Hơn 2.000 ca nhiễm một ngày, Hà Nội đã làm gì để giảm ca bệnh nặng?

Hà Nội chuyển từ truy vết sang tăng cường theo dõi và điều trị tại nhà, giảm ca nặng, tử vong.

Từ 31/12/2021 đến 6/1, Hà Nội ghi nhận 15.610 ca dương tính,  trung bình mỗi ngày thêm 2.230 ca nhiễm mới, gần gấp bốn lần so với thời điểm vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021.

Trong tuần vừa qua, Thủ đô cũng ghi nhận 61 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 224, tương ứng với tỷ lệ tử vong khoảng 0,26-0,3%, số nặng khoảng 1-1,5%.

Mặc dù số ca nhiễm mới tăng cao, nhưng theo đại diện của Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn đang được kiểm soát.

 Tại cuộc họp ban chỉ đạo Covid-19 Hà Nội ngày 7/1, ông Vũ Cao Cương (Phó Giám đốc Sở Y tế) cho biết Hà Nội đang điều trị 38.038 F0, chia vào 3 tầng: Tầng một có 35.655 người, gồm các F0 nhẹ, không triệu chứng, được quản lý tại nhà hoặc điều trị tại các cơ sở thu dung; Tầng hai có 1.655 người; Tầng ba là 390 người.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết các chiến lược, giải pháp chống dịch của thành phố không thay đổi so với hồi tháng 12/2021.

Thành phố vẫn tiếp tục là tăng cường tiêm vaccine; cung cấp thuốc kịp thời và quản lý chặt F0 tại nhà, hạn chế tối đa chuyển tầng. Nguyên nhân là Hà Nội đã tiêm phủ vaccine Covid-19, tiếp tục chủng để bảo vệ nhóm nguy cơ, do đó chỉ có 8-10% F0 nặng, khoảng 90% còn lại nhẹ hoặc có nguy cơ thấp.

Khi đa số F0 nhẹ điều trị tại nhà, bệnh viện được giảm quá tải, dành nguồn lực chăm sóc cho F0 nặng và trung bình.

Bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đón F0 tại nhà, có dấu hiệu chuyển nặng đi bệnh viện, ngày 25/12. Ảnh: Vnexpress
Bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đón F0 tại nhà, có dấu hiệu chuyển nặng đi bệnh viện, ngày 25/12. Ảnh: Vnexpress

Sở Y tế đã yêu cầu phân luồng, điều trị F0 ngay tại địa phương.

Bà Hà lấy ví dụ địa bàn Hoài Đức, F0 nhẹ, không triệu chứng được điều trị tại nhà, người trung bình và nặng sẽ điều trị ngay tại Bệnh viện Hoài Đức theo phương án 4 tại chỗ. Trường hợp nặng, nguy kịch sẽ chuyển điều trị tại bệnh viện tuyến một của thành phố như viện Thanh Nhàn, Đức Giang.

Hà Nội cũng đã đề nghị các bệnh viện tuyến trung ương, bộ, ngành tham gia điều trị Covid-19, ví dụ Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện điều trị Covid-19 của Đại học Y Hà Nội. Trong đó các bệnh viện tầng ba hỗ trợ chuyên môn về chuyên môn cho bệnh viện tầng hai, bệnh viện tầng 2 hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở y tế ở tầng một, ví dụ chẩn đoán, điều trị.

Đối với những trường hợp F0 đang điều trị tại nhà được trạm y tế quản lý, tổ hỗ trợ F0, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tư vấn. Hà Nội thành lập các tổ, nhóm zalo, kết nối với người dân, admin nhóm có thể là trưởng trạm y tế, kết nối với cả nhà thuốc tư nhân lẫn phòng khám trong group để liên tục có hỗ trợ. Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ, tư vấn qua điện thoại, nếu F0 có 3-4 yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ báo y tế địa phương để chuyển cấp cứu. 

Trước đó vào ngày 5/1, thành phố khởi động trạm ATM oxy, có 1.000 bình oxy loại 8 lít, 200 bình oxy loại 40 lít và đồng hồ đo, máy oxy và bộ chia oxy. ATM oxy sẽ cung cấp cho quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai và các huyện Gia Lâm, Đông Anh để hỗ trợ F0 tại nhà.

Để giảm tỉ lệ tử vong, bà Hà cho rằng mấu chốt là phân tầng đúng người bệnh để chuyển tuyến điều trị kịp thời.

 Ngày 6/1 vừa qua, Sở y tế Hà Nội đã điều chỉnh cách phân tầng F0 lần thứ 6, chia ra quản lý theo mức độ nguy cơ của F0 thay vì dựa vào yếu tố nguy cơ tăng nặng như trước.

Cụ thể, Tầng ba là F0 có tình trạng cấp cứu, SpO2 (chỉ số nồng độ oxy trong máu) dưới 90%, điều trị tại các bệnh viện Trung ương và bệnh viện hạng một của Hà Nội như Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây; Tầng hai là F0 có bệnh nền chưa ổn định, phụ nữ mang thai hoặc vừa sinh con, trẻ dưới 3 tháng tuổi, có SpO2 từ 90-96%, sẽ điều trị tại các bệnh viện tuyến quận, huyện; Tầng một là F0 nhẹ, có nguy cơ thấp hoặc trung bình.

Mặc dù chiến lược chống Covid-19 của Hà Nội có sự chuyển hướng đúng lúc, đúng hướng nhưng theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội) Hà Nội cần làm tốt hơn một số công việc. Ví dụ, Sở Y tế dự định mở rộng năng lực hồi sức cấp cứu, điều trị ở tầng ba, song đây là phương án lâu dài.

Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng vọt kéo theo số nặng tăng hàng ngày, trước mắt thành phố cần làm việc, hợp tác với các bệnh viện tuyến trung ương để điều trị, tránh ách tắc ở tầng ba, đảm bảo kiểm soát tốt tỷ lệ tử vong.

Đối với F0 tại nhà, thành phố cần hỗ trợ tốt hơn để mọi người chủ động test nhanh, cách ly, điều trị tại nhà, theo tiến sĩ Hùng. Quan trọng là giúp người dân nhận biết các triệu chứng nặng, từ đó điều trị kịp thời.

Hà Nội đã có mạng lưới thầy thuốc đồng hành, tổng đài 1022, các tổ hỗ trợ điều trị Covid-19, ATM oxy, vẫn cần tiếp tục tăng cường tư vấn, lắng nghe, hướng dẫn để người dân không hoang mang, biết cách tự chăm sóc bản thân. Từ đó giảm bớt các công việc và số lượng nhân sự y tế phải đến tận nhà hỗ trợ, giảm quá tải ở tuyến y tế cơ sở.

Minh Khang (t/h)

Hà Nội sẽ đón Tết Nhâm Dần ra sao khi số lượng F0 tăng mạnh?

Hà Nội sẽ đón Tết Nhâm Dần ra sao khi số lượng F0 tăng mạnh?

Đa số bệnh nhân đã được tiêm vaccine, tỉ lệ bệnh nhân nặng ít hơn. Tuy nhiên, khi số lượng F0 nhiều thì bệnh nhân nặng nhiều theo.