Elon Musk có trở thành tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên trên thế giới?

Dù giấc mơ này có trở thành sự thật hay không thì tỷ phú Elon Musk cũng đã có một hành trình sự nghiệp đáng ngưỡng mộ. Ông được cho là người thành công nhất và cũng là người gây tranh cãi nhất trong giới công nghệ.

Dù giấc mơ này có trở thành sự thật hay không thì tỷ phú Elon Musk cũng đã có một hành trình sự nghiệp đáng ngưỡng mộ. Ông được cho là người thành công nhất và cũng là người gây tranh cãi nhất trong giới công nghệ.


Elon Musk được dự đoán sẽ trở thành tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên trên thế giới nhờ Space X. Tuy nhiên, Space X chỉ là một phần trong sự nghiệp của vị tỷ phú này.

Trong 5 thập kỷ qua, Musk không chỉ là CEO của cả Tesla và Space X, ông còn là nhà sáng lập The Boring Company, đồng sáng lập của OpenAI và Neuralink. Tất cả những việc làm của ông đều tập trung vào mục tiêu dài hạn là thoát khỏi Trái Đất và “thuộc địa hóa” sao Hỏa.

Tuy nhiên, hành trình này không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Musk từng bị phá sản nhiều lần và liên quan đến các vụ kiện tụng cũng như bị chính phủ giám sát.

Dưới đây là một phần cuộc đời và sự nghiệp của Elon Musk để trở thành nhân vật được công chúng yêu mến và cũng là người gây tranh cãi nhất trong thế giới kinh doanh.

Elon Musk sinh ngày 28/6/1971 tại Pretoria, Nam Phi. Mẹ của Musk, bà Maye, là một chuyên gia dinh dưỡng và người mẫu. Sau khi bố mẹ ly hôn vào năm 1979, cậu bé 9 tuổi Musk và em trai Kimbal quyết định sống với bố. Tuy nhiên, mối quan hệ của ông và bố được cho là khá rắc rối.

Elon Musk có khoảng thời gian đến trường khá khó khăn. Ông từng phải nhập viện sau khi bị những kẻ bắt nạt. Những kẻ bắt nạt đã đẩy Musk xuống cầu thang và đánh đập cho đến khi ông kiệt sức.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Musk chuyển đến Canada cùng mẹ Maye, chị gái Tosca và anh trai Kimbal. Sau đó, ông dành 2 năm để học tại Đại học Queen ở Kingston, Ontario.

Không chỉ vậy, ông còn hoàn thành chương trình học tại Đại học Pennsylvania, lấy bằng vật lý và kinh tế.

Mộng kinh doanh của Elon Musk bắt đầu từ khá sớm. Năm 1983, khi mới 12 tuổi, Musk đã bán một trò chơi đơn giản có tên "Blastar" cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD. Musk mô tả nó là "một trò chơi tầm thường ... nhưng hay hơn Flappy Bird".

Khi đang theo học tại Đại học Pennsylvania, Musk và người bạn cùng lớp - Adeo Ressi, đã thuê một ngôi nhà 10 phòng ngủ và biến nó thành một hộp đêm.

Sau khi tốt nghiệp, Musk đến Đại học Stanford để học tiến sĩ nhưng ông hoãn nhập học chỉ sau hai ngày ở California và quyết định thử vận may trong thời kỳ bùng nổ dot-com.

Ông cùng với anh trai của mình - Kimbal, ra mắt Zip2. Công ty cung cấp hướng dẫn du lịch thành phố cho các tờ báo như The New York Times và Chicago Tribune. May mắn là Zip2 được một nhóm các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon tài trợ.

pc_mobi_3.jpg

Trong quá trình khởi nghiệp Zip2, Musk sống luôn trong văn phòng và tắm tại một phòng tắm công cộng gần đó. Công việc khó khăn đã được đền đáp khi Compaq mua Zip2 với giá 341 triệu USD tiền mặt và cổ phiếu, thu về cho Musk 22 triệu USD.

Tiếp theo, Musk thành lập X.com, một công ty ngân hàng trực tuyến. Ông thành lập công ty vào năm 1999 bằng cách sử dụng 10 triệu USD số tiền mà ông có được từ việc bán Zip2. Khoảng một năm sau, X.com hợp nhất với Confinity, một công ty khởi nghiệp tài chính do Peter Thiel đồng sáng lập, để tạo thành PayPal.

Musk được bầu làm CEO của PayPal nhưng ông không giữ vị trí này lâu. Vào tháng 10/2000, ông đề xuất chuyển các máy chủ từ hệ điều hành Unix miễn phí sang Microsoft Windows nhưng vấn đề này gây ra tranh cãi lớn. Khi đó, người đồng sáng lập PayPal và CTO Max Levchin đã phản đối đề xuất này.

Trong lúc Musk đang trên đường đến Úc để nghỉ ngơi thì hội đồng quản trị của PayPal đã sa thải ông và đưa Thiel trở thành CEO mới.
Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra khá thuận lợi cho Musk. Vào cuối năm 2002, eBay đã mua lại PayPal với giá 1,5 tỷ USD. Với tư cách là cổ đông lớn nhất của PayPal, Musk kiếm được 165 triệu USD từ thương vụ này.

Ngay cả trước khi bán PayPal, Musk đã chuẩn bị cho bước đi tiếp theo của mình, bao gồm cả một kế hoạch “điên rồ” là đưa chuột hoặc thực vật lên sao Hỏa.

Đầu năm 2002, Musk thành lập công ty Space Exploration Technologies, hay còn gọi là SpaceX, với 100 triệu USD, số tiền nhận được từ việc bán PayPal. Mục tiêu của Musk là làm cho giá vé máy bay không gian rẻ hơn gấp 10 lần.

Một trong những con tàu vũ trụ của Space X được đặt tên là Dragon. Đây là lời châm chọc của Musk đối với những người hoài nghi, những người đã nói với ông rằng SpaceX sẽ không bao giờ có thể đưa các phương tiện vào không gian.

Mục tiêu dài hạn của SpaceX là “thuộc địa hóa” sao Hỏa với giá cả phải chăng. Musk từng nói rằng, SpaceX sẽ không nộp hồ sơ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng cho đến khi thứ mà Musk gọi là "Người vận chuyển thuộc địa Sao Hỏa" (Mars Colonial Transporter) bay thường xuyên.

Musk cũng đang giữ rất nhiều vai trò ở các công ty khác, đặc biệt là Tesla Motors. Năm 2004, ông thực hiện khoản đầu tư đầu tiên trị giá 70 triệu USD vào Tesla, một công ty sản xuất ô tô điện do CEO kỳ cựu Martin Eberhard đồng sáng lập.

Musk đảm nhận vai trò sản phẩm tích cực tại Tesla, giúp phát triển chiếc xe đầu tiên của hãng, Roadster. Roadster chạy hoàn toàn bằng điện ra mắt lần đầu tiên vào năm 2006, khi Musk đang giữ chức vụ chủ tịch Tesla. Hiện tại, Musk là CEO của Tesla.

Nhưng với Musk, như thế vẫn chưa đủ, ông nảy ra ý tưởng thành lập SolarCity, một công ty năng lượng mặt trời. Musk đã cho hai anh em họ của mình, là Peter và Lyndon Rive, vốn lưu động để đưa SolarCity khởi công vào năm 2006. (Cuối năm 2016, Tesla đã mua SolarCity trong một thỏa thuận trị giá 2,6 tỷ USD).

Năm 2007, Musk tổ chức một cuộc “đảo chính” trong phòng họp của Tesla, lần đầu tiên hất cẳng Eberhard khỏi ghế CEO và sau đó là ra khỏi hội đồng quản trị cũng như phòng điều hành của công ty.

Năm 2008, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra, Musk đã đích thân cứu Tesla khỏi phá sản. Ông đầu tư 40 triệu USD vào Tesla và cho công ty vay thêm 40 triệu USD. Không phải ngẫu nhiên, ông được bổ nhiệm làm CEO của công ty trong cùng năm đó.

Nhưng việc duy trì cả SpaceX, Tesla và SolarCity đã khiến Musk gần như phá sản. Ông mô tả năm 2008 là "năm tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi". Tesla liên tục thua lỗ và SpaceX gặp khó khăn khi phóng tên lửa Falcon 1. Đến năm 2009, Musk phải sống bằng các khoản vay cá nhân.

Cuộc sống cá nhân của Musk cũng có nhiều biến động. Musk và vợ Justine, một tác giả người Canada, ly hôn vào năm 2008. Cặp đôi kết hôn vào năm 2000 nhưng không may, con trai đầu lòng của họ, Nevada, chết vì SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh) lúc 10 tuần tuổi.

Musk bắt đầu hẹn hò với nữ diễn viên Talulah Riley vào cuối năm đó. Họ kết hôn vào năm 2010, sau đó ly hôn vào năm 2012. Tháng 7/2013, họ tái hôn. Vào tháng 12/2014, Musk đệ đơn ly hôn nhưng sau đó rút lại các thủ tục giấy tờ. Vào tháng 3/2016, Riley đệ đơn ly hôn. Cuối cùng, vụ ly hôn được hoàn tất vào tháng 10.

Vào khoảng Giáng sinh năm 2008, Musk nhận được hai tin vui. Đầu tiên là SpaceX ký hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD với NASA để vận chuyển hàng hóa vào không gian. Sau đó là Tesla tìm được nhiều nhà đầu tư bên ngoài hơn.

pc_mobi_7.jpg

Đến tháng 6/2010, Tesla tổ chức thành công đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Công ty đã huy động được 226 triệu USD trong đợt IPO, trở thành công ty ô tô đầu tiên ra mắt công chúng kể từ đợt IPO của Ford vào năm 1956. Khi để tài chính của mình trở lại đúng hướng, Musk quyết định bán số cổ phiếu trị giá khoảng 15 triệu USD trong đợt chào bán.

Sự nghiệp phi thường của Musk cũng bắt đầu được chú ý trong các cộng đồng khác, đặc biệt là ở Hollywood. Vai diễn Tony Stark của Robert Downey Jr. trong phim "Người sắt" được lấy cảm hứng một phần từ Musk. Tỷ phú thậm chí còn có một vai khách mời trong "Iron Man 2".

Đến cuối năm 2015, SpaceX đã thực hiện 24 lần phóng với các nhiệm vụ như tiếp tế cho Trạm vũ trụ quốc tế, lập rất nhiều kỷ lục trong suốt chặng đường. Vào năm 2016, SpaceX Falcon 9 đã thực hiện chuyến hạ cánh thành công đầu tiên trên đại dương của một tên lửa quỹ đạo có thể tái sử dụng.

Falcon Heavy, kế thừa của Falcon 9 và tên lửa mạnh nhất mà SpaceX đã chế tạo cho đến nay, đã hoàn thành vụ phóng thành công lần đầu tiên vào tháng 2/2018.

Đặc biệt, Musk không ngừng nghĩ ra các ý tưởng mới, như Hyperloop, tàu siêu tốc đi trong ống chân không. Về lý thuyết, tàu Hyperloop có thể vận chuyển hành khách từ Los Angeles đến San Francisco chỉ trong 30 phút.

Tương tự như vậy, năm 2016, Musk thành lập một công ty khác - The Boring Company, có sứ mệnh đào một mạng lưới đường hầm bên dưới và xung quanh các thành phố để lái xe tốc độ cao, không bị tắc nghẽn.

Và vào cuối năm 2015, Musk đồng sáng lập OpenAI, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và đảm bảo nó không hủy diệt nhân loại. Sau đó, ông tuyên bố sẽ từ chức hội đồng quản trị để tránh mọi xung đột lợi ích tiềm ẩn với Tesla, công ty đã có những bước tiến trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cho công nghệ xe hơi tự lái của mình.

Musk thành lập thêm một công ty nữa vào năm 2017, là Neuralink. Công ty đang cố gắng chế tạo các thiết bị có thể cấy ghép vào bên trong não người.

Đó cũng là năm Musk gặp một chút khó khăn với quan điểm chính trị. Musk tham gia hội đồng cố vấn kinh doanh của Tổng thống Trump, một động thái gây ra phản ứng dữ dội từ công chúng.

Ban đầu, ông bảo vệ động thái này, nhưng ông đã từ bỏ sau khi Trump rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Musk cho biết ông đã cố gắng thuyết phục Trump không rút lui.

pc_giua.jpg

Cũng trong năm 2018, Musk vướng phải một số rắc rối khi tweet rằng, ông đang cân nhắc mua Tesla cho cá nhân mình với giá 420 USD/cổ phiếu và đã đảm bảo nguồn vốn.

Chỉ vài ngày sau, Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) gửi trát đòi hầu tòa cho Tesla về kế hoạch hoạt động cá nhân của công ty và những bình luận của Musk.

Đến tháng 9, SEC đã chính thức đệ đơn kiện Musk, cáo buộc ông đã đưa ra "những tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm". Musk đã dàn xếp với SEC, dẫn đến việc cả ông và Tesla đều phải nộp phạt 20 triệu USD và Musk đồng ý từ chức chủ tịch hội đồng quản trị của Tesla. Ngoài ra, Tesla được yêu cầu chỉ định một ủy ban để giám sát hoạt động liên lạc của Musk.

Một tháng sau, Musk giành chiến thắng trước tòa khi một bồi thẩm đoàn ra phán quyết rằng ông không có tội khi phỉ báng thợ lặn người Anh Vernon Unsworth. Unsworth đã đệ đơn kiện phỉ báng vào năm 2018 sau khi Musk gọi anh ta là "kẻ lừa đảo" trên Twitter.

Sự kiện tiếp theo là một “quả bom” từ Grimes khi cô đăng một bức ảnh được cho là đang mang thai vào tháng 1/2020. Sau đó, nữ ca sĩ xác nhận rằng cô đang mong đợi một đứa con với Musk.

Vào ngày 4/5/2020, Grimes sinh một bé trai. Cặp đôi quyết định đặt tên là X Æ A-Xii Musk, hay "X Ash A-12 Musk", gọi tắt là "X".

Trong năm 2020, SpaceX có hai cột mốc quan trọng. Đầu tiên, vào tháng 5, SpaceX hợp tác với NASA để hoàn thành vụ phóng phi hành gia đầu tiên vào không gian.

Sau đó, vào tháng 11, SpaceX đã hoàn thành chuyến bay không gian đầu tiên của con người "hoạt động" bằng cách gửi bốn phi hành gia đến Trạm Vũ trụ Quốc tế để ở lại 6 tháng.

Tesla cũng đã có một năm tốt đẹp. Công ty xe điện gia nhập S&P 500 vào tháng 12, khiến cổ phiếu của nó tăng vọt. Giờ đây, giá trị thị trường của công ty là hơn 894 tỷ USD.

Vào cuối năm 2020, Musk thông báo rằng, ông đã chuyển đến Texas trong một cuộc tranh cãi với bang California vì các hạn chế coronavirus. Vị tỷ phú nói rằng ông muốn tạo ra một thành phố xung quanh các cơ sở phóng của SpaceX, được gọi là "Starbase".

Vào tháng 5, lần đầu tiên Musk tổ chức "Saturday Night Live". Grimes và mẹ của anh, bà Maye, đều xuất hiện trong chương trình.
Vào tháng 9, Page Six đưa tin rằng Musk và Grimes đã chia tay sau 3 năm hẹn hò. Musk chia sẻ vào thời điểm đó rằng, cặp đôi đã "tách ra" nhưng vẫn yêu nhau và "rất hòa thuận".

Trong vài tháng qua, mối quan hệ lâu năm của Musk với người sáng lập Amazon - Jeff Bezos, gây ra nhiều tranh cãi khi SpaceX và công ty đối thủ của Bezos, Blue Origin, có bất đồng về các hợp đồng với NASA và các dự án vệ tinh cạnh tranh của họ.

Khi Musk vượt qua Bezos để trở thành người giàu nhất thế giới, ông đã chế nhạo Bezos bằng biểu tượng cảm xúc đoạt huy chương bạc.

Vào tháng 2/2021, Elon Musk thông báo Tesla đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin và có kế hoạch chấp nhận Bitcoin trong tương lai như một hình thức thanh toán đối với khách hàng nào mua xe.

pc_mobi_5.jpg

Ngay sau khi có tuyên bố trên, giá của đồng tiền ảo này đã lập tức tăng hơn 20%, đạt mốc 47.000 USD.

Vào tháng 5/2021, trả lời một chủ đề trên Twitter, suy đoán về việc nắm giữ Dogecoin của mình, Elon Musk đưa ra một thông điệp: "Tôi chưa và sẽ không bán bất kỳ đồng Dogecoin nào".

Động thái này của Elon Musk đã ngay lập tức khiến đồng Dogecoin tăng giá trị mạnh mẽ sau nhiều ngày rớt giá.

Trước đó, Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX đã đăng lên Twitter bức ảnh về một chiếc máy tính xách tay với nhãn dán tờ 1 USD trên đó với chú thích: "Có bao nhiêu Doge trong cửa sổ".

Ngày 26/10, cổ phiếu của Tesla tăng vọt 12,7% sau khi có thông báo rằng Hertz sẽ đặt hàng 100.000 xe để xây dựng đội xe điện cho thuê vào cuối năm 2022.

Mức tăng này đã giúp cho tài sản của Elon Musk có thêm 36 tỷ USD và được nhận định là lớn nhất trong lịch sử của Chỉ số tỷ phú Bloomberg và bằng với giá trị tài sản ròng của người giàu thứ 34 trên thế giới. 289 tỷ USD của Elon Musk bỏ xa người xếp ở vị trí thứ 2 Jeff Bezos (193 tỷ USD vào cùng thời điểm) gần 100 tỷ USD, theo Bloomberg.

Musk cũng đã mở rộng vị trí dẫn đầu của mình so với những người từng nắm giữ danh hiệu người giàu nhất thế giới khác. Tài sản của ông hiện nhiều hơn 184 tỷ USD so với Warren Buffett, xếp thứ 10 trên thế giới và hơn Bill Gates 150 tỷ USD.

Giá trị tài sản ròng của Musk hiện lớn đến mức đã vượt qua vốn hóa thị trường của nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới, Toyota, được định giá khoảng 283 tỷ USD. Tesla lần đầu tiên vượt qua Toyota về giá trị vào tháng 7 năm 2020 để chiếm vị trí đầu bảng.

pc_cuoi.jpg

- Nội dung: NGUYỄN MINH - AN DI

- Thiết kế: THẾ PHAN

NGUYỄN MINH - THẾ PHAN