Trong thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Theo thống kê, trung bình, một người trưởng thành ở Mỹ dành hơn 2 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội, trong khi thanh thiếu niên dành gấp đôi thời gian đó trên các nền tảng như TikTok và Instagram.
Các nền tảng mạng xã hội giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Ảnh minh họa: Pinterest |
Các chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng mạng xã hội liên tục có thể gây ra "suy thoái não bộ", ảnh hưởng đến sự tập trung, gây lo âu, thậm chí là trầm cảm. Ngày càng có nhiều người tìm cách thoát khỏi tình trạng này, bằng chứng là lượng tìm kiếm giải pháp "cai nghiện mạng xã hội" trên Google đã tăng 60% trong những tháng gần đây.
Mạng xã hội tác động tới não bộ và "gây nghiện" như thế nào? Làm thế nào để chúng ta thiết lập mối quan hệ lành mạnh hơn với thế giới số? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mạng xã hội và "cơ chế bập bênh" dopamine
Vậy điều gì khiến mạng xã hội có sức hút đến vậy? Câu trả lời nằm ở hệ thống khen thưởng của não bộ. Mỗi lượt thích, bình luận, hay video thú vị đều kích hoạt sự giải phóng dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác "hài lòng". Tiến sĩ Anna Lembke, chuyên gia về các loại thuốc gây nghiện và là tác giả cuốn sách Dopamine Nation: Finding Balance in the Age of Indulgence (tạm dịch: Tìm kiếm sự cân bằng trong thời đại buông thả), giải thích rằng con người có thể nghiện phương tiện kỹ thuật số giống như nghiện ma túy, bởi cả hai đều khai thác cơ chế này.
Tuy nhiên, não bộ luôn tìm cách duy trì sự cân bằng dopamine. Việc tiếp xúc liên tục với các kích thích từ mạng xã hội khiến não bộ phải "bù trừ" bằng cách giảm sản xuất hoặc làm chậm quá trình truyền tải dopamine. Dần dần, chúng ta rơi vào trạng thái "thiếu hụt dopamine", khiến cần nhiều thời gian online hơn để đạt được cảm giác thỏa mãn như trước.
"Tạm dừng" để thiết lập lại
Một nghiên cứu trên 31 thanh thiếu niên cho thấy, việc ngừng sử dụng mạng xã hội trong 2 tuần giúp cải thiện sự hài lòng với cuộc sống, giảm căng thẳng, và cải thiện giấc ngủ. Một nghiên cứu khác trên 65 bé gái tuổi từ 10 đến 19 cho thấy, chỉ cần 3 ngày "cai nghiện" cũng giúp cải thiện lòng tự trọng và sự đồng cảm.
Theo Tiến sĩ Lembke, việc "tạm dừng" sử dụng mạng xã hội cho phép não bộ thiết lập lại các con đường khen thưởng, giúp chúng ta thoát khỏi vòng xoáy "thèm muốn - tiêu thụ" và ngăn ngừa tình trạng "suy thoái não bộ".
Đối mặt với các triệu chứng "cai nghiện"
Giống như việc cai nghiện bất kỳ chất kích thích nào, việc "cai nghiện" mạng xã hội cũng có thể gây ra các triệu chứng như lo lắng, bồn chồn, thậm chí là trầm cảm. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định rằng đây là những phản ứng bình thường khi não bộ điều chỉnh theo mức dopamine thấp hơn. Việc vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu là chìa khóa để thiết lập lại sự cân bằng.
Duy trì sự cân bằng trong thế giới số
Sau thời gian "cai nghiện", việc xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với mạng xã hội là điều cần thiết. Các chuyên gia khuyến nghị tạo ra các "rào cản" như tắt thông báo, không sử dụng điện thoại trước khi ngủ, và thay thế thời gian online bằng các hoạt động lành mạnh khác như đọc sách, vận động, giao tiếp trực tiếp,...
Đọc sách, nghe nhạc, vận động... là những cách hiệu quả giúp bạn tạm rời xa mạng xã hội. Ảnh minh họa |
Việc "cai nghiện" mạng xã hội không đồng nghĩa với việc từ bỏ hoàn toàn thế giới số. Mục tiêu là nhận thức rõ hơn về tác động của mạng xã hội, thiết lập các thói quen lành mạnh, và sử dụng công nghệ một cách có ý thức và điều độ.
Nghiên cứu mới cho biết nghiện điện thoại thông minh tương tự như nghiện ma túy
Theo thống kê cho thấy có hơn một nửa số trẻ em tại Anh không thể thiếu điện thoại trong hoạt động thường ngày, bao gồm cả việc đi ngủ.