Ghi nhận lúc 8h sáng nay (26/6), giá vàng SJC niêm yết ở mức 48,82 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,22 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội và Đà Nẵng, giảm 40.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và cả ở chiều bán ra so với phiên chiều qua. Chênh lệch giá bán vàng đang cao hơn giá bán ra vẫn là 400.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức 48,90 - 49,13 triệu đồng (mua vào - bán ra), giữ nguyên giá ở chiều mua vào và giảm 70.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên chiều qua (25/6). Chênh lệch giá mua - bán tăng lên 230.000 đồng/ượng.
Vàng rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết ở mức 48,67 - 49,22 triệu đồng/lượng (mua vào và bán ra), giảm 110.000 đồng ở chiều mua vào và 260.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên chiều hôm qua.
Ở một vài ngân hàng như TPBank niêm yết giá vàng ở mức 48,85 - 49,13 triệu đồng (mua vào-bán ra). Tại Maritimebank, giá vàng được niêm yết ở mức 48,45 - 49,45 triệu đồng (mua vào-bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và giảm 450.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so chiều hôm qua (25/6).
Nhiều cố vấn của những ngân hàng hàng đầu thế giới đang đưa ra lời khuyên cho các khách hàng là nên trữ nhiều vàng hơn.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay đang giao dịch ở ngưỡng 1.762,8 USD/ounce, giảm 0,19% tương đương 3,4 USD trong vòng 24h qua.
Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 49,50 triệu đồng/lượng, cao hơn 280.000 đồng/lượng so với chiều bán ra của giá bán vàng SJC.
Trước đó, giá vàng thế giới giảm sau khi tiến sát ngưỡng 1.7800 USD/ounce do thị trường lại sống dậy kỳ vọng phục hồi kinh tế sau loạt thông tin tích cực.
Mặc dù vậy, kim loại quý này được dự báo vẫn có thể tiếp tục đi lên trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới không ngừng gia tăng.
Mới đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, cột mốc 10 triệu người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu sẽ sớm đạt được trong tuần tới khi dịch COVID-19 đang lây lan rất mạnh tại Nam Mỹ và Ấn Độ.
Theo WHO, trong tuần qua, thế giới đạt 1 triệu ca nhiễm chỉ trong 1 tuần, trong khi vào giai đoạn đầu của đại dịch, phải sau gần 3 tháng mới có 1 triệu người nhiễm.
Còn tại Báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới vừa công bố của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu. Theo IMF, năm nay GDP toàn cầu có thể giảm tới 4,9% bởi dịch COVID-19 tác động tiêu cực lên hoạt động kinh tế nửa đầu năm 2020 với mức độ mạnh hơn dự báo.