Đi ở thuê trong chính căn nhà của mình
Làm khách trọ trong chính căn nhà vừa bán của mình - đó là câu chuyện của vợ chồng Chen Jing.
Năm 2016, cặp đôi mua căn hộ 1 phòng ngủ, rộng khoảng 40m2 ở Bắc Kinh (Trung Quốc) giá 2,7 triệu NDT (khoảng 9,3 tỷ đồng). Họ chọn vay ngân hàng 1,52 triệu NDT (~5,2 tỷ đồng), còn lại vay người thân và bạn bè. Bên cạnh đó, mỗi tháng còn phải đóng 7.300 NDT (khoảng 25 triệu đồng) tiền lãi.
Quá áp lực vì gánh nặng tài chính, họ quyết định bán căn hộ vào tháng 2/2023. Đến tháng 5, cặp đôi đã khảo sát thị trường nhà thuê suốt 2-3 tuần nhưng không tìm được căn nhà phù hợp. Nhận thấy hạn bàn giao nhà đang đến gần, họ không còn cách nào khác là phải thương lượng với chủ mới để tiếp tục được sống trong căn hộ vừa bán đi. Ý tưởng thuê lại nhà cũ được đề xuất bởi Chen Jing. Ban đầu, cô thấy chúng có chút điên rồ nhưng chồng cô - anh Lin Wenbin lại ủng hộ vợ tuyệt đối.
Lin Wenbin đã thay mặt vợ đi ký hợp đồng thuê nhà. Chỉ trong 4 tháng, ngay chính trong căn hộ đang ở, địa vị của vợ chồng Chen Jing đã thay đổi từ chủ nhà xuống người đi thuê.
Từ đó đến nay, vợ chồng Chen Jing chỉ phải trả 5.000 NDT (khoảng 17,2 triệu đồng) mỗi tháng tiền thuê nhà nhưng vẫn được sống bình yên trong căn hộ mình tự trang trí. Họ không còn nỗi lo lắng giá nhà đất lên hay xuống, hay gồng gánh áp lực trả lãi hàng tháng.
Nhiều vợ chồng Trung Quốc chọn bán nhà vì không gánh nổi áp lực vay nợ (Ảnh minh hoạ) |
Tất nhiên, một số thay đổi trong cuộc sống của họ cũng diễn ra. Đạt được lợi ích tài chính, đồng nghĩa họ mất quyền kiểm soát trong chính căn hộ của mình. Năm 2023, vào mùa đông rất lạnh ở Bắc Kinh, Lin Wenbin đã gợi ý lắp một chiếc sưởi ở nhà. Tuy nhiên, vợ anh - cô Chen Jing lại nói đùa với chồng: “Bây giờ căn hộ không phải nhà của anh. Tiêu tiền cũng vô ích".
Bất động sản nhưng tiền thì không được phép “bất động”
Thị trường bất động sản Trung Quốc đang hạ nhiệt, kể cả ở những thành phố lớn như Bắc Kinh. Hiện tại, nhiều gia chủ đang quyết định bán căn hộ, chuyển sang thuê vì sức ép tài chính nhẹ hơn nhiều. Đây là chiến lược quản lý tài chính của nhiều hộ gia đình.
Trước đây, người ta quan niệm mua nhà là mua cảm giác an toàn. Khi bất động sản từng là ngành trụ cột thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, mua nhà còn làm gia tăng độ giàu có của người sở hữu. Thế nhưng, trong những năm gần đây, với sự xuất hiện của một xã hội già hoá và tỷ lệ sinh giảm, mối quan hệ cung cầu trên thị trường bất động sản đã dần thay đổi.
Khi việc sở hữu bất động sản không còn là “con đường tắt" để gia tăng tài sản thì cảm giác an toàn mà những căn hộ mang lại cũng dần biến mất. Nhiều người quyết định “rút tiền mặt" từ việc sở hữu một căn hộ, sau đó dùng chúng để phân bổ vào các khoản đầu tư có giá trị hơn.
Thế nhưng, giữa thị trường bất động sản ngày càng ảm đạm, “thuê nhà thì dễ nhưng bán nhà lại khó" trở thành vấn đề của nhiều gia đình.
Khi thị trường bất động sản đi xuống, việc sở hữu 1 căn hộ không còn mang lại cảm giác an toàn về tài chính (Ảnh minh hoạ) |
Vợ chồng Chen Jing chỉ là một trong số đó. Lúc mới đưa ra quyết định bán nhà, cặp đôi từng có nhiều quan điểm khác nhau.
Năm 2021, khi chưa bán nhà, chồng cô - anh Lin Wenbin đã nhiều lần lo ngại về tính thanh khoản của bất động sản. Bởi họ mua một căn hộ cũ, kết cấu nhà xây từ 1980 đã xuống cấp, trong khi dự án chung cư mới liên tiếp mọc lên và tâm lý người mua chắc chắn muốn tìm nhà mới. Cũng vì thế, anh chủ trương muốn bán căn hộ này càng sớm càng tốt và đổi lấy tiền mặt. Như thế, nếu cả hai quay trở lại những ngày đi thuê nhà, họ vừa tránh được sự xuống giá của bất động sản mà còn có tiền mặt để phân bổ vào các tài sản khác có giá trị, tiềm năng hơn.
Trong khi đó, cô Chen Jing còn chần chừ chưa quyết định bán căn hộ. Bởi cô cho rằng tổ ấm này chứa đựng nhiều công sức và kỷ niệm của cặp đôi.
Sau cùng, họ vẫn chọn bán đi căn hộ và đây là quyết định đúng đắn. “Bây giờ nhìn lại, tôi thầm tự hào vì tầm nhìn xa của mình. Bởi từ giữa năm 2023, lượng giao dịch nhà ở Bắc Kinh bắt đầu giảm. Giá trung bình của nhà ở cũ trong những tháng cuối năm ngoái cho thấy chúng đang dần mất giá", Lin Wenbin nói.
Cùng hoàn cảnh với vợ chồng Chen Jing, cô Yan Yan từng mua căn hộ rộng 60m2 vào năm 2019. Cô từng lớn lên với suy nghĩ “phải có nhà của riêng mình" ăn sâu vào lòng từ khi còn học tiểu học. Căn hộ từng là niềm tự hào của Yan Yan, khi chúng được trang trí đẹp mắt, phòng ngủ ở hướng Nam và lắp kính trong suốt từ trần đến sàn nhà. Thế nhưng trong bối cảnh bất động sản xuống giá, cô quyết định đăng bán chúng.
Căn hộ của Yan Yan |
Trong tháng đầu tiên bán nhà, không ai hỏi mua trong khi đại lý bất động sản ép Yan Yan hạ giá. Người môi giới nói với cô: “Nếu thực muốn bán nhà, cô chỉ có thể thu hút người mua thông qua căn hộ giá thấp". Tuy nhiên, xét thấy giá niêm yết của mình đã thấp hơn 30.000 - 40.000 NDT (khoảng 103 - 147 triệu đồng) so với các khu vực lân cận, Yan Yan đã từ chối đề nghị này. Giữa tháng 12/2023, Yan Yan cuối cùng đã bán nhà với giá 3,6 triệu NDT, tức lỗ khoảng 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng).
“Nhưng có thể bán được ở mức giá này là may mắn rồi", Yan Yan tâm sự. Bởi với cô, việc chuyển nhà thành tiền mặt sẽ giảm thiểu rủi ro và đây là cách bảo vệ tài sản hợp lý nhất lúc này. Sau khi bán nhà, cô không dám mạo hiểm đầu tư quỹ hay cổ phiếu mà gửi ngân hàng lấy lãi, sống đời ổn định.
Quay trở lại với vợ chồng Lin Wenbin. Hoàn thành bán nhà, họ đã đi lấy sao kê từ ngân hàng. Cặp đôi nhận ra trong 6 năm, cặp đôi phải trả gần 500.000 NDT (khoảng 1,7 tỷ đồng), nhưng thực tế mới chỉ được 180.000 NDT tiền gốc (khoảng 620 triệu đồng) và 320.000 NDT tiền lãi (khoảng 1,1 tỷ đồng). Họ biết đi vay ngân hàng có thể mang áp lực tài chính, nhưng không ngờ số tiền phải trả lớn đến vậy.
“Nếu chúng tôi không bán nhà, sau này còn phải gồng bao nhiêu tiền lãi ngân hàng nữa?", Lin Wenbin chua chát tự hỏi, không dám nghĩ lại những công sức mình bỏ ra làm việc chỉ để trả nợ mua nhà.
Sau khi hoàn thành hết khoản nợ với ngân hàng, họ còn dư tiền để đầu tư và làm những điều mình muốn. Những năm trước, Lin Wenbin vẫn có tâm lý gắn ngôi nhà với “thành công". Anh tin rằng diện tích của bất động sản tượng trưng cho thành công. “Bây giờ nhìn lại tôi cảm thấy tuổi trẻ của mình thật ngây thơ, thiển cận”, Lin Wenbin nói.
So với những thứ vô giá trị này, giờ đây cặp đôi thấy rằng những cảm xúc chân thật về cuộc sống hiện tại quan trọng hơn. Khi bán được nhà, họ đã đặt ngay vé tham quan và có chỗ nghỉ tại Công viên Hải Dương học Chimelong ở Chu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc cuối năm 2023.
Dubai chứng kiến lượng giao dịch bất động sản xa xỉ kỷ lục trong năm 2023
Theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, thị trường nhà sang trọng của Dubai đạt mức kỷ lục vào năm 2023, với doanh số bán những ngôi nhà trị giá hơn 10 triệu USD tăng gần gấp đôi lên 7,6 tỷ USD và vượt xa các đối thủ toàn cầu là London và New York.