EU sẽ ban hành luật mới nhằm kiểm soát nghiêm ngặt đối với Amazon, Google, Apple

Không chỉ các nền tảng công nghệ lớn của Mỹ mà các nền tảng công nghệ lớn trên thế giới hiện nay cũng vận hành theo cách xem trọng việc làm nổi bật dịch vụ của mình hơn so với các đối thủ khác, thậm chí có thể gây ảnh hưởng hoặc tổn thất cho đối thủ. Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), nếu doanh nghiệp có hành động này sẽ bị buộc ngừng hoạt động và phạt hàng tỷ USD.

Ngày 15/12, Liên minh châu Âu ( EU ) đã chính thức đưa ra 2 dự luật nhắm vào những “gã khổng lồ” công nghệ như Google , Amazon Facebook – vốn bị Brussels coi là mối nguy đối với sự cạnh tranh trên thị trường công nghệ của khối này. Cụ thể là  Đạo luật thị trường Kỹ thuật số (DMA) và  Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA).

Các gã khổng lồ công nghệ thế giới sẽ đối mặt với án phạt nặng nề và kiểm soát mạnh hơn như một phần của quy định mới tại EU. Ảnh:VG Cloud .
Các gã khổng lồ công nghệ thế giới sẽ đối mặt với án phạt nặng nề và kiểm soát mạnh hơn như một phần của quy định mới tại EU. Ảnh:VG Cloud .

Trong đó, Đạo luật thị trường kỹ thuật số nhắm đến những “người giữ cổng của thị trường trực tuyến”, là các công ty đạt doanh thu hàng năm trên 6,5 tỷ euro ở châu Âu trong 3 năm qua, có giá trị thị trường 65 tỷ euro và cung cấp một dịch vụ nền tảng cốt lõi ở ít nhất 3 quốc gia EU, bên cạnh một số tiêu chí khác.

EU cho biết, các công ty được coi là "người gác cổng" sẽ không được phép xếp hạng các dịch vụ của mình hơn các đối thủ trên nền tảng của riêng mình, hoặc sử dụng dữ liệu của đối thủ để cạnh tranh lại họ. Nếu doanh nghiệp vi phạm  sẽ bị buộc ngừng hoạt động và phạt hàng tỷ đô la.

Tiền phạt lên tới 10% doanh thu thường niên

EU quy định những công ty như Apple và Google phải cho phép người dùng gỡ các ứng dụng được cài sẵn trên thiết bị và phải chia sẻ miễn phí với nhà quảng cáo, nhà xuất bản về các số liệu đo lường hiệu quả.

Các công ty công nghệ lớn đang phải đối mặt với các vụ kiện tại nhiều nơi. Ảnh: Forbes.com. 
Các công ty công nghệ lớn đang phải đối mặt với các vụ kiện tại nhiều nơi. Ảnh: Forbes.com. 

Nếu không tuân thủ, các công ty như Amazon, Apple, Alphabet hoặc Google có thể bị phạt với khoản tiền phạt lên tới 10% doanh thu thường niên trên toàn cầu. Các quy định này là một số bộ quy tắc công nghệ nghiêm ngặt nhất do EU đề xuất nhằm mục đích ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ hơn với hành vi xấu của các nền tảng công nghệ lớn mà EU đánh giá là mối đe dọa đối với xã hội và thị trường kinh tế của khối. 

Một quan chức cao cấp EU giấu tên cho biết, mục đích của luật mới là thực thi các biện pháp khiến doanh nghiệp phải thay đổi hành vi, thay vì liên tục phạt họ.

Cưỡng ép thoái vốn

EU thậm chí có thể cưỡng ép các công ty phải thoái vốn nếu vi phạm luật mang tính hệ thống. Quan chức EU cho biết, điều đó chỉ xảy ra nếu không có biện pháp nào khác.

Theo quy định của Đạo luật DSA sẽ cho phép EU phạt tới 6% doanh thu toàn cầu của một công ty nếu không gỡ bỏ nội dung bất hợp pháp, chẳng hạn như các phát ngôn thù ghét, khủng bố, khiêu dâm trẻ em hoặc mua bán sản phẩm giả hoặc bất hợp pháp.

Đồng thời, các công ty truyền thông mạng xã hội phải thực hiện các nghĩa vụ khác, trong đó có việc thực hiện đánh giá các rủi ro hệ thống đối với các trang web của họ. Nó được xây dựng để xử lý nội dung xấu và bất hợp pháp bằng cách yêu cầu các nền tảng nhanh chóng gỡ bỏ. Những công ty không làm theo cũng bị phạt nặng.

Tập đoàn Google cho rằng những quy định mới trong bộ luật mang tính chủ quan. Ảnh: AFP.
Tập đoàn Google cho rằng những quy định mới trong bộ luật mang tính chủ quan. Ảnh: AFP.

Song, EC cũng khẳng định, danh sách các công ty có hành vi vi phạm một trong số những quy định mà tổ chức đưa ra là chính xác vì họ đã dựa trên cả các cuộc điều tra chống độc quyền và khiếu nại của những người được phỏng vấn trả lời cuộc khảo sát của EU.

Khảo sát đã liệt kê các điều khoản hợp đồng không đảm bảo tính công bằng của Apple, chẳng hạn khi tìm kiếm ứng dụng trên iPhone hay iPad, kết quả sẽ hiển thị dịch vụ do Apple phát triển. Điều đó cũng được Amazon lập lại, khi đế chế thương mại điện tử này sử dụng dữ liệu của bên thứ ba trong các chiến lược kinh doanh của mình. EU cho biết, Apple, Amazon và Booking có cước phí hoa hồng quá cao.

Ủy viên Cạnh tranh EU Margrethe Vestager cho biết, hai dự luật EU đưa ra nhằm phục vụ mục tiêu kép. Đó là bảo đảm người dùng có quyền tiếp cận nhiều sản phẩm, dịch vụ an toàn trên mạng. Doanh nghiệp được hoạt động tự do tại châu Âu và cạnh tranh sòng phẳng trên mạng giống như họ kinh doanh ngoài đời.

Hai dự luật phải được các chính phủ và nhà lập pháp châu Âu phê duyệt, tuy nhiên các chuyên gia chính sách đánh giá, nó sẽ được ứng dụng nhanh hơn thông thường tại EU. Bà Vestager hi vọng, quy định mới sẽ có hiệu lực càng sớm càng tốt, song có thể mất khoảng 2 năm.

Anh cũng chế tài mạnh

Theo hãng tin Reuters, ngày 15/12, Chính phủ Anh (đã rời EU) đã đệ trình dự luật phạt các công ty như Facebook, Twitter, TikTok… khoản phạt lên tới 10% thu nhập theo năm của họ nếu không loại bỏ và hạn chế sự phát tán các nội dung phi pháp theo quy định của luật pháp Anh trên các nền tảng này.

Dự luật của Anh nhấn mạnh các nền tảng công nghệ cũng cần có thêm nhiều biện pháp hơn nữa để bảo vệ trẻ em khỏi nạn bắt nạt và nội dung khiêu dâm trên mạng Internet.

XUYÊN KIM

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương