Kẹt hàng, thiếu vốn, mất thanh khoản, thậm chí có nguy cơ “chết trên đống tài sản” của chính mình

Vốn, tài chính vẫn là bài toán thách thức với các doanh nghiệp sau 2 năm chống chọi với Covid-19. Tới nay, câu chuyện này tiếp tục là bài toán chưa có lời giải đáp dành cho nhiều doanh nghiệp. Kẹt hàng, thiếu vốn, mất thanh khoản, thậm chí có nguy cơ “chết trên đống tài sản” của chính mình.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản có một số dấu hiệu đáng lo ngại, đó là tình trạng lệch pha cung cầu, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân, người lao động. Nguồn nhà ở liên tục giảm từ năm 2018 đến nay. Năm 2020 chỉ bằng 39,2%, năm 2021 chỉ bằng 33,6% so với năm 2017. Đối với TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2022, tất cả các lĩnh vực đều tăng trưởng, chỉ riêng lĩnh vực bất động sản là tăng trưởng âm, giảm 5,62% so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động chuyển nhượng ách tắc, thị trường bất động sản hiện nay có dấu hiệu phát triển chậm lại, trầm lắng, doanh nghiệp có dấu hiệu hụt hơi, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu. Riêng quý I/2022 và tháng 7/2022, doanh nghiệp bất động sản không phát hành được trái phiếu nào. Trong khi nguồn vốn rất quan trọng với những lĩnh vực đặc thù như bất động sản.

Trên thực tế, dù không khẳng định siết tín dụng nhưng phản ánh của các doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng thương mại đã tạm dừng cho vay, bao gồm cả người mua nhà dù hồ sơ vay vốn đầy đủ với lý do "kẹt" room. Từ đó dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, bởi đây là “bà đỡ” trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án để đến giai đoạn thu hút vốn khách hàng.

Các doanh nghiệp bất động sản đang kỳ vọng vào nguồn vốn thứ hai là trái phiếu, tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam những năm gần đây tăng mạnh, chiếm 39% GDP, trong khi các nước lân cận trên thế giới tới hơn 50%. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu gần đây cũng gần như chững lại hoàn toàn. Ông Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng bảo đảm tăng cường giám sát, không buông lỏng thị trường nhà đất, làm thế nào để tiếp cận được tín dụng một cách thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, ông Châu cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP một cách hợp lý để nắn lại hoạt động phát hành trái phiếu để thị trường minh bạch, an toàn.

Đại diện cho một trong những nhóm doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn nhất hiện nay bởi lạm phát giá nguyên vật liệu và nguồn vốn vào thị trường thắt chặt, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, sau các đợt dịch Covid-19 bùng phát, với tình hình bão giá vật liệu xây dựng tăng cao đến 18-40% suốt từ 2021 đến nay, cộng với những khó khăn về nguồn nhân lực do hậu quả của Covid-19 và công việc về xây dựng cũng trở nên hạn hẹp.

Bên cạnh đó, khó khăn do những vướng mắc về thủ tục pháp lý trong việc đầu tư nên tình hình chung các doanh nghiệp xây dựng từ nay đến cuối năm vẫn còn rất nhiều khó khăn.

“Phần lớn doanh nghiệp trong ngành xây dựng dự kiến chỉ đạt 80-90% kế hoạch đặt ra về doanh thu và sản lượng, nhưng điều đáng lo ngại là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn, chưa kể nợ đọng tràn lan", ông Hiệp chia sẻ.

Các doanh nghiệp xây dựng đại đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn hạn hẹp, khi thực hiện các hợp đồng xây dựng phần lớn chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị hợp đồng, nên khi triển khai thực hiện phải sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để mua vật tư, huy động xe máy, nhân công. Tới nay vốn tắc, nhiều doanh nghiệp đang ở mức vượt sức chịu đựng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, cảm nhận áp lực từ nhiều phía. Với lãi suất, doanh nghiệp muốn giảm, nhưng người gửi tiền trong bối cảnh lạm phát tăng cao cũng cần có mức lãi suất phù hợp. Về tín dụng, mong muốn tháo gỡ tín dụng cho thị trường bất động sản, nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn muốn tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đây là áp lực lớn đối với Ngân hàng Nhà nước và đặc biệt là với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Từ góc độ như vậy, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ làm sao để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

"Chúng ta đã trải qua giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, cuộc đua lãi suất, hệ thống tổ chức tín dụng đối mặt với khó khăn về thanh khoản chi trả cho người gửi tiền. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quên giai đoạn đó. Vì vậy, sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng, tạo lập sự ổn định vĩ mô để phục hồi nhanh và phát triển bền vững", bà Hồng cho biết.

Tổng Hợp