Giá vàng thế giới rạng sáng 4/1, tiếp đà tăng với giá vàng giao ngay tăng 10,2 USD lên mức 1.838 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.843 USD/ounce, tăng 17,6 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Giá kim loại quý đã đẩy lên mức cao nhất trong 6 tháng nhờ được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn. Mức ngại rủi ro đã tăng cao hơn vào đầu tuần này khi thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn chao đảo trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng kinh tế suy yếu vào năm 2023 đối với các nước công nghiệp hóa lớn.
Những yếu tố đè nặng lên giới đầu cơ giá lên trên thị trường chứng khoán như chính sách tiền tệ diều hâu từ hầu hết các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, lo lắng về tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, Mỹ và Liên minh Châu Âu, và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn lại đang có lợi cho các nhà đầu cơ giá lên trên thị trường kim loại trú ẩn an toàn.
Phần lớn các nhà phân tích cho rằng các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sẽ tiếp tục tăng lãi suất ít nhất cho đến quý đầu tiên của năm 2023 để kiềm chế lạm phát. Trong ngắn hạn, vàng có thể sẽ vẫn chịu áp lực.
Nhiều ý kiến cho rằng, dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến được công bố gần đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà giao dịch và nhà đầu tư rằng Fed khó có thể ngừng thắt chặt chính sách tiền tệ. Báo cáo tổng sản phẩm quốc nội tốt hơn cũng cho thấy nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn chưa sẵn sàng rơi vào suy thoái.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Matt Simpson thuộc sàn môi giới giao dịch tại Anh City Index cho biết giá vàng đã tăng nhẹ, nhưng vẫn quanh mức 1.830 USD/ounce. Tuy nhiên, với tình trạng thanh khoản rất thấp vào thời điểm này trong năm, có vẻ như đây là hoạt động mua vào mang tính kỹ thuật trái ngược với thông thường.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 12/2022 của Fed dự kiến được công bố vào ngày 4/1. Fed đã tăng lãi suất thêm 0,5% trong tháng 12/2022 sau bốn lần tăng liên tiếp 0,75% mỗi lần.
Chuyên gia Simpson bày tỏ quan ngại rằng biên bản cuộc họp cũng sẽ tạo ra nhiều bất ngờ như cuộc họp tháng 12 của Fed, song các nhà giao dịch sẽ tìm kiếm manh mối để xác nhận việc Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong kế hoạch của mình và điều đó có thể hỗ trợ giá vàng.
Vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát và kinh tế bất ổn. Tuy nhiên, lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Những người tham gia thị trường cũng theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh đang gia tăng tại quốc gia tiêu thụ vàng thỏi hàng đầu Trung Quốc. Ngoài ra, số liệu về báo cáo việc làm tháng 12/2022 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 6/1, dự kiến cho thấy thị trường lao động vẫn thắt chặt.
Giá vàng trong nước lúc 8h10 ngày 4/1, trên sàn giao dịch của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, vàng SJC đang là 66,3 triệu đồng/lượng mua vào và 67,1 triệu đồng/lượng bán ra.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 66,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,1 triệu đồng/lượng (bán ra). Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,40 triệu đồng/lượng và 54,25 triệu đồng/lượng.
Giá vàng DOJI được công ty này niêm yết ở mức 66,1 triệu đồng/lượng mua vào và 67,1 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng Vietinbank Gold đang niêm yết ở mức 66,30 triệu đồng/lượng mua vào và 67,12 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 66,32 - 67,18 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 2 chiều 53,39 - 54,24 triệu đồng/lượng.