Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, chính phủ vẫn còn nghi ngờ về vụ sáp nhập lớn.

"Đây là các công ty tư nhân, vì vậy chính phủ không có khả năng bình luận về việc sáp nhập", một quan chức cấp cao của chính phủ nói với Nikkei Asia. 

"Tuy nhiên, trên thực tế, chính phủ mong muốn sự cạnh tranh lành mạnh giữa hai công ty, để cân bằng thị trường. Nếu sáp nhập và hình thành một công ty lớn có khả năng kiểm soát thị trường mạnh, thì sẽ không tốt và có thể gây hại cho người tiêu dùng", ông nói thêm.

NHẬT SANG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương