Theo báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2020 của Savills Việt Nam , căn hộ hạng C luôn chiếm ưu thế với hơn 60% và tỷ lệ hấp thụ ở mức cao hơn cả 2 phân khúc còn lại. Tình hình hoạt động tốt của hạng C có thể nhìn nhận từ các yếu tố tích cực của cả cầu (người mua) và cung (chủ đầu tư).
Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường, Savills Việt Nam, tỷ lệ người mua căn hộ hạng C cho nhu cầu ở tại TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2020 chiếm từ 70% đến 80%, trong khi căn hộ hạng A và B có tỷ lệ mua để đầu tư khá cao.
Trong bối cảnh COVID-19, đối tượng đầu tư ngắn hạn và đầu tư cho thuê bị tác động mạnh nhất do giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, nhóm mua để ở đối mặt với vấn đề tài chính gây trì hoãn kế hoạch mua nhà.
Trong quý III/2020, căn hộ hạng C có giá bán trung bình dưới 1.000 USD/m2 khá hạn chế.
Căn hộ hạng C đáp ứng nhu cầu ở thực cao. |
Theo Savills Việt Nam, trong quý III/2020, thị trường căn hộ TP.HCM có hơn 7.500 căn mở bán mới, tăng 252% theo quý nhưng giảm 50% theo năm. Chỉ một dự án hạng B mới gia nhập thị trường, St Moritz ở Thủ Đức với 103 căn hộ; còn lại là nguồn cung mới từ 17 dự án hiện hữu.
Tổng cung sơ cấp trong quý đạt gần 10.000 căn, tăng 126% theo quý nhưng giảm 46% theo năm. Tổng cung mới trong 9 tháng năm 2020 đạt hơn 13.300 căn, trong đó, giai đoạn tiếp theo của Vinhomes Grand Park - The Origami chiếm 37%. Tổng cung sơ cấp trong 9 tháng/2020 ở mức thấp nhất trong 5 năm với 16.800 căn.
Đại dịch tiếp tục khiến việc mở bán bị trì hoãn ở nhiều dự án như Mizuki Park, Celesta Rise và Sunshine Continental. Có bốn dự án hạng A và B mở bán gần đây đã tạm ngưng do vướng phải vấn đề về tài chính và pháp lý.
Riêng căn hộ hạng C hoạt động tốt, lượng giao dịch trong quý III/2020 ghi nhận hơn 7.100 căn, tăng 237% theo quý nhưng giảm 54% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ đạt 72%.
Căn hộ khu vực phía đông liên tục tăng
Tại TP.HCM, khu vực phía Đông tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới với 56% thị phần ở ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Nhận định về chủ trương mới của UBND TP.HCM về việc xây dựng thành phố trong thành phố tại ba quận trên.
Theo bà Võ Thị Khánh Trang, việc thành lập thành phố tại phía đông sẽ là yếu tố xúc tác dựa trên nền tảng sẵn có của khu vực này và thúc đẩy quá trình đô thị hóa tại đây phát triển nhanh hơn, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư tốt; từ đó, tác động tích cực đến thị trường nhà ở cả trên giá bán và lượng tiêu thụ.
Từ 2016 đến nay, phân khúc căn hộ ở 3 quận phía đông phát triển nhanh với lượng cung tăng liên tục cùng với chất lượng dự án và sản phẩm cũng như thu hút nhiều chủ đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư phát triển.
Yếu tố chủ lực tác động thúc đẩy phân khúc căn hộ chính là sự phát triển liên tục hạ tầng giao thông kết nối đã được đầu tư như Cao tốc HCM-Long Thành-Dầu Giây, Xa lộ Hà Nội, đại lộ Mai Chí Thọ, Cầu Thủ Thiêm; và nhiều hạ tầng tương lai đang được đầu tư như tuyến đường sắt đô thị (Metro Line) số 1, đường Vành Đai 3, Cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4. Trong 3 quận này, quận 2 được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển hạ tầng khi ngày càng nhiều dự án hạng A và B gia nhập thị trường với mức giá cao.
Dự báo nguồn cung phân khúc căn hộ trong tương lai. |
Trong quý IV/2020, dự kiến có gần 11.400 căn hộ được mở bán, trong đó 90% đến từ các giai đoạn tiếp theo của những dự án hiện hữu hạng C tiếp tục dẫn dắt thị trường, chiếm 55% nguồn cung tương lai và 60% lượng bàn giao đến năm 2023.
"Căn hộ hạng C được kỳ vọng sẽ có tình hình hoạt động tốt trong thời gian tới bởi tình hình kinh tế tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng được dự báo sẽ tăng trưởng dương trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động nền kinh tế toàn cầu; lãi suất có xu hướng giảm; nhóm có nhu cầu nhà ở hạng C vẫn ổn định trong khi lượng hàng tồn thấp và nguồn cung mới còn hạn chế; và chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh kích cầu với nhiều ưu đãi”, bà Trang nhận định.