Giá tiêu giảm, nông dân Đồng Nai chặt bỏ hàng ngàn gốc tiêu

Chỉ sau 5 tháng đầu năm 2020, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh giảm 3.000 ha so với cuối năm 2019.

Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Thủy lợi tỉnh Đồng Nai, thời gian gần đây, tình trạng người dân ở Đồng Nai chặt bỏ hồ tiêu diễn ra rất nhanh.

Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Thủy lợi tỉnh Đồng Nai chia sẻ với TTXVN, cuối năm 2019, Đồng Nai có gần 16.600 ha hồ tiêu, đến tháng 5/2020 chỉ còn hơn 13.600 ha. Tình trạng người dân chặt bỏ hồ tiêu diễn ra ở tất cả các huyện, thành phố, tập trung nhiều nhất ở huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú.

Trước đây, nông dân chỉ chặt bỏ hồ tiêu già cỗi, năng suất thấp, nhưng nay họ chặt cả những diện tích đang thời kỳ phát triển mạnh, thu hoạch tốt.

Tại Đồng Nai, tính đến tháng 5/2020 diện tích hồ tiêu chỉ còn hơn 13.600 ha.
Tại Đồng Nai, tính đến tháng 5/2020 diện tích hồ tiêu chỉ còn hơn 13.600 ha.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do giá hồ tiêu duy trì ở mức thấp (trên dưới 45.000 đồng/kg) trong nhiều năm, người dân liên tiếp thua lỗ, không còn khả năng cầm cự. Sau khi chặt hồ tiêu, nông dân chuyển sang trồng các loại cây ăn trái đang có giá cao. Đến nay, diện tích bưởi, sầu riêng, chuối của Đồng Nai là khoảng 24.000 ha, tăng gần 3.500 ha so với cuối năm 2019.

Ông Trần Lâm Sinh phân tích: “Xu hướng giảm giá của hồ tiêu đã duy trì trong 5 năm qua. Trước đây, đa số người trồng tiêu vẫn bám trụ với vườn cây, hi vọng trong vài năm giá tiêu sẽ tăng trở lại, nhưng giá tiêu cứ giảm, năm sau thấp hơn năm trước. Để có thu nhập, ổn định cuộc sống, nông dân buộc phải chặt bỏ hồ tiêu, chuyển đổi cây trồng mới. Đây là quy luật”.

Theo ông Trần Lâm Sinh, hồ tiêu Đồng Nai cũng như của Việt Nam được thế giới đánh giá cao, đã xây dựng được thương hiệu, xuất khẩu ra nhiều nước, đây là loại cây có nhiều lợi thế, tiềm năng. Ngành nông nghiệp Đồng Nai khuyến cáo người trồng tiêu không nên chặt bỏ diện tích đang cho năng suất cao; chỉ chuyển đổi một phần diện tích hồ tiêu sang trồng loại cây khác.

Để giảm thiệt hại, thời điểm này người dân nên đầu tư cho hồ tiêu ở mức vừa phải, tiết giảm các chi phí sản xuất. Khuyến khích nông dân trồng tiêu theo các tiêu chuẩn sạch, an toàn, liên kết với doanh nghiệp, qua đó hạn chế các khâu trung gian trong tiêu thụ, tăng lợi nhuận.

  Nông dân chăm sóc tiêu tại xã Lâm San (Huyện Cầm Mỹ, tỉnh BR- VT).

Nông dân chăm sóc tiêu tại xã Lâm San (Huyện Cầm Mỹ, tỉnh BR- VT).

Tương tự tại Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích hồ tiêu thuộc huyện Cẩm Mỹ cũng giảm đáng kể. Cụ thể, 3 năm trở lại đây, địa phương giảm hơn 2.000 ha hồ tiêu. Nguyên nhân là do giá hồ tiêu giảm sâu.

Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San (địa phương có diện tích trồng tiêu lớn nhất huyện Cẩm Mỹ) chia sẻ với Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, 2 năm trở lại đây diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn xã giảm khoảng 1.000 ha, còn 1.600 ha.

Theo ông Bá, giá hồ tiêu bấp bênh khiến nhiều hộ chuyển sang trồng bơ, sầu riêng. Số khác phát triển hồ tiêu chuyên sâu theo hướng hữu cơ có liên kết xuất khẩu.

Để ổn định diện tích vườn cây và nâng cao hiệu quả cây trồng chủ lực, H.Cẩm Mỹ đang khuyến khích nhà vườn thay đổi phương pháp sản xuất theo hướng sạch, an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, có đầu ra bền vững.

PHƯỢNG LÊ (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương