F0 tăng nhanh, nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội khó tiếp cận y tế

F0 tăng nhanh, số lượng bệnh nhân đang điều trị nhiều, một số ca mắc mới chậm được tiếp cận y tế và thuốc.

Một tuần gần đây, số ca mắc Hà Nội vượt 2.000 ca mỗi ngày. F0 tăng nhanh, số lượng bệnh nhân đang điều trị nhiều, một số ca mắc mới chậm được tiếp cận y tế và thuốc. 

Trong những tuần qua, khi các ca F0 tăng nhanh mỗi ngày, Hà Nội ghi nhận hiện tượng quá tải ở một số trạm y tế cơ sở và bệnh viện thuộc tầng 2, 3. Có phường vài chục nghìn dân nhưng chỉ có 5-10 nhân viên y tế, lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc, nên một số F0 phải chờ vài ngày mới có kết quả xét nghiệm và quyết định đi cách ly, điều trị.

F0 tăng nhanh, nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội khó tiếp cận y tế

Ngày 4/1, Sở Y tế ra hướng dẫn mới về quy trình quản lý F0 điều trị tại nhà. Trong đó, quy trình nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị như trung tâm y tế, trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ hỗ trợ theo dõi F0, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành. 28 nhóm y bác sĩ phụ trách bệnh nhân Covid-19 ở 30 quận, huyện, thị xã, mỗi ngày thực hiện khoảng 4.000 cuộc gọi chăm sóc F0.

Khi F0 gọi đến tổng đài 1022, người trực lưu số liên hệ và thông tin cơ bản. Sau đó, bác sĩ Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành gọi lại, sàng lọc, hỏi họ tên, năm sinh, địa chỉ, tình trạng sức khỏe, bệnh lý nền... để đánh giá nguy cơ. Nếu F0 có 3-4 yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ báo y tế địa phương để hỗ trợ, chuyển cấp cứu kịp thời.

Tính đến 6/1, Sở Y tế cho biết đã chuẩn bị 18.875 túi thuốc C, cấp phát 12.000 túi tới các quận, huyện các F0 đang điều trị tại nhà.

Tuy nhiên hiện chỉ có 10.000 bệnh nhân đủ điều kiện cấp phát túi thuốc C, do đó số lượng túi thuốc còn lại sẽ chuyển cho các F0 trong thời gian tới. Với gói thuốc A, Sở Y tế đã cấp phát 11.700 gói tới các quận, huyện, số thuốc này do các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ. 

Hà Nội đã triển khai 3 gói thuốc gồm: Gói A có thuốc hạ sốt paracetamol, thuốc bổ sung vitamin kèm hướng dẫn sử dụng. Gói này được phát ngay cho người bệnh khi đủ điều kiện điều trị tại nhà và do Trạm Y tế cấp phát. Gói B có thuốc chống viêm corticoid, thuốc chống đông, chỉ được sử dụng trong các tình huống đặc biệt và phải được bác sĩ đánh giá và kê đơn cho bệnh nhân, sử dụng liều duy nhất nếu người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng.

Gói C gồm các thuốc kháng virus như molnupiravir, favipiravir. Đây là các thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành mà phân bổ, sử dụng có kiểm soát. 

Để được sử dụng, người nhiễm Covid-19 phải được khám sàng lọc, đánh giá và có cam kết đồng ý tham gia chương trình, khi sử dụng thuốc kháng virus phải tuân thủ và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.

Đến ngày 5/1, Hà Nội đang điều trị hơn 35.500 bệnh nhân, trong đó hơn 25.700 F0 điều trị tại nhà. Thủ đô hiện đã kích hoạt 8.000 giường bệnh dành cho những người có dấu hiệu từ trung bình trở lên và đưa vào tất cả các tuyến điều trị. Các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện chuyên gia, đa khoa đều tham gia điều trị Covid-19.

Thanh Mai