Hiểm họa khi sưởi ấm bằng than, củi trong mùa đông

Mùa đông ở các tỉnh phía Bắc, trong những ngày rét đậm rét hại, nhiều gia đình thường đốt than, củi để sưởi ấm nhưng đây là cũng nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ, ngạt khí đã từng xảy ra thời gian qua.

Thói quen nguy hại

Từ lâu, việc đốt than củi, than hoa hay than tổ ong để sưởi ấm đã trở thành một thói quen phổ biến ở vùng nông thôn. Nhiều gia đình có phụ nữ sau sinh, người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ thường đốt than trong phòng ngủ, phòng tắm để sưởi ấm vào mùa lạnh. 

Theo nhiều người, ngoài việc làm ấm cơ thể, sưởi bằng than còn giúp tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, đây là thói quen nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.

Ngộ độc khí than hay còn gọi là khí CO (carbon monoxide) thường xảy ra vào mùa đông. Nguyên nhân là do người dân đốt than để sưởi ấm trong không gian chật hẹp, kín gió. Bởi, than khi cháy trong điều kiện thiếu oxy sẽ sinh ra loại khí cực độc là CO. Chính vì thế, than đốt trong phòng kín, thiếu oxy, càng làm tăng khả năng gây ngộ độc khí CO cho người sưởi. Người ngộ độc thường hôn mê, bất tỉnh, để lại di chứng về trí tuệ, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

Sử dụng than củi, than tổ ong để đốt nhằm sưởi ấm là thói quen xuất phát từ nhận thức, điều kiện kinh tế của nhiều người ở các vùng nông thôn, miền núi.

Hiểm họa khi sưởi ấm bằng than, củi trong mùa đông- Ảnh 1.

Đốt than củi, than tổ ong sưởi ấm là thói quen của nhiều người trong mùa đông. Ảnh minh hoạ

Nguy hiểm rình rập

Thực tế cho thấy, khoảng 1 tháng qua, nhiều người đã phải nhập viện do ngộ độc khí than. Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), từ khi miền Bắc bước vào đợt rét đỉnh điểm, Trung tâm Chống độc thường xuyên tiếp nhận trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí CO.

Ngộ độc khí CO là tác nhân gây nên các bệnh lý liên quan đến hô hấp, tim mạch; làm tổn thương đến các tế bào vận động mạnh như não, tim, phổi, một trong những nguyên nhân gây tử vong cao ở người.

TS, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Thời tiết mùa đông, người dân tuyệt đối không được đốt các nhiên liệu than, củi trong phòng kín, không gian chật hẹp để sưởi ấm. Đối với trường hợp cấp thiết, bắt buộc phải đốt than, củi để sưởi, cần phải đảm bảo môi trường thông thoáng để tạo điều kiện lưu thông không khí. Khi phát hiện người có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, khó thở… thì cần mở tất cả các cửa phòng để cung cấp oxy và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất".

Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, người dân không nên đốt than, củi để sưởi ấm. Việc sử dụng các thiết bị điện để sưởi ấm như đèn sưởi, quạt sưởi, máy sưởi, chăn điện… cũng đã ghi nhận một số trường hợp tai nạn cháy nổ xảy ra.

"Khi sử dụng các thiết bị để sưởi ấm, người dân cần phải thận trọng, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng", đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết.

Hiểm họa khi sưởi ấm bằng than, củi trong mùa đông- Ảnh 2.

Khi xảy ra sự cố cháy, nổ người dân gọi đến số 114 để báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC

Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, người dân nên lựa chọn các thiết bị sưởi ấm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bán tại các địa chỉ uy tín.

Các thiết bị sưởi ấm cần được đặt cách xa các vật dụng dễ cháy như thảm, rèm, giấy tờ, quần áo…và giữ khoảng cách an toàn đối với trẻ em. Đặc biệt, cần tắt các thiết bị sưởi khi không sử dụng.

Đồng thời cần phải bảo dưỡng, kiểm tra các thiết bị dưỡng thường xuyên theo hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra, việc duy trì chế độ nghỉ ngơi cho các thiết bị sưởi là rất cần thiết, tránh tình trạng quá tải có thể xảy ra gây cháy nổ.

Vị đại diện Cục Cảnh sát PCCC cũng khuyến cáo, khi thời tiết chuyển lạnh trong những tháng tới, nhu cầu sử dụng các thiết bị sưởi sẽ gia tăng.

Vì vậy, việc trang bị những kiến thức cần thiết cho bản thân và gia đình về công tác phòng chống cháy nổ, sử dụng các thiết bị sưởi an toàn là điều cần thiết với mỗi thành viên trong gia đình.

(Tổng hợp)

TÚC