Giá dầu giảm trong phiên giao dịch đầu tuần do lo ngại tình trạng dư thừa sản lượng dầu mỏ có thể kéo dài, trong khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ-Trung có thể kìm hãm sự phục hồi kinh tế ngay cả khi các nước này đang bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội sau dịch COVID-19.
Trong tuần trước, giá dầu được hỗ trợ nhờ các nhà sản xuất dầu lớn đã bắt đầu cắt giảm sản lượng do Ả Rập Saudi và Nga dẫn đầu, trong khi 2 nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ là Exxon Mobil Corp và Chevron Corp, cũng cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng 400.000 thùng/ngày trong quý này.
Việc cắt giảm sản lượng kết hợp với việc nới lỏng các hoạt động kinh doanh ở một số bang và thành phố của Mỹ, cũng như một số nước khác trên thế giới dự kiến sẽ giảm bớt tình trạng dư thừa nguồn nhiên liệu và áp lực đối với các bể chứa, giúp đẩy giá dầu đi lên trong tuần trước.
Tuy nhiên, thị trường vẫn không mấy lạc quan bởi sản lượng dầu của OPEC trong tháng trước đạt mức cao nhất trong 30 năm, tăng thêm mối lo về thặng dư nguồn cung khổng lồ.
Các công ty khoan dầu của Mỹ đã cắt giảm 53 giàn khoan dầu trong tuần đến ngày 1/5, xuống còn 325 giàn, đây mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết hôm thứ Sáu.
Ở thị trường trong nước, chiều 28/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng dầu tiếp tục giảm theo chu kỳ 15 ngày/lần, đây là lần thứ 8 liên tiếp giá xăng trong nước giảm. Hiện tại, giá xăng trong nước đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016. Giá bán các mặt hàng xăng dầu phổ biến trên thị trường như sau:
Sản phẩm | Vùng 1 | Vùng 2 |
Xăng RON 95-IV | 11.73 | 11.96 |
Xăng RON 95-II,III | 11.63 | 11.86 |
Xăng E5 RON 92-II | 10.94 | 11.15 |
DO 0.05S | 9.94 | 10.13 |
DO 0,001S-V | 10.24 | 10.44 |
Dầu hỏa | 7.96 | 8.11 |
Đơn vị: đồng / lít |