Trong bối cảnh xã hội hiện đại, phụ nữ không chỉ đảm nhận vai trò quan trọng trong gia đình mà còn tham gia tích cực vào lực lượng lao động, góp phần phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, với đặc thù của các ngành nghề như du lịch, y tế, giáo dục và kinh doanh tại các địa phương có nền kinh tế phát triển như Khánh Hòa, phụ nữ phải đối mặt với những áp lực công việc ngày càng gia tăng. Những áp lực này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc mà còn trực tiếp tác động đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.
![]() |
Tác giả trình bày báo cáo tại Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV tại Huế |
Khánh Hòa, với ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, các cơ sở y tế, giáo dục cùng với môi trường kinh doanh đầy thử thách, là nơi phụ nữ phải đối mặt với nhiều yếu tố căng thẳng. Các ngành nghề này đòi hỏi cường độ làm việc cao, khối lượng công việc lớn và yêu cầu khắt khe về chất lượng công việc, trong khi điều kiện làm việc không phải lúc nào cũng thuận lợi và ổn định. Ngoài ra, vấn đề phân biệt giới tính trong công việc và khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình cũng là những yếu tố góp phần làm gia tăng áp lực đối với phụ nữ.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng áp lực công việc kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như rối loạn giấc ngủ, bệnh tim mạch, lo âu, trầm cảm, và rối loạn nội tiết. Nghiên cứu này đánh giá mức độ ảnh hưởng của áp lực công việc đối với phụ nữ lao động trong các ngành nghề có cường độ làm việc cao tại địa phương này. Điều này đặt ra một nhu cầu cấp thiết trong việc tìm hiểu mối quan hệ giữa áp lực công việc và sức khỏe phụ nữ tại Khánh Hòa, nhằm có được cái nhìn rõ ràng hơn về thực trạng sức khỏe của nhóm đối tượng này và đề xuất các giải pháp.Với lý do đó, nghiên cứu này đặt ra câu hỏi nghiên cứu: Áp lực công việc có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ lao động tại Khánh Hòa? Những kết quả nghiên cứu không chỉ mang lại cái nhìn sâu sắc về thực trạng sức khỏe của phụ nữ lao động tại Khánh Hòa mà còn đóng góp vào việc xây dựng các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu suất công việc của họ trong bối cảnh môi trường làm việc hiện nay.
Những người được mời tham gia khảo sát đều đang trong độ tuổi làm việc và cũng đang làm việc tại một công ty đơn vị cụ thể và mức độ họ cảm thấy áp lực trong công việc hiện tại tương đối giống nhau. Kết quả khảo sát cho thấy, phụ nữ tại Khánh Hòa đang phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến áp lực công việc. Những vấn đề này bao gồm lo âu, căng thẳng, đau đầu, rối loạn giấc ngủ và bệnh tim mạch, với tỷ lệ cao, lo âu, căng thẳng (75%) và đau đầu, đau nữa đầu (75%), rối loạn giấc ngủ (56.3%) và bệnh tim mạch (50%).
Tình trạng lo âu và căng thẳng là một trong những vấn đề phổ biến nhất đối với phụ nữ làm việc tại Khánh Hòa. Theo khảo sát, 75% phụ nữ trong nghiên cứu cho biết họ thường xuyên cảm thấy lo âu và căng thẳng vì công việc. Trong ngành du lịch, đặc biệt vào mùa cao điểm, phụ nữ phải làm việc suốt ngày đêm, dẫn đến căng thẳng. Ở các cơ sở y tế và giáo dục, phụ nữ thường phải chịu áp lực từ cấp trên và khách hàng, bệnh nhân hoặc học sinh, tạo ra cảm giác lo âu. Đặc biệt là phụ nữ có con nhỏ hoặc đang chăm sóc gia đình, họ gặp khó khăn trong việc hoàn thành công việc và đồng thời phải chu toàn công việc gia đình. Lo âu kéo dài làm gia tăng mức độ căng thẳng trong cơ thể, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây ra các vấn đề tâm lý như mất tập trung, dễ nổi cáu, và giảm năng suất lao động. Hơn nữa, lo âu còn là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý tâm thần như trầm cảm.
Đau đầu và đau nửa đầu là vấn đề sức khỏe phổ biến khác mà phụ nữ tại Khánh Hòa phải đối mặt. 75% phụ nữ trong khảo sát cho biết họ gặp phải tình trạng đau đầu hoặc đau nửa đầu thường xuyên do áp lực công việc. Lo âu và stress gây căng thẳng cơ bắp, đặc biệt là vùng cổ và vai, là nguyên nhân gây ra đau đầu. Khi cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ, tình trạng đau đầu và đau nửa đầu trở nên nghiêm trọng hơn. Môi trường làm việc không thoải mái, ánh sáng yếu, hoặc phải làm việc trên máy tính trong thời gian dài cũng có thể góp phần vào việc gia tăng các cơn đau đầu. Đau đầu kéo dài làm giảm hiệu suất làm việc, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và xử lý công việc. Đau nửa đầu (migraine) không chỉ gây khó chịu mà còn có thể dẫn đến suy giảm sức khỏe tổng thể, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
![]() |
Nữ trí thức Chi hội Nữ trí thức Khánh hòa tham gia Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV |
Rối loạn giấc ngủ là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến áp lực công việc mà phụ nữ tại Khánh Hòa phải đối mặt. 56.3% phụ nữ tham gia khảo sát báo cáo rằng họ gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ do căng thẳng và áp lực công việc, đặc biệt trong các ngành nghề như du lịch và y tế, phụ nữ thường làm việc vào ca đêm hoặc có lịch làm việc thay đổi liên tục, gây mất ổn định nhịp sinh học. Mất ngủ hoặc giấc ngủ không đủ chất lượng làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và sự tỉnh táo trong công việc. Hơn nữa, thiếu ngủ kéo dài có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng như tiểu đường, cao huyết áp và bệnh tim mạch.
Bệnh tim mạch là một trong những tác động nghiêm trọng nhất của áp lực công việc đối với sức khỏe phụ nữ tại Khánh Hòa. 50% phụ nữ trong khảo sát cho biết họ gặp phải các vấn đề liên quan đến tim mạch, bao gồm tăng huyết áp và các triệu chứng đau ngực. Theo nghiên cứu của World Health Organization (WHO, 2019), phụ nữ làm việc trong môi trường áp lực cao có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 30% so với nam giới. Một số nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch ở phụ nữ do áp lực công việc, Stress kích thích cơ thể tiết ra cortisol và adrenaline liên tục, gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Bệnh tim mạch có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, như đột quỵ, suy tim và các vấn đề liên quan đến tuần hoàn máu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn làm giảm khả năng làm việc và chất lượng cuộc sống của phụ nữ.
![]() |
Các sản phẩm của các nhà khoa học nữ tỉnh Khánh Hòa trưng bày tại triển lãm trong khuôn khổ Hội nghị nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV. |
Áp lực công việc tại Khánh Hòa đang tạo ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của phụ nữ. Việc hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt trong các ngành nghề có cường độ làm việc cao như du lịch, y tế, giáo dục và kinh doanh, là rất quan trọng trong việc giảm bớt áp lực công việc, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Dưới đây là các giải pháp cụ thể để giúp phụ nữ tại Khánh Hòa và các khu vực tương tự vượt qua áp lực công việc.
Cải thiện môi trường làm việc là một yếu tố quan trọng để giảm căng thẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ. Những môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao, thiếu sự hỗ trợ và giao tiếp hiệu quả thường dẫn đến căng thẳng và mệt mỏi. Để thay đổi tình trạng này, đơn vị, tổ chức nên: Xây dựng môi trường làm việc hỗ trợ và thân thiện. Cung cấp các không gian làm việc thoải mái, an toàn và không có sự phân biệt giới tính. Phụ nữ cần cảm thấy được tôn trọng và có cơ hội phát triển nghề nghiệp bình đẳng; Đào tạo và phát triển kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ: Tạo cơ hội cho phụ nữ được tham gia các khóa đào tạo về lãnh đạo, quản lý và kỹ năng mềm để họ có thể tự tin đối mặt với áp lực công việc và phát triển nghề nghiệp. Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tinh thần: Các doanh nghiệp và cơ sở y tế có thể tổ chức các buổi tập huấn hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý cho nhân viên nữ để giúp họ đối phó với căng thẳng, stress; Cải thiện điều kiện làm việc vật lý.Đảm bảo giờ làm việc hợp lý và công bằng: Cần xây dựng các ca làm việc linh hoạt, giúp phụ nữ có thể sắp xếp thời gian công việc hợp lý hơn và giảm bớt tình trạng quá tải công việc. Nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần và thể chất trong cộng đồng.
Sức khỏe tinh thần và thể chất đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với phụ nữ lao động. Để hỗ trợ phụ nữ giảm bớt tác động tiêu cực từ áp lực công việc, cần thực hiện các giải pháp sau:
Khuyến khích các hoạt động hỗ trợ tinh thần: Do công việc bận rộn, nhiều phụ nữ thường không có thời gian để chăm sóc sức khỏe thể chất. Các công ty và tổ chức khuyến khích tham gia các hoạt động giải trí như thiền, yoga, hoặc các hoạt động thể thao giúp giảm căng thẳng, làm dịu tâm trí và cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều này sẽ giúp phụ nữ nhận thức được rằng việc chăm sóc sức khỏe tâm lý là cần thiết, giúp họ nhận ra những dấu hiệu stress và tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời.
Tư vấn về stress và sức khỏe tâm lý: Cung cấp các dịch vụ tư vấn miễn phí về sức khỏe tâm lý cho phụ nữ, giúp họ có thể đối mặt với căng thẳng trong công việc và gia đình một cách hiệu quả.
Việc giảm thiểu tác động tiêu cực của áp lực công việc đối với sức khỏe phụ nữ không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn cần sự phối hợp của các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan chức năng và cộng đồng. Hai giải pháp quan trọng trong vấn đề này bao gồm: cải thiện môi trường làm việc và nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần và thể chất.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng mở ra hướng đi cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong việc xây dựng những chính sách phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe phụ nữ lao động. Sự phối hợp giữa các bên liên quan không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế tại Khánh Hòa.
Chi hội Nữ trí thức tỉnh Khánh Hòa xúc tiến hoạt động các CLB
Hoạt động các CLB là môi trường giữ lửa để tất cả hội viên luôn là những nhân tố tiêu biểu, tích cực cho sự phát triển bền vững của xã hội.