Được tổ chức 2 năm một lần, sự kiện ADEX 2023 năm nay quy tụ khoảng 550 công ty đến từ 35 quốc gia trên thế giới - con số lớn nhất kể từ khi sự kiện này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996.
Triển lãm năm nay cũng sẽ có sự góp mặt của phái đoàn nước ngoài lớn nhất trong lịch sử, khi có hơn 450 quan chức quân sự và quốc phòng từ 54 quốc gia tới tham dự. Sự kiện diễn ra từ ngày 17 - 22/10, dự kiến sẽ thu hút khoảng 30.000 lượt khách tham quan.
Seoul ADEX 2023 diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đặt mục tiêu chiếm 5% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu vào năm 2027 để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới.
Nhiều giám đốc điều hành công ty, quan chức cấp cao của chính phủ và quân đội đã lần lượt đổ về sân bay ngoại ô Seongnam của Seoul để xem các công nghệ và vũ khí mới nhất trong triển lãm.
Một trong những điểm nhấn của Seoul ADEX 2023 là sự ra mắt của dòng máy bay tiêm kích KF-21 Boramae do Hàn Quốc sản xuất. Dự án KF-21 trị giá hơn 6,6 tỷ USD nhằm đưa Hàn Quốc trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới tự phát triển thành công các máy bay tiêm kích siêu thanh.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cam kết sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc phòng, nhấn mạnh rằng lĩnh vực này là một kỳ tích mới trong lịch sử phát triển Hàn Quốc. Ông Yoon đã giới thiệu các máy bay phản lực, trực thăng, xe tăng và pháo của Korea Aerospace Industries (KAI), Hanwha Aerospace.
Hàn Quốc từ lâu đã phải đối mặt với mối đe dọa và khiêu vũ từ Triều Tiên, trong nhiều năm đã phát triển ngành công nghiệp vũ khí đẳng cấp thế giới.
Năm ngoái, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố, Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành nước xuất khẩu quốc phòng lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2027. Để đảm bảo ít nhất 5% thị phần trên thị trường vũ khí toàn cầu, Seoul đã cam kết đầu tư 1 nghìn tỷ won (740 triệu USD) cho nghiên cứu và phát triển đến năm 2027.
Trong những năm gần đây, nước này nổi lên như một nhà cung cấp vũ khí lớn, bán nhiều loại vũ khí cho các nước ở Châu Âu, Trung Đông, Đông Nam Á và Australia.
Khaled Biyari, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Saudi, là một trong những người tham gia trình bày quan tâm đến vũ khí của Hàn Quốc. Ông đã đến thăm các gian hàng của Hanwha Aerospace và Hyundai Rotem để nói chuyện với các giám đốc điều hành của họ.
Các công ty Hàn Quốc có kế hoạch trưng bày các hệ thống và công nghệ vũ khí mới nhất của họ để thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng, với hy vọng tạo động lực từ các thỏa thuận vũ khí quy mô lớn với Ba Lan.
Hanwha năm nay đã ký hợp đồng sản xuất với Ba Lan để xuất khẩu hơn 200 bệ phóng tên lửa đa nòng sang quốc gia châu Âu này, quốc gia tiền tuyến trong cuộc chiến ở nước láng giềng Ukraina.
Theo chương trình, tiêm kích KF-21 Hàn Quốc thực hiện chuyến bay trình diễn trong buổi ra mắt lần đầu trước công chúng, cùng với sự tham gia của các máy bay quân sự Mỹ, bao gồm tiêm kích tàng hình F-22, tiêm kích F-16, máy bay huấn luyện T-50 và máy bay do thám U2.
Ngoài ra, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler hoạt động trên tàu sân bay của Mỹ sẽ lần đầu tiên được trưng bày trước công chúng Hàn Quốc.
Theo chương trình, 4 ngày đầu tiên sẽ tổ chức các hội thảo và diễn đàn dành cho những quan chức ngành công nghiệp quốc phòng, trước khi triển lãm quốc phòng mở cửa cho công chúng trong 2 ngày cuối.
(Nguồn: Reuters)