Chuột là linh vật đại diện cho người tuổi Tý, đứng đầu trong mười hai con giáp. Từ xưa, chuột là đề tài khá quen thuộc trong sáng tác của các làng tranh dân gian, đặc biệt là Đông Hồ và Hàng Trống.
Có thể kể đến bức tranh nổi tiếng của Đông Hồ và Hàng Trống cùng có tên là “Đám cưới chuột”.
Là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của dòng tranh dân gian Đông Hồ với lịch sử khoảng 500 năm tuổi, “Đám cưới chuột” chứa đựng nội dung vừa hài hước, vừa châm biếm sâu xa. Một đám cưới tưng bừng, rộn rã với hàng trên gồm mèo, đoàn đưa lễ vật, nhạc công; đoàn rước gồm cô dâu, chú rể, đoàn khiêng kiệu và cầm cờ ở hàng dưới. Người nghệ nhân dân gian đã thổi hồn và bức tranh, chuột được nhân hóa để nó mang dáng dấp con người. Chuột cũng lấy vợ, cũng rước dâu, cũng tưng bừng kiệu hoa, nhạc lễ.
Nhiều người cho rằng, bức tranh này mang ý nghĩa châm biếm về xã hội phong kiến nhưng theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - nghệ nhân vực lại làng tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột” thực chất là gửi gắm mong muốn một cuộc sống no đủ của nhân dân. Con mèo được chuột cống chim, cá, nó sẽ căng bụng. Phía dưới là đám cưới rộn ràng cho thấy hạnh phúc đơm hoa kết trái, bắt đầu cho sự sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống.
"Đám cưới chuột" - Tranh dân gian Đông Hồ. |
“Đám cưới chuột” thuộc dòng tranh Hàng Trống Tranh với hình tượng đám rước gồm có mèo, đàn chuột mang đồ cống với cá, gà, các nhạc công chuột, chuột cầm đèn cùng tân lang, tân nương chuột và nhóm khiêng kiệu, nhóm cầm cờ ngũ sắc.
Bức tranh này của Hàng Trống có bố cục tương đối giống với “Đám cưới chuột” của dòng trang Đông Hồ, chỉ khác ở chỗ có thêm đàn chuột cầm cờ ngũ sắc.
"Đám cưới chuột - Tranh dân gian Hàng Trống". |
Tranh hài hước “Chuột Tàu rước rồng vàng” - bức tranh thuộc dòng tranh dân gian Đông Hồ. Bức tranh với cảnh rước và múa rồng của cộng đồng người Hoa ở Hà Nội tổ chức vui chơi trong những ngày lễ hội. Họ được nhân cách hoá thành đàn chuột. Đây là cảnh múa rồng vào ngày tết. Đám rước bao gồm cờ, phướn, đèn cá chép (biểu tượng cát tường), trái cây, đội nhạc (kèn, trống, thanh la), pháo. Hai con chuột múa rồng ở đằng đầu và đuôi rồng. Điểm hài hước chính nằm ở những cái đuôi rất dài của đàn chuột ám chỉ đuôi sam dài mà người Tàu thời nhà Thanh phải mang (Theo Maurice Durand - Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu).
Tranh tiếu lâm "Chuột Tàu rước rồng vàng" |
Tranh “Miu thu lễ” với hình ảnh trạng nguyên chuột cưỡi ngựa đi trước, phía sau là kiệu khiêng phu nhân chuột đi theo. Cảnh này ưng với truyền khẩu dân gian về người đỗ đạt vinh quy bái tổ nhưng lại mang ý châm biếm trạng nguyên thời xưa. Trạng nguyên chuột dẫu phô trương thanh thế, danh vị cao quý được nhận nhưng vẫn phải quy phục trước thế lực mèo. Do đó phải cống lễ cho mèo để bảo toàn được tính mạng. Đây là tranh tiếu lâm minh họa tục cống quan thời xưa Theo Maurice Durand - Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu).
Tranh "Mèo thủ lễ". |
Heo đất hình chuột thu hút người tiêu dùng
Trong dịp Tết Canh Tý 2020 các cơ sở kinh doanh liên tục cho ra những mặt hàng heo đất hình chuột độc đáo.