Khăn trùm đầu hijab đen đối đầu màu nghệ tây ở Ấn Độ

Sự tương phản giữa những trang phục Hồi giáo xanh lam - đen với màu nghệ đặc trưng Ấn Độ giáo cho thấy sự chia rẽ sâu sắc tại quốc gia này.

Video một nhóm nam giới tụ tập trên con phố đầy bụi ở bang Karnataka phía Nam Ấn Độ, mang những chiếc cờ cùng chiếc khăn quàng màu nghệ, đồng thanh chế giễu những phụ nữ Hồi giáo trong những chiếc khăn hijabs đang co cụm vào một góc bên đường, đang gây sốt trên mạng xã hội.

Trang phục đặc trưng của Hồi giáo là màu xanh lam- đen với khăn trùm đầu cho nữ giới, còn màu nghệ là màu gắn liền với Ấn Độ giáo. Sự tương phản giữa 2 màu  trang phục này trong các cuộc biểu tình  cho thấy sự chia rẽ tôn giáo sâu sắc tại quốc gia này, một phần do sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo.

Hồi tháng Giêng, một nhóm 6 sinh viên Hồi giáo đã tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa nhằm phản đối lệnh cấm dùng khăn chùm đầu hijabs trong trường công. Cuộc biểu tình là khởi đầu cho mâu thuẫn tôn giáo, thể hiện qua màu sắc trang phục. Vài tuần sau đó, những cuộc biểu tình của những người mặc trang phục màu nghệ bắt đầu bùng lên. 

Nữ sinh Hồi giáo rời khỏi trường ở Udupi, Karnataka (Ấn Độ) sau khi bị cấm vào trường ngày 16/2/2022 (Ảnh: CNN).
Nữ sinh Hồi giáo rời khỏi trường ở Udupi, Karnataka (Ấn Độ) sau khi bị cấm vào trường ngày 16/2/2022 (Ảnh: CNN).

Sắc nghệ tây - được xem như biểu tượng của thánh thần trong Ấn Độ giáo, được phong trào Hindutva áp dụng trong những năm gần đây - đang ngày càng bị chính trị hóa. Phong trào này tìm cách đồng nhất hóa văn hóa Ấn Độ xung quanh các giá trị của đạo Hindu.

Trong khi đó với những người Hồi giáo ở Ấn Độ, chiếc khăn trùm hijab vốn là biểu tượng của sự phản kháng chống lại làn sóng “Nỗi sợ Hồi giáo” đang lan rộng khắp đất nước, khi những phụ nữ mặc trang phục này biểu tình ở nhiều thị trấn và thành phố khác nhau để ủng hộ sinh viên. Thế nhưng giờ đây, nó lại trở thành tín hiệu khẳng định danh tính người Hồi giáo Ấn Độ. 

Hijab - Biểu tượng của sự phản kháng

Hijab, một loại khăn trùm đầu của người Hồi giáo, được hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới đội như một biểu tượng của sự khiêm nhường và kín đáo. Thế nhưng tại một vài quốc gia, trang phục này gây nên những tranh cãi khi các nhà phê bình coi đây là biểu tượng của áp bức hoặc cho rằng không phù hợp với các giá trị thế tục.

Năm 2004, chính phủ Pháp cấm những trang phục tôn giáo, gồm cả khăn hijab, tại các trường công lập. Bảy năm sau, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cấm tất cả các trang phục che mặt nơi công cộng, với các nhà hoạt động chính sách mô tả động thái này là vấn đề bản sắc và an ninh quốc gia.

Các quốc gia châu Âu khác cũng dần theo bước áp dụng những hạn chế tương tự, dù những loại mạng che mặt được phép, và nơi có thể đeo chúng là khác nhau.

Phụ nữ Hồi giáo trong cuộc biểu tình ở Mumbai ngày 13/2/2022 (Ảnh: CNN).
Phụ nữ Hồi giáo trong cuộc biểu tình ở Mumbai ngày 13/2/2022 (Ảnh: CNN).

Tại Ấn Độ, khăn trùm hijab không bị cấm hay hạn chế tại nơi công cộng, và quyền thực hành đức tin được đảm bảo theo quy định của quốc gia. Thế nhưng, như những nơi khác trên thế giới, phụ nữ Hồi giáo có thể phải đối mặt với những phản ứng dữ dội và phân biệt đối xử khi chọn trang phục này.

Theo nhà hoạt động và nhà thơ Ấn Độ Nabiya Khan, phụ nữ Hồi giáo “được tưởng tượng phục tùng trong một chiếc màn Hồi giáo” bởi họ không “hợp với câu chuyện nữ quyền của tầng lớp tự do”.

“Tôi đeo khăn hijab vì tôi muốn. Đối với tôi, nó mang ý nghĩa tôn giáo và tâm linh, đưa tôi đến gần hơn với vị thần của mình”.

Cuộc biểu tình hồi tháng Giêng bắt đầu khi một nhóm nhỏ sinh viên trùm khăn hijab bị cấm vào lớp hợp ở thành phố ven biển Udupi. Các nữ sinh đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài trường, yêu cầu được phép vào trong nhưng đã bị giáo viên từ chối.

Cuộc biểu tình này đã làm dấy lên sự phản đối của những người đạo Hindu cánh hữu với những chiếc khăn và cờ màu nghệ, hô vang khẩu hiệu Ấn Độ giáo ủng hộ Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền, yêu cầu nữ giới cởi bỏ khăn trùm đầu.

Các cuộc đụng độ giữa người Hồi giáo và người Ấn Độ giáo gia tăng qua bang Karnataka, với lệnh đóng cửa tất cả trường trung học và cao đẳng vào đầu tháng Hai. Các nhà chức trách tại thủ đô Bengaluru của bang cũng cấm các cuộc biểu tình bên ngoài trường học trong vòng 2 tuần.

Bộ trưởng giáo dục bang Karnataka B.C. Nagesh cho biết ông ủng hộ việc cấm khăn trùm đầu trong các cơ sở giáo dục, cho rằng “trường học không phải là nơi để thực hành giáo pháp (tôn giáo)”.

Thế nhưng một số nhà quan sát nhận định vấn đề khăn hijab sâu sắc hơn những quy định về trang phục, cho đây đây chỉ là diễn biến mới nhất trong cuộc đàn áp rộng hơn với dân Hồi giáo thiểu số từ khi BJP của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cầm quyền gần 8 năm trước.

Bang Karnataka đã thông qua đạo luật mà theo các nhà phân tích, là bắt nguồn từ hệ tư tưởng Hindutva. Năm ngoái, bang này đã cấm buôn bán và giết mổ bò, một động vật được coi là linh thiêng với người theo đạo Hindu. Đồng thời chính quyền bang cũng giới thiệu một dự luật chống cải đạo gây tranh cãi, khiến các cặp đôi giữa các tín đồ khó kết hôn cũng như gây khó khăn cho những người muốn chuyển sang đạo Hồi hay Cơ đốc giáo.

Ảnh: Getty Images/CNN.
Ảnh: Getty Images/CNN.

“Tôi bắt đầu trùm đầu ba năm trước để phản đối tội ác chống lại người Hồi giáo”, nhà hoạt động Hồi giáo 23 tuổi Afreen Fatima cho biết. Cô đã biểu tình tại quê nhà Allahabad, phía Bắc bang Uttar Pradesh. “Thế nhưng giờ đây, nó lại trở thành một nghĩa vụ tâm linh đối với tôi"

Đối với Fatima, vấn đề khăn hijab chỉ là động thái mới nhất từ chính quyền nhằm dập tắt tiếng nói của người Hồi giáo.

“Phong trào này là chúng tôi đấu tranh cho đức tin, bản sắc và tự do tôn giáo của mình. Bằng cách đứng đây với khăn trùm đầu hijab này, chúng tôi nói với người đạo Hindu rằng chúng tôi sẽ không lùi bước”, cô nói.

Muskan Khan, một nữ sinh Hồi giáo trùm khăn trở thành cảnh tượng nổi bật nhất ở các cuộc biểu tình trong tháng Hai. Trong một video, Khan đang bị vài nam giới áp sát khi cô vừa bước xuống chiếc xe tay ga. Họ đánh cô, bắt cô phải tháo bỏ khăn trùm đầu. Nhưng thay vì làm theo, cô hét “Allahu Akbar” (nghĩa là “Chúa vĩ đại” trong tiếng Arap) và đấm vào không khí.

Nắm đấm của cô đã trở thành biểu tượng của sự thách thức, và nhanh chóng trở thành ảnh đại diện Twitter của nhiều phụ nữ Hồi giáo, trong khi vẻ đáng yêu của cô xuất hiện trên các tấm bảng và áp phích trong các cuộc biểu tình.

Tác phẩm của nghệ sĩ Bagchi lấy cảm hứng từ Muskan Khan (Ảnh: CNN).
Tác phẩm của nghệ sĩ Bagchi lấy cảm hứng từ Muskan Khan (Ảnh: CNN).

Ashish Bagchi, một trong nhiều nhà thiết kế và nghệ sĩ đã chia sẻ những tác phẩm lấy cảm hứng từ Khan trên mạng xã hội. Bức hình của anh mô tả cô đội trăm trùm đầu trong trang phục màu đen hiên ngang đi giữa những cánh tay màu nghệ đang vươn ra. Những tác phẩm chính trị của Bagchi trên Instagram và Twitter thể hiện quyền tự do đang dần bị thu hẹp của người Hồi giáo ở Ấn Độ.

“Điều khiến tôi xúc động là cách cô ấy giữ vững lập trường. Đối với tôi, điều nổi bật là những người đàn ông đó hét lên và khua khoắng những dải khăn màu nghệ vào cô ấy. Thật đáng buồn khi màu nghệ giờ lại tượng trưng cho một hệ tư tưởng chính trị cụ thể”.

Chính trị hóa màu sắc

Màu nghệ tây có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo, một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, và tượng trưng cho hòa bình. Khoảng 80% trong số 1,3 tỷ dân Ấn Độ theo đạo Hindu, và màu sắc này được thấy trên các bức tượng trong đền thờ, buộc quanh cổ những chú bò và thường được dùng để trang trí đường phố trong các lễ hội.

Những vị thánh Hindu ngâm mình trên sông Hằng trong lễ hội tôn giáo Kumbh Mela ngày 12/4/2021 (Ảnh: AFP/Getty Images).
Những vị thánh Hindu ngâm mình trên sông Hằng trong lễ hội tôn giáo Kumbh Mela ngày 12/4/2021 (Ảnh: AFP/Getty Images).

Nhưng kể từ khi BJP lên nắm quyền với chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc Hindu năm 2014, sắc màu này ngày càng bị chính trị hóa. Thủ tướng Ấn Độ Modi và những đồng hương của ông thường được thấy trong những bộ quần áo và phụ kiện gam màu nghệ tại các cuộc mít tinh bầu cử, và những lá cờ màu nghệ hay sắc màu tương tự xuất hiện từ những người ủng hộ.

“Việc dành riêng sắc nghệ là một tín hiệu cho biết đảng không chỉ mang mục đích chính trị, mà ăn sâu vào vấn đề tôn giáo”, Gilles Verniers, phó giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Ashoka, Ấn Độ cho biết. “Màu sắc đó trở thành “đồng phục” và đem lại cho những người ủng hộ BJP cảm giác đồng nhất”.

Thủ hiến bang Uttar Pradesh đông dân nhất Ấn Độ, ông Yogi Adityanath của BJP là một nhân vật cấp cao luôn được thấy trong sắc nghệ từ đầu đến chân. Là một cựu linh mục Hindu, ông Adityanath được xem như là một trong những hình mẫu phân cực nhất trong chính trị Ấn Độ, nổi tiếng với những lời lẽ khiêu khích chống lại người Hồi giáo.

Dù không phải ai thuộc Hindu giáo mặc sắc nghệ cũng đều tán thành chủ nghĩa dân tộc của đạo Hindu, nhưng theo nhà sử học Aditya Mukherjee, khi các chính trị gia mặc sắc nghệ đưa ra tuyên bố chống lại phần thiểu số của đất nước, thì nó lại khuyến khích các nhóm cực hữu làm theo.

“Biểu tượng tôn giáo mà người Hindu sử dụng ngày nay hoàn toàn trái ngược với văn hóa Ấn Độ. Họ đã khiến sắc màu này mang một ý nghĩa khác. Đây không phải là điều mà tôn giáo Hindu đại diện. Đây là khoảnh khắc rất đáng sợ đối với Ấn Độ”, ông cho biết, đề cập đến việc những kẻ cực đoan tấn công bạo lực với người Hồi giáo.

Đám đông tại cuộc mít tinh cho Thủ tướng Narendra Modi ngày 3/4/2019 ở Kolkata, Ấn Độ (Ảnh:Getty Images).
Đám đông tại cuộc mít tinh cho Thủ tướng Narendra Modi ngày 3/4/2019 ở Kolkata, Ấn Độ (Ảnh:Getty Images).

Về mặt biểu tượng, có lẽ sắc nghệ tây ngày càng trở thành hình ảnh phổ biến trong cộng đồng, và vị thế của chiếc khăn trùm đầu hijab giờ đây bị đặt dấu hỏi. Tòa án cấp cao tại bang Karnataka đã hoàn tất việc cân nhắc cấm khăn trùm đầu tại các trường học hay không, và sẽ sớm có phán quyết. Trong khi đó, lệnh cấm tạm thời tất cả các trang phục tôn giáo trong các cơ sở giáo dục hiện vẫn có hiệu lực.

Đối với nhà hoạt động Fatima, việc tháo bỏ khăn trùm đầu “giống như yêu cầu phụ nữ chúng tôi cởi đồ. Điều đó thật đáng lo ngại và phi đạo đức”, và cô sẽ “không im lặng” trước sự gia tăng quyền của người theo đạo Hindu.

“Những lựa chọn mà chúng tôi, những người Hồi giáo đòi hỏi từ công lý là rất ít, và nó còn tồi tệ hơn đối với phụ nữ Hồi giáo. Chúng tôi không có đặc quyền để tiếp tục im lặng. Chúng tôi sẽ khẳng định danh tính của mình nhiều hơn nữa”. 

TM (theo CNN)

Màu son đỏ và hành trình của biểu tượng nữ quyền

Màu son đỏ và hành trình của biểu tượng nữ quyền

Qua hàng thế kỷ, màu son đỏ dường như đã trở thành một thứ vũ khí văn hóa hùng mạnh và được đón nhận như một biểu tượng của nữ quyền.