"Sắc đẹp là tự do", giới trẻ Triều Tiên đang bày tỏ quan điểm bằng mỹ phẩm

Màu son đỏ không được phép sử dụng tại Triều Tiên, và phụ nữ phải luôn buộc hoặc bện tóc một cách gọn gàng.

Nữ diễn viên Nara Kang tô son môi đỏ san hô và nhẹ nhàng đánh phấn màu cam trên má, những đường kẻ trắng dưới đôi mắt cô ánh lên khi cô rướn về phía ánh đèn.

Những hành động trang điểm tưởng đơn giản như vậy nhưng cô không thể làm tại quê nhà ở Chongjin, tỉnh Bắc Hamgyoung.

“Dùng son môi màu đỏ là điều không tưởng tượng nổi tại Triều Tiên. Có lẽ bởi màu đỏ đại diện cho chủ nghĩa tư bản nên xã hội ở đó không cho phép được dùng nó”.

"Tô son đỏ là một điều không tưởng tượng nổi ở Triều Tiên", Nara Kang cho biết (Ảnh: CNN).

Giờ Kang sinh sống ở Seoul, Hàn Quốc. Cô gái 22 tuổi này đã rời Triều Tiên vào năm 2015 để thoát khỏi chế độ kìm hãm sự tự do cá nhân, từ những thứ cô mặc cho tới cách cô buộc tóc.

Theo Kang, hầu hết mọi người tại quê của cô chỉ được phép dùng son màu nhẹ, thỉnh thoảng có màu hồng nhưng không bao giờ màu đỏ, và tóc dài thì phải luôn được buộc hay bện một cách gọn gàng.

Kang luôn phải đi bộ qua thung lũng thay vì đường chính để tránh gặp “Gyuchaldae” – một biệt danh dành cho những cảnh sát theo dõi về cách ăn mặc ở Triều Tiên.

“Bất cứ khi nào tôi trang điểm, người già trong làng đều bảo tôi là một kẻ bị hoen ố bởi chủ nghĩa tư bản. Cứ cách 10 mét lại có một đội tuần tra chỉnh đốn vẻ ngoài của người dân”, Kang nhớ lại. Chỉ vào những chiếc nhẫn và vòng bạc trên tay, cô cho biết: “Chúng tôi không được đeo đồ trang sức như thế này, cũng không được nhuộm tóc hay thả tóc tự do như vậy”.

Những kiểu tóc được chấp thuận in trên một tấm bảng tại một cửa hàng làm đẹp cho nữ giới tại khu phức hợp Munsu tại Pyongyang, Triều Tiên năm 2018 (Ảnh: Carl Court/Getty Images).
Những kiểu tóc được chấp thuận in trên một tấm bảng tại một cửa hàng làm đẹp cho nữ giới tại khu phức hợp Munsu tại Pyongyang, Triều Tiên năm 2018 (Ảnh: Carl Court/Getty Images).

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, hai “kẻ trốn chạy” khỏi Triều Tiên giữa năm 2010 và 2015 cho biết việc mặc trang phục “quá Tây phương” như váy ngắn, áo phông in chữ tiếng Anh hay những chiếc quần jean bó, có thể bị phạt tiền, làm nhục nơi công cộng hay trừng phạt tùy theo những quy định khác nhau của từng vùng miền.

Theo những người này cho biết, tùy theo hành vi phạm tội mà người vi phạm bị bắt phải đứng ở giữa quảng trường và hứng chịu những chỉ trích nặng nề từ các sĩ quan, trong khi những người khác bị điều làm lao động khổ sai.

“Nhiều phụ nữ được hướng dẫn hay khuyên nhủ bởi gia đình, trường học hay các tổ chức về cách ăn mặc quần áo chỉnh tề và có một diện mạo chỉn chu”, Nam Sung-wook, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại đại học Hàn Quốc cho biết.

Có thể họ đang sống tại một trong những quốc gia nghiêm khắc nhất thế giới, nhưng Kang cho biết cô và những người trẻ Triều Tiên vẫn nắm bắt được xu hướng thời trang bên ngoài đất nước mình.

Văn hóa chợ đen

Mang nghĩa là “khu chợ”, Jangmadang là tên được đặt cho những khu chợ tại Triều Tiên kinh doanh mọi thứ, từ hoa quả, quần áo cho đến những vật dụng gia đình. Những khu chợ này bắt đầu nở rộ từ nạn đói những năm 1990 khi mọi người nhận ra rằng họ không thể phụ thuộc vào nguồn lương thực của chính phủ.

Các nhà hoạt động đổ đầy chai nhựa bằng gạo, tiền và một thẻ USB chứa K-Pop để ném xuống biển về phía Triều Tiên trên đảo Ganghwa, Hàn Quốc năm 2018 (Ảnh: Ed Jones/AFP/Getty Images).
Các nhà hoạt động đổ đầy chai nhựa bằng gạo, tiền và một thẻ USB chứa K-Pop để ném xuống biển về phía Triều Tiên trên đảo Ganghwa, Hàn Quốc năm 2018 (Ảnh: Ed Jones/AFP/Getty Images).

Nhiều người Triều Tiên vẫn mua bán tại những khu chợ này cho những vật dụng cần thiết hàng ngày, nhưng đây cũng là nguồn của những sản phẩm phi pháp được tuồn lậu vào đất nước. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, những nội dung nước ngoài như phim ảnh, video ca nhạc được copy vào các USB, CD hay thẻ SD ở Hàn Quốc hay Trung Quốc và tuồn vào Triều Tiên.

Đây cũng là cách thức mà nhiều tổ chức nhân quyền sử dụng để gửi thông tin thách thức chính quyền nước này.

“Những người trẻ thành thị ở Bắc Triều Tiên đang tiếp nhận văn hóa từ thế giới bên ngoài. Điều này ảnh hưởng đến xu hướng thời trang, kiểu tóc và tiêu chuẩn vẻ đẹp ngay tại bên trong Triều Tiên. Nếu giới trẻ Triều Tiên xem những chương trình của Hàn Quốc, họ có thể muốn thay đổi kiểu tóc hay quần áo giống những người Hàn Quốc”, Sokeel Park, giám đốc nghiên cứu và chiến lược của Hàn Quốc cho nhóm nhân quyền “Liberty in North Korea” cho biết.

Trước khi rời khỏi Triều Tiên vào năm 2010, Joo Yang, hiện là nhà thiết kế trang sức, cho biết cô và bạn bè thường đến khu chợ Jangmadang để tìm những chiếc USB chứa phim và những video ca nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc.

Joo Yang đeo chiếc vòng cổ ngọc trai do cô thiết kế tại Seoul, Hàn Quốc (Ảnh:CNN).
Joo Yang đeo chiếc vòng cổ ngọc trai do cô thiết kế tại Seoul, Hàn Quốc (Ảnh:CNN).

Tại khu chợ, Yang cho biết dân buôn ở đó nói bằng ngữ âm Seoul để thu hút sự chú ý của những phụ nữ trẻ đang hào hứng với văn hóa Hàn. Đôi khi, họ còn đưa khách hàng đến tận nhà họ, nơi ngập tràn quần áo, mỹ phẩm.

Mỹ phẩm Hàn Quốc luôn đắt gấp 2-3 lần so với các sản phẩm Triều Tiên hay Trung Quốc. Yang phải trả một lượng gạo dùng trong hai tuần chỉ để sở hữu một chiếc mascara hay son môi từ Hàn Quốc.

Theo ông Parks, nạn đói làm gián đoạn hệ thống giáo dục, khiến nhiều thế hệ trẻ, hay còn được gọi là “Thế hệ Jangmadang” buộc phải lớn lên trong các khu chợ này, và có một cái nhìn sâu sắc hơn về chủ nghĩa tư bản so với các thế hệ trước.

Yang cho biết cô thấy được phong cách phụ nữ tại Triều Tiên đang tiến triển theo phong cách từ những bộ phim Hàn nổi tiếng. Theo ông Parks, xu hướng thời trang và vẻ đẹp đã trải rộng vượt quá bề nổi, báo hiệu một sự thay đổi ngầm trong xã hội.

Ngành công nghiệp sắc đẹp tại Triều Tiên

Cho dù thiếu vắng những thương hiệu mỹ phẩm được quốc tế công nhận, truyền thông Triều Tiên KCNA cho rằng ngành công nghiệp mỹ phẩm nước này đang nở rộ. Theo đó, tháng 11 năm ngoái, một show truyền hình quốc gia về mỹ phẩm đã trình bày hơn 137.000 sản phẩm làm đẹp, bao gồm xà phòng giúp loại bỏ chất bẩn từ da và mỹ phẩm chức năng giúp lưu thông máu, các sản phẩm làm đẹp và mỹ phẩm chống lão hóa.

Chủ tịch Kim Jong Un khảo sát Nhà máy mỹ phẩm Pyongyang năm 2017 (Ảnh:STR/AFP/Getty Images).
Chủ tịch Kim Jong Un khảo sát Nhà máy mỹ phẩm Pyongyang năm 2017 (Ảnh:STR/AFP/Getty Images).

Xây dựng dựa trên di sản để lại của người ông, lãnh đạo Kim Nhật Thành khi thiết lập nhà máy mỹ phẩm đầu tiên vào năm 1949 nhằm dùng mỹ phẩm để động viên tinh thần các nữ chiến sĩ, Chủ tịch Kim Jong Un đầu tư vào các thương hiệu nhà nước như Unhasu và Bomhyanggi để phát triển “mỹ phẩm tốt nhất thế giới”.

Theo giáo sư Nam Sung-wook, sự thúc đẩy gần đây để phát triển ngành công nghiệp mỹ phẩm nội địa đến khi Triều Tiên phải gánh chịu hàng loạt các lệnh trừng phạt quốc tế, khiến nước này gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu những nguyên liệu và sản phẩm chất lượng cao.

Ông cho biết Chủ tịch Kim thấy được một cơ hội trong sự phát triển của các sản phẩm làm đẹp Hàn Quốc để có thể sản xuất một phiên bản mỹ phẩm Hàn Quốc của riêng mình để xuất khẩu, lấy cảm hứng từ cách đóng gói của các sản phẩm Hàn Quốc cũng như các nguyên liệu nổi tiếng như nhân sâm.

Mỹ phẩm Triều Tiên trưng bày trong văn phòng của ông Nam có nét tương đồng với cách đóng gói của sản phẩm Hàn Quốc (Ảnh:CNN).
Mỹ phẩm Triều Tiên trưng bày trong văn phòng của ông Nam có nét tương đồng với cách đóng gói của sản phẩm Hàn Quốc (Ảnh:CNN).

Đầu năm nay, KCNA cho biết nhà máy mỹ phẩm nội địa Sinuiju đã “phát triển nhiều mỹ phẩm chức năng khác nhau như serum giúp phát triển lông mi và mặt nạ làm đẹp trong điều trị mụn”, và cũng đã xuất khẩu tới các quốc gia như Nga hay Trung Quốc.

“Sắc đẹp là sự tự do”

Các mỹ phẩm sản xuất nội địa có thể sẵn có ở Triều Tiên, nhưng chúng chưa có được sự đa dạng như các thương hiệu của nước ngoài.

Người dùng mỹ phẩm nhập lậu không chỉ thử nghiệm với ngoại hình của bản thân, mà còn cố gắng thúc đẩy ranh giới của những điều được chấp nhận ở Triều Tiên.

Joo Yang tô son đỏ tại căn hộ của cô ở Seoul (Ảnh:CNN).
Joo Yang tô son đỏ tại căn hộ của cô ở Seoul (Ảnh:CNN).

“Bạn đang mặc những bộ đồ đáng nhẽ bạn không được mặc do ảnh hưởng bởi truyền thông nước ngoài bất hợp pháp. Rồi bạn báo hiệu cho cộng đồng và bạn bè của mình rằng bản thân có phần khác biệt và tự nguyện phá những quy tắc này, ít nhất là ở cấp độ thấp”, ông Park cho biết.

Theo một bài viết chính phủ về chủ đề ảnh hưởng của Hàn Quốc, giáo sư Dong-wan Kang, chuyên gia văn hóa Triều Tiên tại đại học Dong-A cho rằng có một giới hạn đối với sự toàn quyền kiểm soát nhu cầu cũng như mong muốn của người dân Triều Tiên.

“Việc bám theo các ảnh hưởng của Hàn Quốc về quần áo, trang điểm và kiểu tóc gây cản trở những kỳ vọng hàng ngày và có thể dẫn đến sự không hài lòng cũng như sự hoài nghi về chế độ của Triều Tiên. Bắt chước Hàn Quốc, họ đang xa rời khỏi xã hội và một nền văn hóa nhóm đã được hình thành như yếu tố kháng cự chế độ”.

Mỹ phẩm được trưng bày trong một cửa hàng tại Seoul, Hàn Quốc năm 2019 (Ảnh:CNN).
Mỹ phẩm được trưng bày trong một cửa hàng tại Seoul, Hàn Quốc năm 2019 (Ảnh:CNN).

Cả Yang và Nara Kang cho biết việc sống tại Hàn Quốc giúp họ thể hiện được bản thân bằng một cách mà trước đó họ không được phép.

“Lần đầu tiên bước vào một cửa hàng mỹ phẩm ở Hàn Quốc, tôi đã nghĩ bản thân lạc vào một cửa hàng đồ chơi ở Triều Tiên bởi sự đa dạng màu sắc và chủng loại”, Kang nhớ lại. “Đối với tôi, vẻ đẹp là tự do. Và giờ bản thân đã có nhiều quyền sở hữu hơn với vẻ đẹp của chính mình”.

Yang cho biết bạn bè cô tại Triều Tiên đã từng rất bực khi không thể mặc theo cách mà họ muốn.

“Chúng tôi bị tẩy não bởi chính phủ, vì vậy dù vẫn rất quý vị lãnh đạo tài ba nhưng mong muốn được xinh đẹp là một vấn đề hoàn toàn khác. Sự tức giận bắt đầu dồn nén trong bạn và khiến bạn đặt câu hỏi tại sao bản thân lại không thể làm điều đó”.

Những thỏi son bóng sặc sỡ được trưng bày trong một cửa hàng mỹ phẩm ở Seoul, Hàn Quốc (Ảnh:CNN).
Những thỏi son bóng sặc sỡ được trưng bày trong một cửa hàng mỹ phẩm ở Seoul, Hàn Quốc (Ảnh:CNN).

Còn đối với ông Park, người làm việc với rất nhiều người từng rời đến Hàn Quốc, thấy trước một cơ hội lớn hơn mà sắc đẹp có thể mang tới trong xã hội Triều Tiên.

Theo các nhà hoạt động, chính phủ đã nhận thức được sự nổi loạn của giới trẻ đối với nền văn hóa được chấp thuận bởi quốc gia. Điều này thúc đẩy họ thích ứng và cho phép một vài sự linh hoạt ở một mức độ nào đó để có thể duy trì quyền lực.

“Về cơ bản, điều này buộc chính phủ phải trả lời câu hỏi: liệu họ có định đón nhận sự thay đổi hay chỉ đang cố gắng và kìm nén nó?”.

TM (theo CNN)

Nỗi ám ảnh da trắng trong quan điểm cái đẹp châu Á

Nỗi ám ảnh da trắng trong quan điểm cái đẹp châu Á

Quan điểm đẹp là phải sở hữu làn da trắng ở châu Á đang không ngừng trở thành tiêu đề trên các mặt báo trong những năm gần đây.