"Điều tốt nhất cho hành tinh này có lẽ là sự biến mất của con người"

Tạp chí Phụ nữ Mới xin phép lược dịch bài chia sẻ của tác giả Les Knight.

(Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả)

Năm mươi năm trước, tôi đã đúc kết rằng điều tốt nhất cho hành tinh này có lẽ là một giai đoạn bình yên mà không có sự tồn tại của loài người. Chúng ta chính là nguyên nhân khiến hàng trăm ngàn giống loài tuyệt chủng. Nếu không có con người, tôi tin hệ sinh thái sẽ được phục hồi và tài nguyên sẽ không còn cạn kiệt. Thế nhưng, ý tưởng đó đã không được đón nhận theo cách tôi hy vọng.

"Điều tốt nhất cho hành tinh này có lẽ là một giai đoạn bình yên mà không có sự tồn tại của loài người", tác giả Les Knight (Ảnh: Leah Nash/The Guardian).

Hành trình theo đuổi ý tưởng đó của tôi bắt đầu từ trường học. Tôi là một đứa trẻ sinh ra sau chiến tranh trong một thị trấn nhỏ hoang tàn ở Oregon, Mỹ. Hồi đó, do số học sinh mới quá đông đối với một trường tiểu học nên các lớp học tràn sang cả nhà thờ. Năm lớp 4, chúng tôi học trong một thư viện của quận, xung quanh mọi người vẫn kiếm tìm sách. Lên trung học, mọi chuyện vẫn thế, nhà ăn hóa thành lớp học. Tài nguyên vẫn luôn không đủ, một tình trạng dường như không thay đổi khi chúng ta bước vào những thập kỷ cuối cùng.

Sau khi buộc phải vào quân đội, tôi đã đọc được một cuốn sách của Paul Ehrlich, cuốn “Population Bomb” (tạm dịch: quả bom dân số). Cuốn sách cho rằng việc gia tăng dân số sẽ dẫn tới thiếu hụt thức ăn và đói kém, rồi sớm sẽ dẫn tới phong trào Zero Population Growth. Khẩu hiệu của họ là Stop at Two (Dừng ở con số 2). Vậy nhưng khi đó dân số đã đạt mức 3.7 tỷ nên có lẽ thay vì dừng ở 2 con, chúng ta cần phải dừng ngay lập tức.

Năm 25 tuổi, tôi muốn chứng minh rằng bản thân thực sự nghiêm túc về việc đó. Một trường y khoa đã cho tôi cơ hội thắt ống dẫn tinh giá rẻ nếu đồng ý trở thành bệnh nhân đầu tiên áp dụng phương pháp này. Và tôi đã được phẫu thuật thành công.

Vấn đề dân số đang góp phần gây nên khủng hoảng trên hành tinh.
Vấn đề dân số đang góp phần gây nên khủng hoảng trên hành tinh.

Rồi tôi trở thành một giáo viên dạy thay, một công việc giúp tôi có khá nhiều thời gian để tìm hiểu về những vấn đề về dân số. Vào hè, tôi du lịch bụi vòng quanh nước Mỹ như mọi thanh niên của những năm 1970. Tới đâu, tôi cũng được nghe về những lời phàn nàn về tình trạng di dân đến quá đông khiến địa phương của họ trở nên chật chội.

Cuối những năm 1980, tôi định cư ở Portland, Oregon và bắt đầu đặt tên cho chương trình này của mình là Voluntary Human Extinction Movement (Phong trào tuyệt chủng con người tình nguyện) với một thông điệp rõ ràng, đó là: động viên mọi người ngừng sinh sản để sinh quyển của trái đất có thể trở lại thời kỳ huy hoàng như trước, và những người đã có mặt trên trái đất có thể sống một cách dư dả hơn.

Năm 1996, chúng tôi lập một website và mọi thứ bắt đầu lan tỏa. Mọi người từ khắp nơi trên trái đất email cho chúng tôi, thể hiện sự đồng cảm của họ đối với ý tưởng này. Và tất nhiên, tôi cũng nhận được những bức thư không đồng tình.

Không rõ có bao nhiêu người thấu hiểu được đức tin ấy của tôi, nhưng tôi đã trò chuyện với hàng trăm người ủng hộ mỗi năm. Chúng tôi có những tình nguyện viên tích cực trên khắp thế giới, từ Ấn Độ cho tới Mexico. Đối với những mối quan hệ của cá nhân tôi, tôi luôn giải thích rằng nếu kết hôn với tôi, việc mang thai sẽ là điều không thể. Dù sao, hôn nhân chưa bao giờ có nghĩa đối với tôi bởi nếu tôi gắn kết với một người con gái, tôi sẽ mất đi cơ hội tìm hiểu về nhiều người phụ nữ tuyệt vời khác.

Con người chính là nguyên nhân khiến hành tinh này đang lụi tàn
Con người chính là nguyên nhân khiến hành tinh này đang lụi tàn

Ngày nay, phong trào đấu tranh cho sự tuyệt chủng và chống đối khí hậu vẫn chưa thực sự bao quát được những vấn đề về dân số đang góp phần vào cuộc khủng hoảng. Trong khi đó, những tổ chức nâng cao nhận thức về dân số thì vẫn đang nỗ lực để được nhìn nhận, vậy nên bên cạnh khuyên kế hoạch hóa dừng ở con số 0 hay chỉ 1 con, con số 2 vẫn được tuyên truyền. Đó thực sự là quá nhiều bởi thậm chí, nếu mỗi gia đình có 1 con thì dân số sẽ đạt mức từ 5 – 10 tỷ người vào năm 2100.

Cho dù ý tưởng cơ bản là giống nhau, động lực của tôi đã tiến triển. Tôi đã từng là một nhà sinh thái học chỉ quan tâm nhiều đến tác động của con người lên vùng sinh quyển hơn là về nhu cầu của con người, giờ tôi trở nên quan tâm hơn về những sinh mạng mới ra đời trên trái đất. Việc sinh sản ngày nay giống như việc bán bến đỗ trên một con tàu đắm.

Có thể đúng là xã hội sẽ suy giảm nếu không có trẻ em, nhưng thật không đúng khi tạo ra chúng chỉ bởi chúng ta muốn có chúng quanh ta. Chúng ta lo không có đủ lực lượng lao động để hỗ trợ những người hưu trí, nhưng hệ thống kinh tế là nhân tạo và có thể điều chỉnh. Chúng ta không cần phải sản sinh thêm nô lệ của tiền lương chỉ để chống đỡ một hệ thống lỗi thời.

Nếu con người biến mất, những giống loài khác sẽ có cơ hội được phục hồi.
Nếu con người biến mất, những giống loài khác sẽ có cơ hội được phục hồi.

Nếu chúng ta biến mất, những giống loài khác sẽ có cơ hội hồi phục. Sẽ chẳng bao giờ tôi được thấy ngày hành tinh này không có bóng người, nhưng tôi có thể tưởng tượng được một thế giới sẽ tuyệt vời ra sao nếu chúng ta sớm biến mất.

Les Knight

Thảm họa cháy rừng ở Úc: Trái đất đang dần trở thành hành tinh khó sinh tồn?

Thảm họa cháy rừng ở Úc: Trái đất đang dần trở thành hành tinh khó sinh tồn?

Phụ nữ Mới xin lược dịch bài cảm nhận của Paul Hockenos, tác giả cuốn “Berlin Calling: A Story of Anarchy, Music, the Wall and the Birth of the New Berlin”.