Đây là dấu hiệu đáng lo ngại về một thị trường đang "chệch bánh" nghiêm trọng và sẽ có tác động lan tỏa tới ngành năng lượng toàn cầu. Đà sụt giảm này cho thấy rõ ràng sự bất lực của các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới như Saudi Arabia và Nga, hai quốc gia trước đó đã đồng ý tới Tổng thống Trump về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu.
Thậm chí, cam kết của các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, để giảm 10% sản lượng dầu toàn cầu - thỏa thuận cắt giảm lớn nhất từ trước tới nay, dự kiến được bắt đầu vào tháng 5/2020 - cũng không thể giúp gì cho việc tăng thêm dung lượng lưu trữ tại kho Crushing hiện nay. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự cắt giảm đó không đủ lớn để tạo ra khác biệt và cân bằng được thị trường dầu.
Giá dầu thô tiêu chuẩn WTI của Mỹ đã ghi nhận mức âm vào ngày 20/4 vừa qua. Nguồn: Reuters. |
Bên cạnh đó, việc thiếu kho dự trữ tại thời điểm giao hàng hợp đồng WTI tại kho Cushing, Oklahoma - trung tâm của mạng lưới đường ống dẫn dầu Mỹ - đã gây hoang mang cho các thương nhân nắm giữ hợp đồng phái sinh, những người không có chỗ để chứa dầu.
Theo chuyên gia Ann-Louise Hittle thuộc công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng toàn cầu Wood Mackenzie, việc thiếu kho dự trữ tại Crushing cho các doanh nghiệp đã gây ra tình trạng bán tháo.
Vấn đề này xảy ra nghiêm trọng nhất đối với hợp đồng WTI giao hàng trong tháng 5/2020 bởi nhu cầu dầu trong tháng này ở mức thấp nhất khi các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 được thực hiện trên toàn nước Mỹ, trong khi kho chứa của Mỹ ở cơ sở Oklahoma dự kiến sẽ đầy trong vòng vài tuần.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tính đến ngày 10/4, các bể chứa dầu của Cushing đã chứa 55 triệu thùng dầu thô, tương đương 72% khả năng lưu trữ là 76,1 triệu thùng. Vì vậy, dung lượng chứa còn lại không có sẵn để cho những doanh nghiệp chưa thuê chỗ.
Các doanh nghiệp có hợp đồng thuê chỗ lâu dài có thể có được lợi nhuận khổng lồ khi hợp đồng WTI giao hàng trong tháng 6/2020 vẫn giao dịch trên 20 USD/thùng mặc dù đã giảm từ gần 60 USD/thùng từ đầu năm bởi họ được trả tiền để mua dầu và sau đó có thể bán lại trong các hợp đồng của các tháng tiếp theo.
Tình trạng dư thừa nguồn cung, trong khi nhu cầu nhiên liệu giảm mạnh do các hạn chế đi lại được đưa ra để ngăn ngừa sự lây lan đại dịch COVID-19, góp phần lớn là cho giá dầu thô giảm xuống dưới 0 USD/ thùng. |
Thường giá dầu giảm phần lớn được xem là tích cực, vì nó làm giảm giá nhập khẩu dầu và giảm chi phí cho các ngành sản xuất và vận tải. Việc giảm chi phí này có thể được chuyển cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, có mối tương quan trực tiếp giữa chi phí xăng dầu hoặc nhiên liệu máy bay với giá vận chuyển hàng hóa và con người.
Giá nhiên liệu giảm có nghĩa là chi phí vận chuyển thấp hơn và vé máy bay rẻ hơn. Vì nhiều hóa chất công nghiệp được tinh chế từ dầu, giá dầu thấp hơn sẽ có lợi cho khu vực sản xuất. Ngược lại, giá dầu cao làm tăng thêm chi phí kinh doanh và có thể dẫn đến giá cao hơn cho các sản phẩm và dịch vụ dường như không liên quan.
Những chi phí này cuối cùng cũng được chuyển cho khách hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi đã trở thành một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu của thế giới với sản lượng lớn, giá dầu thấp sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến nhiều doanh nghiệp cũng như công nhân trong ngành công nghiệp này.
Giá dầu thấp sẽ khiến các hoạt động khoan và thăm dò và sản xuất dầu ít hơn và điều này dẫn tới việc sa thải người lao động, làm tổn thương các doanh nghiệp địa phương có số công nhân trên. Do đó, có thể thấy tác động tiêu cực rõ ràng ở các khu vực dầu đá phiến ngay cả khi có một số tác động tích cực của giá dầu thấp hơn ở một số khu vực khác.
Một lĩnh vực khác cũng có xu hướng bị ảnh hưởng khi giá dầu giảm đó chính là lĩnh vực ngân hàng và đầu tư. Có rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này bằng cách huy động vốn và nhận nợ. Điều này đồng nghĩa với việc cả nhà đầu tư và ngân hàng đều có có thể bị thua lỗ nếu giá dầu giảm và các hoạt động khai thác không có lãi, dẫn đến phá sản.
Trung tâm dự trữ dầu thô ở Mỹ đang trong tình trạng quá tải sức chứa. Ảnh: Transport Topics. |
Mất việc làm, thua lỗ, phá sản sẽ dẫn tới sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng, việc giá dầu xuống mức âm sẽ làm giảm thương hiệu hàng hóa này như một khoản đầu tư an toàn, đặc biệt đối với các nhà đầu tư bán lẻ đổ vốn vào hợp đồng dầu trong những tuần gần đây.
Trước tình trạng giá dầu lao dốc liên tục, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ bảo vệ ngành sản xuất này của Mỹ. Ngay ngày 20/4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ tận dụng cơ hội giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử để mua 75 triệu thùng nhằm bổ sung vào kho dự trữ chiến lược quốc gia và xem xét ngừng nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia.
Bên cạnh đó, Ủy ban Đường sắt (RRC) Texas, cơ quan điều tiết ngành công nghiệp dầu khí tại bang này, cũng tổ chức cuộc họp để xem xét áp đặt hạn ngạch sản xuất nhằm buộc các công ty hoạt động tại tiểu bang này cắt giảm sản lượng.
Theo các nhà phân tích, chính phủ liên bang có thể theo đuổi một số biện pháp, bao gồm việc thúc giục OPEC cắt giảm hơn sản lượng dầu; áp thuế đối với dầu nhập khẩu từ nước ngoài; giải phóng thêm kho lưu trữ trong đó có cả kho Dự trữ dầu khí chiến lược (SPR); trả tiền cho các nhà sản xuất để giữ dầu trong lòng đất; hoặc mở rộng hỗ trợ tài chính cho các công ty dầu khí.
Tuy nhiên, khó có thể giải quyết những vấn đề trên trong khi các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa nền kinh tế vẫn được áp dụng trên toàn quốc nhằm đối phó với dịch bệnh trong những tuần tới. Chừng nào sự bất cân bằng chưa được giải quyết thì giá dầu sẽ vẫn ở mức thấp và biến động, làm tê liệt ngành công nghiệp dầu và gây căng thẳng cho các nhà sản xuất.
Nguồn: TTXVN