Giá rao bán nhiều nơi được "thổi" lên chóng mặt

Cơn sốt bất động sản đang lan rộng ở nhiều tỉnh thành. Giá rao bán nhiều nơi được "thổi" lên chóng mặt. Song cũng chính điều này đã tạo ra thế khó cho thị trường khi người muốn mua không mua được...

Việc giá nhà đất thổ cư bị đẩy lên cao chủ yếu xuất hiện tại một số các tuyến phố cũ, trong các khu vực dân cư đã vào ở nhiều năm, không có nhiều mảnh đất được rao bán chứ không phải là diễn biến chung của thị trường.

Theo phân tích của Bộ Xây dựng, thực tế tính đến đầu tháng 11.2021, giá đất nền cơ bản không thay đổi so với quý trước. Tại khu vực miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội, giá đất nền vẫn ở ngưỡng cao, hầu như chưa giảm so tháng trước đó. Khu vực các tỉnh phía nam lại tăng giá mạnh và dồn về vùng ven như Vũng Tàu, Bình phước, Đồng Nai...

Khắp từ Bắc vào Nam, dễ dàng gặp cảnh người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Ở nhiều địa phương, nhiều môi giới tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án nhằm "câu" khách. Những hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn…cũng xuất hiện. "Cò mồi" thường xuyên tụ tập, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày.

Nguyên nhân chính của tình trạng sốt đất là nhiều thông tin quy hoạch được đưa ra trong quý I/2021. Điển hình như ngay sau khi xuất hiện tin đồn Bình Phước chuẩn bị xây dựng sân bay lưỡng dụng tại xã An Khương, huyện Hớn Quản, biển mua bán đất đã mọc lên như nấm, rao bán ào ạt ngay bên lề đường. Chưa đầy một tháng sau, xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận lại trở thành điểm nóng về “sốt đất”. Từng tốp xe ô tô chở nhà đầu tư đổ về đây săn đất khi có thông tin dự án sân bay Phan Thiết sắp khởi công.

Những ngày gần đây, giá đất tại nhiều xã thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hoà) đang tăng chóng mặt sau khi những thông tin đồn thổi về một đại dự án sắp được đầu tư xây dựng ở đây. Đáng chú ý, việc nhiều nhóm người từ nơi khác đến chôn các trụ bê tông cắm mốc có ghi những ký tự “mập mờ” càng khiến cho giá đất sôi sục.

Đến quý II, giá đất bắt đầu lắng xuống và gần như “nguội hẳn” do Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương có chỉ đạo quản lý, công khai thông tin, cảnh báo cho nhà đầu tư và nhất là do dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, điển hình là ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Đầu quý III, giá đất giảm sâu do ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 ở phía Nam trong khi phía Bắc thị trường đất nền dần phục hồi. Tuy nhiên, từ cuối quý III đến nay, tình trạng “sốt đất” lại tái diễn.

Trong một năm, khi giao dịch bất động sản gần như “đóng băng” vì ảnh hưởng của dịch bệnh thì những thông tin về những cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm vào tháng cuối năm đã bất ngờ làm “nóng” dư luận. Ngày 11/12/2021, bốn lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích 30.000 m2 đã được UBND TP.HCM tổ chức bán đấu giá thành công thu về 37.346 tỷ đồng, vượt xa giá mức khởi điểm 5.300 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là cuộc trả giá căng thẳng cho lô đất 3-12 có diện tích 10.059m2. Từ mức khởi điểm 2.942 tỷ đồng, sau 70 lần trả giá một doanh nghiệp đã sở hữu khu đất này với mức giá 24.500 tỷ đồng. Tính ra, mỗi mét vuông lô đất có giá lên đến hơn 2,4 tỷ đồng.

Cơn sốt bất động sản đang lan rộng ở nhiều tỉnh thành khiến giá bán nhiều nơi bị "thổi" lên chóng mặt. Thời điểm hiện tại, người muốn mua không mua được, người định bán lại có tâm lý tăng giá theo xu hướng. Giá nhà quá cao khiến người mua hiện đang có tâm lý e dè, chờ đợi. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh có nhiều diễn biến khó lường, dòng tiền khó kiểm soát nên người mua càng lo sợ phương án vay ngân hàng để mua nhà. Còn với người bán, việc hạ giá nhà lại sợ lỗ, do hàng xóm vừa bán với giá tương tự cách đó không lâu. Chính vì thế, không ít chủ nhà đã rơi vào tình trạng rao bán nhiều tháng mà không ai hỏi mua.

Tổng Hợp