Goldman Sachs: Căng thẳng thương mại sẽ làm suy thoái kinh tế toàn cầu

Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs tin rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Reuters, Goldman Sachs cho biết hôm 11/8 rằng những lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn đến suy thoái đang gia tăng và Goldman Sachs không còn mong đợi một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Trong một báo cáo gửi đến khách hàng, Goldman Sachs dự đoán, mức thuế 10% mà Mỹ đánh lên 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc (ngoại trừ 250 tỷ USD bị đánh thuế 25% trước đó) sẽ được thực thi như thông báo của Tổng thống Trump. 

Mỹ cũng tuyên bố Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ. Trung Quốc phủ nhận rằng họ đã thao túng đồng nhân dân tệ để kiếm lợi.

Mỹ trước đó đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Mỹ trước đó đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ.

Tranh chấp thương mại kéo dài một năm đã xoay quanh các vấn đề như thuế quan, trợ cấp, công nghệ, sở hữu trí tuệ và an ninh mạng, ngoài ra còn có một số vấn đề khác.

Ngân hàng này cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý IV/2019 xuống còn 1,8% từ mức 2% trước đó. Đồng thời cho biết, tình hình căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay gây ra tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư, cũng như có thể buộc các công ty tư nhân ở Mỹ cắt giảm chi phí và đầu tư.

"Những lo ngại về việc cuộc chiến thương mại sẽ làm suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng", Goldman Sachs lưu ý, đồng thời gia tăng mức dự báo ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với tăng trưởng kinh tế Mỹ.

"Nói chung, chúng tôi đã tăng dự báo về mức độ thiệt hại của chiến tranh thương mại đối với tăng trưởng kinh tế", ông Hatzius nhận xét, và cho biết cơ sở chính của sự điều chỉnh này là sự suy giảm tâm lý và biến động trên thị trường tài chính sau những diễn biến leo thang gần đây của chiến tranh thương mại.

Sự bấp bênh và tâm lý lo ngại do thương chiến gây ra đã khiến các doanh nghiệp tạm gác nhiều kế hoạch đầu tư, báo cáo cho hay. "Tâm lý bi quan có thể khiến nhiều công ty cắt giảm đầu tư, tuyển dụng hoặc sản xuất", chuyên gia Hatzius nhận xét.

Một cảng xuất khẩu ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Một cảng xuất khẩu ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trước đó, trong một báo cáo đánh giá về kinh tế Trung Quốc công bố hôm 9/8, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi Trung Quốc và Mỹ cần nhanh chóng ký kết thỏa thuận thương mại để không làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu.

Phát biểu trước các phóng viên cuối tuần trước tại Washington trước khi lên máy bay tới New York, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc, nhưng chưa sẵn sàng ký thỏa thuận thương mại. Tổng thống Mỹ cũng không loại trừ vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 9 có thể bị hủy bỏ.

Cũng trong những ngày cuối tuần trước, Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết, Nhà Trắng đang hoãn ra quyết định cấp phép để công ty Mỹ nối lại kinh doanh với Huawei.

Những thông tin trên khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán thế giới một lần nữa lo sợ và đẩy mạnh bán ra, nhất là nhóm cổ phiếu công nghệ, kéo các thị trường chứng khoán giảm mạnh trong phiên cuối tuần qua.

MINH TUẤN

theo Tin 24h