Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết như trên nhằm đề xuất việc chấm dứt hoặc bổ sung cho phù hợp với thực tiễn phát triển. Quy hoạch là vấn đề quan trọng hàng đầu, quyết định đến sự phát triển có hiệu quả của các khu công nghiệp Hà Nội.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 9 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích 1.369 ha, tỷ lệ lấp đầy 95%. Ngoài ra, Hà Nội còn có 2 khu công nghiệp đang điều chỉnh hạ tầng, 1 khu công nghiệp đã có hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, 4 khu công nghiệp đang kêu gọi đầu tư, 1 khu công nghiệp nhà đầu tư không đủ điều kiện triển khai tiếp nên đã bị thu hồi giấy chứng nhận.
Năm 2020, các khu công nghiệp đã thu hút đầu tư được 11 dự án mới vốn đăng ký 32,8 triệu USD và 144,4 tỷ đồng; 21 dự án đầu tư mở rộng vốn đăng ký 72,9 triệu USD và 147 tỷ đồng. Tổng mức thu hút đầu tư đạt 118,2 triệu USD quy đổi, đạt 30% so với kế hoạch năm 2020, bằng 34% so với kết quả thực hiện năm 2019.
Về kết quả sản xuất, kinh doanh, năm 2020, doanh thu của các khu công nghiệp đạt 7.600 triệu USD, giảm 2% so với năm 2019; nộp ngân sách Nhà nước 235 triệu USD, giảm 3% so với năm 2019.
Doanh thu 2 tháng đầu năm 2021 đạt 1.235 triệu USD, nộp ngân sách 35,5 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 838 triệu USD, nhập khẩu đạt 748 triệu USD. Đến cuối tháng 2/2021 toàn bộ các doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại và số lượng công nhân làm việc đạt khoảng 95% sau thời gian nghỉ tết nguyên đán và ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp còn đạt thấp, chưa có dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Năm 2020 đã có 9 dự án tự chấm dứt hoạt động trước thời hạn và 6 dự án hết thời hạn hoạt động trong khu công nghiệp; tổng vốn đầu tư giảm 70 triệu USD là 202 tỷ đồng, tăng 40% so với mức giảm năm 2019.
Theo các chủ đầu tư tại các khu công nghiệp do là thành phố đã quan tâm phát triển công nghiệp nhưng chưa thực sự sâu sát, việc thanh tra kiểm tra quá nhiều, chồng chéo giữa các đoàn nên gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc giải quyết các thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Ngoài ra, các chủ đầu tư còn nêu nhiều khó khăn đối với từng khu công nghiệp cụ thể như Phú Nghĩa, Hà Nội - Đài Tư, Sài Đồng B, Quang Minh, Thạch Thất - Quốc Oai, Nam Hà Nội,...
Để xảy ra những tình trạng nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, việc quản lý vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Vì vậy, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cần phải rà soát và tổ chức lại bộ máy kết hợp chặt chẽ với tập trung, đoàn kết, phân công phân nhiệm rõ ràng, hợp lý để thực hiện nhiệm vụ tốt nhất và phát huy cao vai trò đặc thù.
Đặc biệt, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khoá XVII để xây dựng chỉ tiêu, mục tiêu cho phù hợp trong giai đoạn từ nay đến năm 2025; trong đó, tập trung việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp. Trên cơ sở đó, tiếp tục vận động các doanh nghiệp đầu tư đối với những dự án đã được thành phố phê duyệt.
Đối với các khó khăn vướng mắc của các khu công nghiệp, chủ đầu tư, các doanh nghiệp, trước mắt Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cần tổng hợp lại từ đó đề xuất với thành phố để tháo gỡ, giải quyết trên tinh thần nêu cao tinh thần chủ động trong quản lý.
(Nguồn: TTXVN)