Bộ Tài chính trong thông báo ngày 3/11 cho biết Bộ Công an đã có kết luận điều tra đối với vụ án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và đang điều tra đối với vụ việc của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Đơn thư khiếu nại của nhà đầu tư liên quan đến vụ SCB - Vạn Thịnh Phát và đơn thư của người dân gửi tiết kiệm được ngân hàng mời chào mua trái phiếu doanh nghiệp đã được giao UBCKNN chủ trì, xử lý.
Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã có 6 văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, giám sát ngân hàng thương mại trong việc phân phối, cam kết mua lại, cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin về tình hình thị trường trái phiếu.
Về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính cho biết 10 tháng qua, có 70 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 180.400 tỷ đồng. Lượng trái phiếu phát hành giảm hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng bắt đầu tăng trở lại, theo Dân trí.
Trong tháng 10, khối lượng phát hành đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 17.000 tỷ đồng so với tháng 9.
Từ khi Nghị định 08 có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 3, khối lượng trái phiếu phát hành đạt 179.500 tỷ đồng.
Khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn trong 10 tháng qua là 190.700 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn tổng số phát hành. Riêng trong tháng 10, các doanh nghiệp đã mua lại khoảng 14.200 tỷ đồng.
Với nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ, Bộ Tài chính thông tin chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức mua trên thị trường sơ cấp trong 10 tháng đầu năm nay.
Ngân hàng mua chiếm 61% tổng khối lượng phát hành, còn các nhà đầu tư cá nhân mua chỉ 5%.
Trên thị trường thứ cấp tính đến cuối tháng 6, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 28,5% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tương đương khoảng 285.600 tỷ đồng.
Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn 3 tháng cuối năm nay là 61.600 tỷ đồng.
Cuối tháng 10 vừa qua, trong thông báo phát đi, Bộ Tài chính đã một lần nữa khuyến nghị các nhà đầu tư cho quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, nhà đầu tư cần lưu ý trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là sản phẩm tài chính mà theo quy định của pháp luật chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, khi mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phải tiếp cận đầy đủ hồ sơ phát hành, đánh giá mức độ rủi ro khi mua trái phiếu và chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình.
"Ngay cả khi Luật Chứng khoán và các Nghị định hướng dẫn đã quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm quy định để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ", Bộ Tài chính chia sẻ.
Bộ Tài chính cũng cho biết, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, các Nghị định hiện hành của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã quy định đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trong việc thanh toán đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu; phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc nếu có vi phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu, theo Dân Việt.
Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.
Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, doanh nghiệp phải tự thay đổi, chủ động tăng cường công khai minh bạch, công bố thông tin về tình hình của doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.
(Tổng hợp)