Kỳ vọng vào quyết tâm gỡ khó chính sách, hoạt động triển khai dự án mới đang chờ được “tháo nghẽn”. Sẽ “tháo chốt” cho ít nhất 208 dự án bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội mắc kẹt suốt nhiều năm qua, tạo cú huých quan trọng về nguồn cung.
Trên thực tế, dòng tiền đầu tư thông minh luôn “đi trước một bước” khi thị trường xuất hiện những tín hiệu mới và đó là lý do dòng tiền đã đổ mạnh hơn vào thị trường bất động sản trong 2 tháng cuối năm 2021, khi sự lạc quan về năm 2022 ngày một lớn.
Thực tế, không phải ngẫu nhiên thị trường bất động sản TP.HCM dẫn đầu cả nước cả quy mô lẫn giá trị, bởi chỉ tính riêng khu vực phía Đông Thành phố đã có một loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như Xa lộ Hà Nội, Metro số 1, Mai Chí Thọ…, kéo theo nhiều nhà phát triển bất động sản lớn ở cả trong nước và nước ngoài như Him Lam Land, Novaland, Điền Phúc Thành, Keppel Land… về đây phát triển dự án.
Với việc xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều điều luật, nhiều thành viên thị trường cho biết, đây là điều được chờ đợi nhất lúc này, bởi theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOReA), thị trường hiện còn tồn tại nhiều vướng mắc, đặc biệt là sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Trong đó, sự chưa khớp nối giữa quy định của Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản khiến cho nhiều dự án lâm vào bế tắc, dẫn đến nguồn cung giảm mạnh.
Theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, các dự án nhà ở thương mại mà người dân (bao gồm nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp) đang có quyền sử dụng đất (đất nông nghiệp) phải thực hiện theo thủ tục đấu thầu. Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký đáp ứng yêu cầu thì nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại (Điều 18, Nghị định 99/2015/NĐ-CP). Trường hợp có từ 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu thầu thì căn cứ vào tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá về tài chính - thương mại để lựa chọn.
Như vậy, ý kiến đưa ra với lý do nhiều dự án nhà ở thương mại bị vướng mắc không chấp nhận trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất (đất nông nghiệp) không được công nhận làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nên ngân sách Nhà nước chưa thu được và giảm nguồn thu ngân sách trong các kỳ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng là không hợp lý. Nếu các trường hợp này vẫn được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thì ngân sách Nhà nước sẽ có nguy cơ thất thu hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng khi rất nhiều dự án trên cả nước không được đưa ra đấu thầu.
Trong ngắn hạn, nhiều nhà đầu tư có quyền sử dụng “đất nông nghiệp” không đủ điều kiện (đất ở) để thực hiện thủ tục dự án sẽ làm hạn chế nguồn cung. Bởi vậy, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tạo môi trường lành mạnh, khi việc tiếp cận nguồn đất đai trở nên công bằng, minh bạch hơn, hạn chế tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp chờ làm dự án nhà ở thương mại. Khi đó, nguồn cung nhà ở sẽ tăng lên, đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người dân, đồng thời góp phần làm giảm giá nhà đất.
Thống kê của HOReA cho thấy, trong số 208 dự án mắc kẹt nêu trên, TP.HCM có khoảng 126 dự án nhà ở thương mại. Giả định, mỗi dự án nhà ở thương mại này có vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, thì tổng mức đầu tư của 126 dự án sẽ là 126.000 tỷ đồng, nên việc không được công nhận chủ đầu tư các dự án này dẫn đến Nhà nước bị thất thu 12.600 tỷ đồng thuế VAT; nếu lợi nhuận các dự án đạt 20% tương đương 25.200 tỷ đồng thì Nhà nước còn bị thất thu thêm 5.040 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa kể nhiều loại thuế khác. “Chính vì lẽ đó, việc tạo ra những chính sách cởi mở, thông thoáng cho môi trường kinh doanh rất được doanh nghiệp hoan nghênh”, ông Châu nhấn mạnh.
Dịch Covid-19 tuy kéo giảm đà tăng trưởng của thị trường, nhưng cũng giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản trở nên vững vàng hơn trước những biến cố. Có thể thấy rõ điều này khi thị trường không xảy ra tình trạng bán tháo, hoạt động bán cắt lỗ chủ yếu đến từ những nhà đầu tư vốn mỏng, không chịu được áp lực lãi vay ngân hàng. Trong khi đó, nhà đầu tư vốn lớn vẫn duy trì xu hướng mua nhiều hơn bán, tăng cường thu gom nhà đất “chờ thời” với quan điểm bất động sản là cuộc chơi dài hạn.
Tâm điểm của thị trường tuần vừa qua là kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV với 4 vấn đề sẽ tác động mạnh tới thị trường bất động sản ở cả góc độ trực tiếp lẫn gián tiếp.
Ngoài Nghị quyết về chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế với gói hỗ trợ lên tới khoảng 340.000 tỷ đồng có thể tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế cũng như thúc đẩy dòng tiền gián tiếp đổ vào thị trường bất động sản, thì các vấn đề còn lại đều tác động trực tiếp tới sự vận hành của thị trường. Cụ thể là trong khi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam vừa kích thích tổng cầu, vừa phát triển thị trường bất động sản nơi cao tốc đi qua, thì việc sửa đổi Điểm c, Khoản 1, Điều 75 - Luật Đầu tư về công nhận chủ đầu tư dự án… sẽ “tháo chốt” cho ít nhất 208 dự án bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội mắc kẹt suốt nhiều năm qua, tạo cú huých quan trọng về nguồn cung.
Tổng Hợp