EU mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đất hiếm

Châu Âu đã xây dựng Chiến lược vật liệu thô (Raw Material Strategy) trong đó đề ra mục tiêu đa dạng nguồn cung, hợp tác với các quốc gia khác.

Tại cuộc họp báo chiều 2/11, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Cao ủy Thương mại Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết EU rất mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đất hiếm.

Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Cao ủy Thương mại Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis. Ảnh: Thanh Phạm
Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Cao ủy Thương mại Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis. Ảnh: Thanh Phạm

Cụ thể, ông Valdis Dombrovskis cho rằng để thực hiện chuyển dịch xanh và kinh tế số, cần nhiều đầu vào khác so với kinh tế truyền thống vốn dựa trên nhiên liệu hóa thạch, trong đó có thể kể đến đất hiếm cũng như các nguyên vật liệu mới.

Hiện nguồn cung từ Trung Quốc đang chiếm tới 80-90% trên thế giới và châu Âu cũng đang tìm cách và mong muốn đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng cho các nguyên liệu đầu vào. Châu Âu đã xây dựng Chiến lược vật liệu thô (Raw Material Strategy) trong đó đề ra mục tiêu đa dạng nguồn cung, hợp tác với các quốc gia khác, thúc đẩy không chỉ khai thác mà còn chế biến, chế tạo các tài nguyên này theo hướng nâng cao giá trị cho các quốc gia đó.

"Trong bối cảnh đó, chúng tôi rất mong được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này", ông nói thêm.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Cao ủy Thương mại Ủy ban châu Âu có các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao chính phủ Việt Nam, thảo luận với đối tác Việt Nam về chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cũng như một số ưu tiên khác như kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, tham gia Diễn đàn Kinh tế Xanh do Eurocham tổ chức.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh trao đổi thương mại giữa EU và Việt Nam đã có nhiều chuyển biến đáng kể sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Xuất khẩu của Việt Nam vào thị thường EU hiện ở mức gần 38 tỷ EUR; trong khối ASEAN, Việt Nam cũng là nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa lớn nhất tới EU. Lộ trình thực thi EVFTA đang tiếp tục hỗ trợ xu thế này, với nhiều cắt giảm thuế quan đang dần có hiệu lực, cũng như các văn bản hướng dẫn tiếp tục được cung cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp hưởng lợi từ EVFTA.

Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Cao ủy Thương mại Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis (trái) và Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier trong cuộc gặp mặt báo chí tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Phạm
Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Cao ủy Thương mại Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis (trái) và Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier trong cuộc gặp mặt báo chí tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Phạm

Liên quan thách thức khi triển khai EVFTA, ông Valdis Dombrovskis đánh giá đây là hiệp định tốt để thúc đẩy thương mại hai chiều, giúp Việt Nam thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài. Việt Nam đã hưởng lợi khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu, hiện hàng hóa Việt Nam ở châu âu hiện diện nhiều hơn đáng kể so với các đối tác trong khu vực, vượt qua cả những quốc gia có dân số lớn hơn trong ASEAN như Indonesia. Sắp tới, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi về mở cửa thị trưởng hàng hóa, tiếp cận thị trường lẫn nhau.

Trước đó, Nhà kinh tế trưởng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Emily Blanchard cũng cho biết, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong lĩnh vực khai thác đất hiếm, bao gồm việc hỗ trợ tổ chức đấu thầu.

Phía Mỹ cũng đánh giá Việt Nam có thể và sẽ là một bên tham gia rất quan trọng với tư cách là đối tác bổ sung trong lĩnh vực này.

Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, đạt khoảng 22 triệu tấn. Từ nay đến 2030, Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm, theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lan Hương

Trung Quốc sắp mất vị trí 'thống trị' trên thị trường đất hiếm

Trung Quốc sắp mất vị trí 'thống trị' trên thị trường đất hiếm

Công ty khai thác mỏ LKAB của Thụy Điển cho biết họ đã tìm thấy mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu ở phía Bắc, một khám phá có thể làm giảm sự phụ thuộc của lục địa này vào Trung Quốc đối với nguồn tài nguyên quan trọng này.