Giá hồ tiêu được dự báo tiếp tục giảm vào tuần tới (3 - 8/8)

Dự báo trong thời gian tới, giá hạt tiêu khó có khả năng tăng trở lại bởi nhu cầu tiêu thụ tiêu vẫn còn yếu do đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới.

Giá tiêu hôm nay 2/8 ghi nhận tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang ở mức 48.000 đồng/kg; Bình Phước với 47.000 đồng/kg; Đắc Lắc, Đắc Nông là 46.500 đồng/kg; Gia Lai và Đồng Nai có giá 45.000 đồng/kg.

Nhìn lại giá tiêu từ ngày 26/7 - 1/8 cho thấy, nông sản này tiếp tục giảm trung bình từ 500 - 1.000 đồng/kg tại hầu hết các tỉnh, thành trọng điểm trong nước và đang giao dịch quanh mức từ 45.000 - 48.000 đồng/kg.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN&PTNT phân tích, trong 6 tháng đầu năm nay, giá hạt tiêu tại thị trường nội địa biến động theo 2 chu kỳ, giảm trong quý I nhưng tăng trong quý II do nhu cầu thu mua hạt tiêu của các doanh nghiệp tăng mạnh, trong khi người dân hạn chế bán ra.

Dự báo trong thời gian tới, giá hạt tiêu khó có khả năng tăng trở lại bởi nhu cầu tiêu thụ tiêu vẫn còn yếu do đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới.

Ngoài ra, diện tích hồ tiêu trồng từ năm 2016 - 2017 ở các nước sản xuất lớn hiện đã đến thời điểm cho sản lượng cao. Sự mất cân bằng cung - cầu vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm giá tiêu trên thị trường.

Ông Đinh Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Trang Trại Xanh Thu Thủy cho rằng, thị trường hồ tiêu Việt Nam trong thời gian qua có những diễn biến phức tạp, khó lường khi vào giữa tháng 5 và tháng 6 giá tăng đột biến.

Nhiều doanh nghiệp và đại lý nhận hàng ký gửi của nông dân và phá sản. "Thời gian tới, thị trường hồ tiêu toàn cầu tiếp tục ảm đạm khi các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai; châu Âu và Mỹ bị hoành hành bởi dịch COVID-19. Diễn biến thị trưởng rất khó lường, do đó các doanh nghiệp nên cân nhắc khi thực hiện hợp đồng giao xa", ông Thu nói.

Nhận định thời gian qua, giá tiêu có thời điểm chạm đáy ở mức 35.500 đồng/kg là sự khủng hoảng đối với ngành hồ tiêu Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thụ, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Trường Lộc đánh giá: "Sự ảnh hưởng của COVID-19 đã làm nhu cầu thế giới giảm trong khi lượng tồn kho không còn nhiều, do đó giá sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước sức ép giá của châu Âu và Mỹ, giá không thể lên ngay".

Trên thị trường thế giới, người tiêu dùng đang tăng cường thu mua để đáp ứng nhu cầu cho các lễ hội như Onam, Raksha Bandhan, Vinayaka Chathurthy chuẩn bị diễn ra trên khắp cả nước. Điều này đã tác động tích cực lên thị trường hồ tiêu, với lượng người mua mạnh sẽ kéo giá tăng cao.

Ông Kishore Shamji của công ty Kishor Spices đã kêu gọi người nông dân hành động khéo léo và tận dụng tình hình mới để không khiến hàng nhập khẩu bất hợp pháp tràn vào và giữ lấy lợi thế này bằng cách găm hàng khi dự đoán giá sẽ tiếp tục tăng.

Theo ông, các nhà chế biến đang gặp khó khăn trong việc tiếp thị vỏ hạt tiêu và hạt tiêu đầu đinh vì nhu cầu từ thị trường tiêu thụ của các nhà sản xuất masala (một loại bột gia vị) vừa và nhỏ đối với loại hạt chất lượng thấp đang cao.

Những nhà sản xuất này đang sử dụng hạt tiêu đã khử dầu và bã hạt tiêu đã chiết xuất. Điều này đã dẫn đến chi phí xử lí cao và gia tăng sự cân bằng giữa hạt tiêu nguyên vỏ và đã tách vỏ.

Ngoài ra, độ ẩm trong đợt gió mùa tháng 6 - tháng 7 khiến cho việc tiếp thị khó khăn hơn. Những người nông dân có lượng hàng nhỏ nên sử dụng các biện pháp thích hợp để trữ sản phẩm. Các đại lí ở thị trường sơ cấp phải chăm sóc hàng hoá để bảo vệ khỏi côn trùng, gián, chuột. Nếu không, thu nhập của người nông dân sẽ bị ảnh hưởng, ông Kishore nói.

PHƯỢNG LÊ

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương