Đòi nợ thuê đe dọa rồi tạt chất bẩn, người dân nên làm gì?

Trường hợp gặp phải nhóm đòi nợ thuê bặm trợn với mục đích đòi nợ, bạn cần ghi âm, ghi hình, mời tổ trưởng hoặc hàng xóm đến chứng kiến.

Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM đề nghị người dân nếu bị "khủng bố" bằng chất bẩn tương tự như vụ việc tại phở Hòa, đừng xóa dấu vết mà phải giữ nguyên hiện trường và mạnh dạn trình báo cơ quan chức năng xử lý.

Phở Hòa bị tạt sơn, mắm tôm, đồ bẩn...
Phở Hòa bị tạt sơn, mắm tôm, đồ bẩn...

Phở Hòa Pasteur nổi tiếng Sài Gòn hơn 50 năm qua. Trình báo với Công an quận 3 cuối tháng 7, ông Phạm Tùng Linh (50 tuổi, chủ phở Hòa) cho biết quán 8 lần bị tạt sơn, mắm tôm, đồ bẩn... vì người thân thiếu nợ rồi lánh mặt. Ban đầu, các nhóm thanh niên thực hiện hành vi vào ban đêm nhưng sau đó tấn công quán cả ban ngày. Rất nhiều thực khách, nhân viên hoảng sợ vì bị văng đồ bẩn vào người.

Theo chủ quán phở, nguyên nhân có thể là người thân của ông mượn tiền nhiều nơi rồi bỏ đi đâu không rõ. Người này kinh doanh điện thoại rồi chuyển sang mua bán ôtô, nhưng không liên quan đến gia đình ông Linh.

Có ít nhất 3 nhóm thanh niên to cao, bặm trợn đến quán ông Linh đòi nợ người quen kia số tiền 3 tỷ đồng. Họ đe dọa gia đình ông Linh nếu không trả nợ thay sẽ "cho quán phở đóng cửa". Ông Linh cho hay: "Một tháng qua gia đình tôi sống trong sợ hãi, không dám ra đường; khách cũng vắng dần ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh".

Thảm cảnh của các gia đình bị đe dọa

Trước đây, tại TP.HCM, vụ đòi nợ tại số nhà 255 Nguyễn Thiện Thuật (phường 1, quận 3) gây xôn xao dư luận một thời gian dài bắt nguồn từ việc người chồng ăn chơi thiếu nợ rồi bỏ trốn nên chủ nợ thuê dân anh chị tới bắt người vợ giao nhà.

Nhóm giang hồ tập trung trước cửa nhà để đòi nợ thuê, gây kẹt xe và mất an ninh trật tự. 
Nhóm giang hồ tập trung trước cửa nhà để đòi nợ thuê, gây kẹt xe và mất an ninh trật tự. 

Căn nhà này nhiều lần bị tạt mắm tôm bẩn, chất thối, xăng... Nhiều ngày liên tục xuất hiện những người đàn ông to con, đầu cạo trọc, xăm trổ, mặc áo đen, đi xe máy gọi điện thoại, tới đập cửa yêu cầu chủ nhà mở cửa nói chuyện.

Có hôm nhóm người này còn thuê thợ tới phá khóa để vào nhà. Có bữa họ mang ghế bố đến nằm, ăn uống ngay trước cửa nhà. Rồi sau một đêm “khủng bố” con nợ, họ đã đạt được thỏa thuận sẽ được nhận căn nhà này trong vòng 10 ngày sau khi đưa lại cho con nợ ít tiền.

Một vụ khác, gần 20 năm sống trong căn nhà trên đường Cao Thắng (phường 3, quận 3), bà Huỳnh Thị Ánh Hồng cũng bị đuổi ra khỏi nhà bởi số nợ 200 triệu đồng. Bà Hồng khẳng định có người làm giả giấy ủy quyền để bán nhà của bà.

Bà đã làm đơn gửi Công an TP.HCM và TAND quận 1. Tuy nhiên, khi Tòa đang thụ lý thì xảy ra chuyện, vào chiều 14/12/2017, nghe hàng xóm báo tin có nhóm người lạ vào nhà chở nhiều tài sản đi, bà và con gái chạy về. Khi đó trên lầu có hai thanh niên lạ mặt, đầu trọc, mình xăm trổ, cầm búa đe dọa buộc bà và con gái phải rời khỏi nhà.

Cuộc sống của người dân ngoài việc bị tổn thất về tài sản, họ còn hoảng loạn tâm lý sau sự việc bị giang hồ tạt sơn, chất bẩn vào nhà.
Cuộc sống của người dân ngoài việc bị tổn thất về tài sản, họ còn hoảng loạn tâm lý sau sự việc bị giang hồ tạt sơn, chất bẩn vào nhà.

Bị đe dọa đòi nợ, người dân nên làm gì?

Theo quy định của pháp luật, người cho vay (chủ nợ) có quyền ủy quyền cho người khác thay mặt thực hiện việc đòi nợ. Do vậy, nếu người đến đòi tiền không phải là chủ nợ, người vay (con nợ) có quyền yêu cầu xuất trình văn bản ủy quyền được công chứng, chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền và tìm hiểu nội dung, phạm vi ủy quyền.

Trường hợp họ không xuất trình được, bạn có quyền từ chối làm việc. Nếu họ gây hấn cần báo ngay cho cảnh sát khu vực để có biện pháp ngăn chặn cần thiết. Trong thời gian cơ quan chức năng chưa đến làm việc, bạn cần ghi nhớ nhận dạng của người đến đòi tiền (để trình báo khi cần thiết), có thể ghi âm, ghi hình (nếu hành động này an toàn). Đây sẽ là những bằng chứng về vi phạm của người đòi nợ. 

Không nên cho người đòi nợ vào nhà bởi khi đó họ có thể tấn công hoặc bị ép viết thêm giấy nhận nợ. Bạn chỉ cho người đòi nợ vào nhà khi họ là chủ nợ hoặc có giấy ủy quyền hợp pháp và cần nhớ mời tổ trưởng hoặc hàng xóm chứng kiến. Cách làm này sẽ giúp hạn chế việc người đòi nợ có hành vi manh động.

Nếu nhóm đòi nợ đông người, trong mọi trường hợp, bạn không nên cho vào nhà. Khi làm việc với họ, bạn cần chú ý quan sát các hành vi bất thường như tay thường xuyên đút túi quần, hay sờ vào túi xách, mắt nhìn láo liên... để đề phòng có hành vi manh động.

Khi bị chủ nợ uy hiếp, tấn công hoặc xiết nợ (cưỡng đoạt tài sản), bạn cần trình báo ngay cơ quan công an nơi gần nhất; đặc biệt hạn chế có lời nói, cử chỉ mang tính kích động. Trường hợp vẫn bị tấn công, bạn cần trình báo ngay cơ quan điều tra, đề nghị cơ quan điều tra cho đi khám thương để có căn cứ giải quyết sau này.

DƯƠNG THỤY(t/h)

theo Tin 24h