Hôm nay Thủ tướng chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp cả nước

Sáng nay (9/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp. Đây là hội nghị lần thứ 4 Thủ tướng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.

Theo báo Chính Phủ, Hội nghị diễn ra vào lúc 8h sáng nay (9/5) theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành và được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Đây là hội nghị có quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, và được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Dự kiến khoảng 6.000 người tham dự Hội nghị tại các điểm cầu, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.

Hôm nay Thủ tướng chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp cả nước


Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền đi thông điệp Chính phủ và các cấp chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, tái cấu trúc doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển và phục hồi nền kinh tế.  

Tại Hội nghị, có 4 vấn đề chính được trình bày là, báo cáo về tác động của dịch COVID-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nội dung này do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày.

Báo cáo thứ hai do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian qua.

Ba là nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Bốn là các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương