Sau nhiều lần tổ chức bất thành liên tiếp, đại hội đồng cổ đông năm 2021 của Eximbank bất ngờ được tổ chức thành công vào giữa tháng 2 với sự góp mặt của nhiều gương mặt mới, hứa hẹn cho sự chuyển giao quyền lực và chấm dứt "cuộc chiến vương quyền" trong nhiều năm.
Ngày 18/3, Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC), đối tác chiến lược sở hữu 15% vốn của Eximbank, đã thống báo chính thức về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với ngân hàng sau 14 năm hợp tác. SMBC bắt đầu đầu tư vào Eximbank từ năm 2007 khi bỏ ra gần 225 triệu USD (tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó) để nắm giữ 15% cổ phần của Eximbank, bắt đầu ký thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank vào ngày 27/11.
Cổ đông Eximbank đã trải qua 7 năm không có cổ tức và kể từ năm 2016 đại hội đồng cổ đông thường niên đều không thể tổ chức thành công cho tới lần gần đây nhất (ngày 15/2/2022).
Vấn đề cổ tức tiếp tục được đưa ra trình tại đại hội lần này khi kết thúc năm tài chính 2021, Eximbank đã tất toán xong toàn bộ trái phiếu VAMC và đủ điều kiện để tiến hành chia cổ tức.
Ngân hàng cũng dự kiến sẽ trình phương án phân phối lợi nhuận và tăng vốn trong năm 2022. Nếu thực hiện đúng kế hoạch, đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau một thập kỷ.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết lợi nhuận còn lại lũy kế đến cuối năm theo báo cáo hợp nhất sau khi trừ trích quỹ khen thưởng, phúc lợi các năm từ 2018 đến 2020 là 2.214 tỷ đồng. Sau khi trừ số cổ phiếu quỹ Eximbank đang nắm giữ, mức cổ tức dự kiến sẽ là 18%. Tuy nhiên, đại hội đã không thông qua tờ trình về phương án chia cổ tức.
Trong tài liệu đại hội cổ đông thường niên công bố mới đây, ngân hàng không tiếp tục đưa ra phương án chia cổ tức.
Tại đại hội đồng cổ đông năm 2021, 7 ứng viên được đề cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới sự trở lại của cựu Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú và sự có mặt của lãnh đạo của Bamboo Capital (BCG), Thành Công Group, nhóm công ty liên quan đến Nam A Bank.
Kết quả sau cùng, bà Cẩm Tú được bầu chọn đảm nhiệm chức vụ "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT sau một khoảng thời gian vắng bóng. Bà Tú và bà Đỗ Hà Phương là đại diện được đề cử của nhóm các cổ đông cá nhân và một số tổ chức liên quan đến Nam A Bank.
Những cái tên như: CTCP Rồng Ngọc, Chứng khoán Bảo Minh, bà Lương Thị Cẩm Tú từng được đề cập trong nhóm cổ đông liên quan đến Nam A Bank sở hữu hơn 30% vốn cổ phần của Eximbank được ông Nguyễn Chấn công bố vào giữa năm 2019.
CTCP Rồng Ngọc hiện là cổ đông lớn sở hữu 24% vốn tại Chứng khoán Bảo Minh. Đồng thời, cổ đông sáng lập của Rồng Ngọc là bàDương Trương Thiên Lý (nắm khoảng 80% vốn năm 2016) lại là cổ đông nắmgiữ 85% cổ phần tại CTCP Hoàn Vũ Sài Gòn và 78% cổ phần của CTCP Hoàng Gia ĐL.Bà Dương Trương Thiên Lý là vợ của Chủ tịch HĐQT Nam A Bank.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng, thành viên HĐQT và ông Ngo Tony Trưởng ban Kiểm soát là hai đại diện của nhóm Bamboo Capital. Cá nhân ông Nguyễn Hồ Nam và CTCP Bamboo Capital là hai cổ đông sáng lập củaCTCP Đầu tư và dịch vụ Helios. Tháng 7/2021, Helios trở thành cổ đông lớn của Bamboo Capital và số cổ phần sở hữu tới tháng 1/2022 là 6,92%.
Nhóm thứ ba là nhóm liên quan đến Tập đoàn Thành công với hai đại diện ông Lê Hồng Anh (Phó TGĐ của Tập đoàn Thành công) và ông Đào Phong Trúc Đại.
Một nhóm cổ đông khác đề cử ông Nguyễn Hiếu vào HĐQT bao gồm nhiều thành viên từng đưa đơn đề xuất miễn nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú vào năm trước.
Chưa rõ tỷ trọng sở hữu thực tế của các nhóm cổ đông hiện tại ở mức bao nhiều nhưng những chuyển biến về nhân sự này có lẽ là bước ngoặt giúp gỡ được mớ bòng bong hiện tại ở lớp thượng tầng của ngân hàng này.
Chia sẻ về lý do đầu tư vào Eximbank trong buổi gặp gỡ cổ đông mới đây, Bamboo Capital cho biết việc đầu tư vào các ngân hàng cũng như công ty bảo hiểm, chứng khoán của Tập đoàn nằm trong chiến lược mở rộng vào mảng đầu tư tài chính.
"Hiện tại BCG cùng các cổ đông đầu tư vào Eximbank muốn đóng góp nguồn lực giúp ngân hàng sớm ổn định trở lại trong bối cảnh thị trường tài chính đang phát triển rộng mở", lãnh đạo Bamboo Capital chia sẻ.
Cơ cấu cổ đông của Eximbank là tương đối cô đặc. Theo biên bản họp đại hội ngày 15/2, số cổ đông tham dự đại hội là 126 cổ đông, đã đại diện 85,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng.
Hiện tại, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là cổ đông lớn duy nhất của ngân hàng với tỷ lệ sở hữu 15%. Trong ban lãnh đạo của ngân hàng, bà Lương Thị Cẩm Tú là người sở hữu nhiều cổ phần nhất với gần 13,8 triệu đơn vị.
Kỳ đại hội tiếp theo sẽ được tổ chức trong tháng 4 sẽ cho biết những diễn tiến tiếp theo, cùng điểm lại những chuyển biến mới tại Eximbank trước thềm đại hội quan trọng này.
Tổng Hợp