Grab lỗ gần 3.800 tỷ đồng trước khi tăng giá cước và chiết khấu với tài xế

Trong giai đoạn 2016-2019, Grab Việt Nam lỗ luỹ kế gần 3.800 tỷ đồng, nợ dài hạn vào cuối năm ngoái khoảng 5.650 tỷ đồng.

Grab liên tiếp chiếm tâm điểm của truyền thông sau khi tăng đồng thời giá cước dịch vụ và mức chiết khấu với đối tác tài xế mà theo đại diện hãng này giải thích là để phù hợp với cách tính thuế VAT 10% mới theo Nghị định 126. Tuy nhiên, vẫn không ít ý kiến cho rằng, liệu chăng có sự tương quan giữa việc tăng giá cước và mức chiết khấu với tình hình kinh doanh thu a lỗ của nền tảng công nghệ này tại Việt Nam.

Lỗ gần 3.800 tỷ đồng trong 4 năm qua

Grab âm thầm xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 2/2014, lúc bấy giờ nhiều người còn “cười nhếch mép” khi nghe về tham vọng chiếm lĩnh thị trường di chuyển cá nhân và “hất sạch chén cơm” của cánh tài xế xe ôm và taxi truyền thống. Nhưng chỉ sau 2 năm, lượng đối tác tài xế và người dùng tăng chóng mặt, lại được Bộ Giao thông - Vận tải cấp phép thí điểm hoạt động tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, Grab Việt Nam bắt đầu có doanh thu trăm tỷ đồng.

Grab chiếm lĩnh thị trường gọi xe tại Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn. Ảnh: VnReview
Grab chiếm lĩnh thị trường gọi xe tại Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn. Ảnh: VnReview

Doanh thu của doanh nghiệp này tăng phi mã với cấp số nhân qua các năm và chính thức bước lên hàng ngũ doanh thu nghìn tỷ vào năm 2018 với cột mốc đáng chú ý vào tháng 3 khi công ty mẹ Grab đã mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á. Sang năm 2019, doanh thu của Grab đạt 3.382 tỷ đồng, tăng hơn 54,1% so với cùng kỳ, cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2019. Đặt lên bàn cân, con số này vượt rất xa so với các đối thủ như Be và GoViet (nay là Gojek Việt Nam).

Con số này không gây ngạc nhiên khi theo báo cáo dữ liệu của ABI Research, Grab trong năm 2019 đứng top 1 thị trường với 146 triệu lượt đặt xe, tương đương 73% thị phần; con số này áp đảo hoàn toàn so với Be (16%) và GoViet (10%).

Chiến với taxi truyền thống và các ứng dụng gọi xe khác bằng cách “đốt tiền để thuê người dùng” khiến trong 4 năm gần nhất Grab Việt Nam đã lỗ ròng hơn 2.100 tỷ. Với lượng vốn mỏng chỉ 20 tỷ đồng, việc lỗ luỹ kế 3.789 tỷ đồng đã khiến cho vốn chủ sở hữu của Grab Việt Nam âm khoảng 4.290 tỷ đồng tính đến hết 2019.

Lỗ liên tục và lên đến nghìn tỷ đồng, Grab Việt Nam đành sử dụng đòn bẩy tài chính. Dữ liệu tổng hợp gần đây cho thấy, nợ dài hạn của doanh nghiệp vào khoảng 5.650 tỷ đồng ở cuối năm 2019, tăng gần 4.300 tỷ đồng so với 2018. Trong khi đó, tổng tài sản của Grab Việt Nam gần 2.700 tỷ đồng, chủ yếu là tiền mặt và các khoản phải thu.

Tương tự như công ty mẹ, một đơn vị khác trong hệ sinh thái của Grab Việt Nam là Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca với ví điện tử Grabpay by Moca cũng không tránh khỏi việc phải lao vào cuộc đua “đốt tiền” tại thị trường Việt. Từ việc lỗ vài chục tỷ, đến năm gần nhất, công ty này đã lỗ nặng 147 tỷ đồng, làm âm vốn chủ tới 56 tỷ đồng.

Cổ đông Việt chỉ là “tạm bợ”?

Tháng 2/2014, Grab điểm danh ở thị trường Việt Nam với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH GrabTaxi, về sau đổi tên thành Công ty TNHH Grab. Công ty TNHH Grab có vốn điều lệ 20 tỷ đồng vào năm 2016. Lúc bấy giờ, cơ cấu cổ đông hoàn toàn chỉ gồm người Việt. Đó là 3 cá nhân: Nguyễn Tuấn Anh (34%), Nguyễn Phú Sinh (33%) và Trần Anh Đức (33%).

Trong đó, ông Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1982) được xem là nhân vật đóng vai trò quan trọng đặc biệt tại Grab Việt Nam. Ông chính là “khai quốc công thần” cho nền tảng tại này thị trường Việt, triển khai thành công lần lượt GrabBike , GrabTaxi và GrabCar . Mặt khác, ông cũng là người đem đến các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho người dùng trên ứng dụng Grab thông qua hợp tác chiến lược với Moca. Tại Grab Việt Nam, ông từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Giám đốc sáng lập Grab Việt Nam và Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam.

Kể từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2020, doanh nhân sinh năm 1982 này luôn duy trì tỷ lệ sở hữu là 51%. Số còn lại thuộc về Grab Inc, pháp nhân đến từ Quần đảo Cayman.

Nguyễn Tuấn Anh từng giữ 51% vốn Grab Việt Nam trong 4 năm liền nhưng nhanh chóng nhường cho người mới sau khi đầu quân về VinID. Ảnh: Vietnam Finance
Nguyễn Tuấn Anh từng giữ 51% vốn Grab Việt Nam trong 4 năm liền nhưng nhanh chóng nhường cho người mới sau khi đầu quân về VinID . Ảnh: Vietnam Finance

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh từng chia sẻ với báo giới rằng tập đoàn mẹ Grab tuyển ông thông qua mạng xã hội về nghề nghiệp Linkedin, khi muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Thực tế, vai trò của các cổ đông trong nước tại Grab Việt Nam cũng chỉ là “tạm bợ”.

Đầu năm 2020, ông Tuấn Anh nghỉ việc tại Grab chuyển sang làm CEO của VinID, thuộc Tập đoàn Vingroup. Toàn bộ 1,02 triệu cổ phần, tức 51% vốn đứng tên ông, lập tức có chủ mới là bà Lý Thụy Bích Huyền. Ngoài vai trò cổ đông, bà Huyền còn giữ là lãnh đạo cấp cao tại Công ty TNHH Grab.

Việc pháp nhân Grab Inc giữ 49% vốn tại Grab Việt Nam khiến mô hình cổ đông tại doanh nghiệp này không còn quá xa lạ. Đây là công thức chung cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi "chen chân” vào Việt Nam như Vietnam Beverage (thâu tóm Sabeco ), SEA Group (sở hữu Garena Việt Nam, Shopee , Airpay),... Grab Inc đặt trụ sở tại Quần đảo Cayman, một “thiên đường thuế”. Đây cũng là “quê hương” của nhiều cổ đông ngoại khi đầu tư vào thị trường của nhiều nước.

Gần đây, Bloomberg đưa tin Grab và Gojek “đang thu hẹp được những bất đồng quan điểm” để tiến tới thương vụ sáp nhập. Dù vậy, nhiều chi tiết trong hợp đồng vẫn cần đàm phán thêm. Những chi tiết này sẽ được đàm phán, thảo luận với sự tham gia của những lãnh đạo hàng đầu hai công ty cùng với đó là sự tham gia của ông Masayoshi Son, đại diện cho SoftBank Group Corp, cổ đông lớn nhất của Grab.

Theo cơ cấu, đồng sáng lập Grab Anthony Tan sẽ trở thành CEO của liên doanh này sau sáp nhập, trong khi các lãnh đạo Gojek sẽ điều hành liên doanh mới ở Indonesia dưới thương hiệu Gojek.

Nguồn tin của Bloomberg cho rằng, 2 nền tảng này vẫn có thể vận hành riêng biệt trong một thời gian dài. Việc sáp nhập cuối cùng nhằm mục tiêu đưa liên doanh Grab - Gojek trở thành một công ty đại chúng.

Tại Việt Nam, trong lúc Grab và các đối tác tài xế vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc tăng mức chiết khấu thuế VAT thì mới đây, Gojek cũng đưa ra thông báo điều chỉnh giá cước và mức chiết khấu mới “để tuân thủ Nghị định 126”. Theo đó, giá các dịch vụ của Gojek sẽ tăng khoảng 8,3-10% so với giá dịch vụ ban đầu.

Tương ứng, tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế là hơn 27,2%. Con số này tương đương với mức Grab đang áp dụng.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương