Doanh nghiệp 'nợ như Chúa Chổm' vẫn phát hành trái phiếu nghìn tỷ. Cần quy định rõ ràng xếp hạng tín nhiệm là điều kiện bắt buộc cho việc phát hành trái phiếu, để các nhà đầu tư có cơ sở thẩm định rủi ro trái phiếu họ đầu tư.
Liên quan đến vấn đề xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích thêm rằng, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 153, việc xếp hạng các doanh nghiệp chỉ được ghi là “xếp hạng nếu có”. Do đó, ông cho rằng các quy định hiện hành đang coi nhẹ việc xếp hạng tín nhiệm, trong khi đó việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thì việc xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp là rất quan trọng, và việc này là phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Bởi theo vị chuyên gia này, nguồn vốn trung và dài hạn của các ngân hàng cũng chỉ bằng vốn trái phiếu của doanh nghiệp hiện nay trên thị trường với mức trên 20%. Để thấy được rằng, thị trường trái phiếu rất quan trọng với bất động sản nói riêng và thị trường nói chung. Do đó, chúng ta phải tìm cách, nhấn mạnh, đẩy nhanh chất lượng xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản.
Để khai thông dòng vốn cho thị trường bất động sản thì chúng ta cần điều chỉnh ngay những quy định pháp luật về thị trường trái phiếu để tạo niềm tin cho giới đầu tư. Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ cần quy định rõ ràng xếp hạng tín nhiệm là điều kiện bắt buộc cho việc phát hành trái phiếu, để các nhà đầu tư có cơ sở thẩm định rủi ro trái phiếu họ đầu tư.
Nói thêm về việc khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện tại, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay chỉ chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam. Do đó, nguồn cung cấp vốn chủ yếu vẫn là các ngân hàng. Vì thế, gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế vẫn đè nặng lên vai các ngân hàng trong khi hoạt động tín dụng của các ngân hàng vẫn tiếp tục bị hạn chế.
Bối cảnh vừa nêu cũng báo hiệu những khó khăn sắp tới mà ngành bất động sản phải đối mặt, đặc biệt là bài toán huy động vốn của các doanh nghiệp phát triển địa ốc. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện tại ở Việt Nam, nhà đầu tư thường không sử dụng công cụ xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, mà phần lớn thường tự thẩm định, cũng như dựa vào uy tín của doanh nghiệp phát hành, sự hấp dẫn của lãi suất với tỉ lệ gấp đôi gấp ba so với lãi suất khuấy động của ngân hàng. Và việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, hiện nay có rất nhiều các doanh nghiệp đưa tài sản của mình đi đảm bảo để thế chấp vay vốn. Nhưng thực tế chưa có một công cụ nào để khẳng định, đảm bảo những tài sản thế chấp ấy là đúng với những gì doanh nghiệp nói. Vì vậy, chúng ta không thể quản lý được việc các doanh nghiệp đi đảm bảo tài sản để vay vốn hay phát hành trái phiếu.
TS. Nghĩa, nhiều chuyên gia tài chính và bất động sản lấy ví dụ rằng, Công ty CP Bách Hưng Vương (do bà Đinh Thị Ngọc Thanh-Chủ tịch HĐQT Bông Sen Corp làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật và sở hữu 75% vốn tại thời điểm thành lập) mặc dù chỉ có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng nhưng vừa phát hành xong 2.980 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng. Điều đáng nói là mặc dù giá trị trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng, nhưng các thông tin về lãi suất, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo, trái chủ, đơn vị thu xếp cho lô trái phiếu của Bách Hưng Vương lại không được công bố.
Tiếp đến phải kể đến hệ sinh thái doanh nghiệp của ông Lê Anh Đức (hay còn gọi là đại gia Đức “Cá Tầm”), bởi nhiều năm qua các doanh nghiệp của vị đại gia này liên tục bê bết vì thua lỗ, dính lùm xùm vì dự án chậm tiến độ và sai phạm nhưng vẫn liên tục phát hành hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu.
Ví dụ như, năm 2017, Công ty Vịnh Nha Trang của đại gia Đức “Cá Tầm” khởi công dự án The Arena quy mô 29 ha, thông qua việc thâu tóm Công ty CP Trần Thái Cam Ranh từ Tập đoàn Trần Thái. Đáng nói, dù khởi công đã được 4 năm, tuy nhiên những lùm xùm liên quan đến dự án như bị tố lừa dối khách hàng, gian lận thuế, nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch… khiến The Arena chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Do đó, tính đến cuối năm 2020, Nợ phải trả của Trần Thái Cam Ranh là 4.105 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 600 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần 6 lần – một con số đáng báo động cho nhà đầu tư vào dự án của Trần Thái Cam Ranh. Thậm chí, đến giai đoạn 2016-2020, Trần Thái Cam Ranh chỉ đưa về hơn 300 triệu đồng doanh thu, trong khi lỗ lũy kế gần 18 tỷ đồng.
Trong khi các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của đại gia Đức "Cá Tầm" liên tục "gánh nợ" nhưng Công ty CP Câu lạc bộ Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh (chủ đầu tư dự án Khu đô thị Cam Ranh City Gate, có quy mô 47,2 ha nằm cạnh sân bay quốc tế Cam Ranh) lại huy động thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 2 năm.
Tiếp đến là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang cũng bán thành công 650 tỷ đồng giá trị trái phiếu kỳ hạn 10 năm, là trái phiếu không chuyển đổi và có tài sản bảo đảm. Trong đó, lãi suất cố định cho năm đầu tiên là 10%/ năm, cho các kỳ tiếp theo là tổng của lãi tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cộng với biên độ 3,5%/ năm. Nhà đầu tư duy nhất mua trọn lô trái phiếu của Vịnh Nha Trang là MSB. Tuy nhiên, bản công bố thông tin không nêu cụ thể tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu có thời hạn khá dài, cũng như không đề cập đến mục đích sử dụng vốn.
Tổng Hợp