Giá vật liệu tác động như thế nào đến giá bất động sản?

 Tình trạng tăng giá vật liệu xây dựng thời gian qua không phải diễn ra lần đầu tiên. Giá bất động sản hình thành dựa vào chi phí xây dựng và vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí này.

Giá thành xây dựng bất động sản được cấu thành bởi hai tiêu chí là chi phí về đất và chi phí về xây dựng. Chi phí về đất thường chiếm 15% đối với nhà chung cư, 30% đối với nhà phố và 50% đối với nhà biệt thự. Chi phí xây dựng (vật liệu, nhân công, lắp đặt thiết bị,...) thường chiếm khoảng 60% giá thành xây dựng của bất động sản. Bản thân các doanh nghiệp xây dựng thay vì ngồi yên cũng đã chuẩn bị giải pháp cho riêng mình, bằng cách lên kế hoạch đàm phán với các nhà cung cấp chiến lược để có đơn giá tốt nhất, hay tìm kiếm các đối tác thầu phụ mới để tiết giảm chi phí.

Giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều người dân lỡ dở chuyện xây dựng. Trong các diễn đàn nhà ở, nhiều hộ chấp nhân chỉ động thổ lấy ngày nhưng không xây. Một số hộ khác chấp nhận dừng vô thời hạn, dù công trình đã xong tầng một. Theo thống kê, giá thép chiếm từ 20-30% chi phí xây dựng. So với nhà liền kề, tỷ lệ ở căn hộ chung cư thấp hơn. Tuy nhiên, do thép tăng đến 40% so với cuối quý III, áp lực tăng giá bất động sản đang ngày một lớn.

Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý I/2021, đặc biệt ở tháng 4. Giá thép phi 6 Việt Mỹ trong quý IV/2020 là 13.145 đồng/kg thì giá thép này ở Đà Nẵng (ghi nhận tại thời điểm tháng 4/2021) được bán 18.370 đồng/kg, tăng 40%. Trong khi đó, giá thép do Sở Xây dựng Đà Nẵng công bố với nhà thầu áp dụng thanh quyết toán cũng chỉ là 13.805 đồng/kg. VACC cho biết, tất cả các thương hiệu thép trong nước đều đồng loạt tăng giá từ 30% đến 40% so với quý IV/2020.

Theo khảo sát, giá nhiều vật liệu xây dựng tăng phi mã thời gian gần đây. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, giá thép thành phẩm tại thị trường trong nước đã tăng 30% - 40%. So với cuối năm 2020, giá thép cuộn Hòa Phát tăng từ 14.570 đồng - 15.100 đồng/kg lên 16.800 đồng - 17.000 đồng/kg. Tương tự, thép Việt Đức, cũng tăng 14.800 đồng - 15.000 đồng/kg, lên 16.700 - 16.800 đồng/kg; thép Việt Ý tăng từ 14.760 đồng/kg lên ngưỡng 16.900 đồng/kg;... Trong khi đó, giá xi măng trong nước cũng tăng từ 15% - 20%, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, xi măng Long Sơn, Hoàng Long tăng gần 40.000 đồng/tấn, có giá 1,34 - 1,41 triệu đồng/tấn. Xi-măng Hoàng Thạch tăng 30.000 đồng/tấn, có từ 1,2 - 1,55 triệu đồng/tấn. Xi-măng Phúc Sơn tăng tăng 40.000 đồng/tấn, có giá từ 1,37 - 1,42 triệu đồng/tấn;...

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các dự báo trước nói rằng, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa đến hết quý II/2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo lo ngại thép có thể tăng hết quý III/2021, khi nguồn nguyên liệu thế giới vẫn đang rất đắt đỏ.

VACC nhận định, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận", phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý I, đặc biệt ở tháng 4. Đây là đợt tăng giá nhanh và mạnh nhất của thép xây dựng trong nhiều năm qua. Điều đáng lưu ý, giá thép chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" trong thời gian tới.

Các nhà thầu xây dựng bị tác động trực tiếp bởi việc tăng giá vật liệu là hiển nhiên, song các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng. Nếu trường hợp nhà thầu không có tâm, lựa chọn rút ruột công trình, giảm khối lượng vật tư theo dự toán, thì chất lượng của công trình là thứ bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với uy tín và thương hiệu của chủ đầu tư đi xuống.

Kiên Cương