Tác giả Julia Carrie Wong, The Guardian cho rằng, Facebook đã bày ra cho người dùng rất nhiều những "món ăn" để chọn lựa dựa vào những thuật toán đã được tính toán sẵn. Bạn sẽ tìm được hội nhóm có khả năng tham gia nhất, quảng cáo mong muốn được nhìn thấy nhất, điều bạn mong đợi xuất hiện trên dòng tin nhất... Nói cách khác, việc bạn đang lướt những mẩu tin trên Facebook không khác biệt nhiều so với việc ăn các món ăn được bày sẵn theo sở thích.
Ngày 1/7, phó chủ tịch phụ trách vấn đề toàn cầu và truyền thông của Facebook Nick Clegg đã đưa ra một mô tả về loại thuật toán mới của Facebook có khả năng nâng cao giá trị đạo đức của nền tảng mạng xã hội này. Đây cũng giống như một lời đáp lại việc hơn 700 nhà quảng cáo tham gia phong trào tẩy chay Facebook "Stop Hate for Profit". Ông Clegg khẳng định nền tảng này không dùng sự thù ghét để kiếm lợi nhuận mà là giúp những mặt tốt của Facebook vượt lên trên các mặt tiêu cực của nó.
Ông Nick Clegg viết trên Ad Age: “Tập trung vào những nội dung mang tính thù địch và có hại trên phương tiện truyền thông xã hội là điều vô cùng cần thiết, tuy nhiên phần lớn trong con số hàng tỷ cuộc trò chuyện trên mạng xã hội của chúng tôi có nội dung lành mạnh. Hãy nhìn vào những gì đã xảy ra khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hàng tỷ người đã sử dụng Facebook với mục đích duy trì sự kết nối cộng đồng trong khoảng thời gian cách ly xã hội”.
Tuy nhiên, theo Julia Carrie Wong, Facebook lại không bao giờ minh bạch về cách thức mà họ sẽ làm để đạt được những tác động tích cực nhờ các thuật toán. Nói cách khác là cách đây họ đã không có bất kỳ cách thức nào để tác động tích cực đến những xung đột chính trị dẫn tới hàng trăm nghìn người thiểu số Rohingya ở Myanmar phải rời khỏi đất nước như những người tị nạn.
"Tôi biết chắc chắn rằng không ai làm việc tại Facebook bị sa thải hay phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm khủng khiếp mà mạng xã hội này gây ra. Không một ai từ chức. Không một ai đứng ra tạo nên các cuộc biểu tình ảo như Black Lives Matter", Julia Carrie Wong nói.
Julia Carrie Wong dẫn chứng về trường hợp của người phụ nữ da màu Heather Heyer bị sát hại trong một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc Unite the Right diễn ra ở Charlottesville, Virginia. Julia Carrie Wong cho rằng đây là hậu quả của các nội dung thù địch vẫn đang hoạt động hàng ngày trên mạng xã hội Facebook.
Julia Carrie Wong đã từng báo cáo với Facebook về sự tồn tại của 175 nhóm phát xít mới, chủ nghĩa tôn sùng da trắng và các liên minh sử dụng nền tảng này để tuyên truyền và tuyển dụng thành viên nhưng họ từ chối hành động.
"Vào giữa tháng 11/2019, tôi đã gửi bản báo cáo cung cấp cho Facebook danh sách các nhóm đang sử dụng nền tảng này nhằm phục vụ mục đích “đen tối”, một lần nữa Facebook có động thái im lặng. Những gì xảy ra sau đó là một chiến dịch quấy rối phân biệt chủng tộc kéo dài hàng tuần nhắm đến tôi, đứng sau những hành vi đó là các tổ chức theo chủ nghĩa tôn sùng người da trắng. Các tin nhắn, dòng bình luận phân biệt chủng tộc trên Twitter, Facebook hay email đã dần trở nên quen thuộc và tôi đã phải cố gắng phớt lờ chúng nhiều nhất có thể", Julia cho biết.
Cô cũng nói rằng cô không dám khẳng định Facebook phải chịu trách nhiệm về mọi việc nhưng nền tảng này có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các điều kiện nhất định để hình thành nơi “trú ẩn” cho những phần tử mang tư tưởng cực đoan. Bởi vậy khi nghe được lời tuyên bố của Facebook về những gì tốt đẹp mà họ làm, Jukia đã lên tiếng chứng minh rằng bấy nhiêu đó thôi là chưa đủ.
Theo cô, những tư tưởng thù hận đang tồn tại trên Facebook và có khả năng sẽ đe dọa sự hiện hữu đối với những người dùng nó. Chỉ có điều với Facebook, sự thù hận xem chừng không phải là mối đe dọa nghiêm trọng.
Mối đe dọa hiện hữu duy nhất đối với một tập đoàn đa quốc gia trị giá 650 tỷ USD như Facebook chính là khoản doanh thu công ty kiếm được thông qua những hành động không mấy tốt đẹp.
5 bước bật chế độ im lặng của tin nhắn Facebook
Nhiều người có xu hướng không thích bị ảnh hưởng nhiều bởi tiếng chuông thông báo Facebook và vẫn đang loaỵ hoay không biết làm sao để tắt đi âm thanh này.