Nỗi ám ảnh da trắng trong quan điểm cái đẹp châu Á

Quan điểm đẹp là phải sở hữu làn da trắng ở châu Á đang không ngừng trở thành tiêu đề trên các mặt báo trong những năm gần đây.

Việc sở hữu một nước da sáng màu sẽ trở nên hấp dẫn hơn vẫn luôn là quan niệm trong các cuộc thi sắc đẹp. Thế nhưng, năm 2014, việc Nonthawan Thongleng, một cô gái với nước da rám nắng, đăng quang hoa hậu thế giới Thái Lan được xem một dịp để người dân nước này định nghĩa lại tiêu chuẩn của vẻ đẹp.

Việc Nonthawan Thongleng (Maeya) đăng quang ngôi vị Hoa hậu thế giới Thái Lan năm 2014 trở thành dịp để nước này thay đổi quan niệm vẻ đẹp (Ảnh: coconuts).
Việc Nonthawan Thongleng (Maeya) đăng quang ngôi vị Hoa hậu thế giới Thái Lan năm 2014 trở thành dịp để nước này thay đổi quan niệm vẻ đẹp (Ảnh: coconuts).

Cô trở thành nguồn cảm hứng đối với người dân Thái Lan khi từ trước tới giờ, phụ nữ với làn da sẫm màu luôn bị đánh giá thấp, trong khi các tạp chí thì luôn ca tụng vẻ đẹp tiêu chuẩn với làn da sáng.

Tháng 12 năm ngoái, Catriona Gray trở thành hoa hậu thứ 4 của Philippines giành vương miện Hoa hậu hoàn vũ thế giới, tuy nhiên chiến thắng của cô gây nhiều dư luận trái chiều tại quốc gia này. Nhiều người chỉ trích rằng cô mang một vẻ đẹp theo chuẩn các nước phương Tây, rằng cô “chưa đủ chất Philippine”.

Catriona Gray đăng quang Miss Universe 2018 gây lên nhiều dư luận trái chiều tại Philippines
Catriona Gray đăng quang Miss Universe 2018 gây lên nhiều dư luận trái chiều tại Philippines

Trong các cuộc thảo luận về màu da và cái đẹp, dường như luôn tồn tại một quan niệm văn hóa ăn sâu trong xã hội. Đặc biệt tại châu Á, đó là nước da sẫm màu luôn đi kèm với định kiến lao động tại ruộng đồng, đồng nghĩa với sự nghèo đói. Trong khi việc sở hữu một làn da sáng gắn liền với cuộc sống thoải mái, no đủ trong nhà. Màu da vì thế là một dấu hiệu của tầng lớp xã hội.

Trên đường phố Bangkok (Thái Lan), không hiếm thấy cảnh nhiều người núp dưới bóng những chiếc ô tránh ánh mặt trời hay mang những chiếc áo dài tay chống nắng ngay cả trong những tháng nóng nhất trong năm. Tất cả đều xuất phát từ sự kỳ thị này.

Thậm chí, tiêu chuẩn một làn da trắng còn được tuyên truyền rộng rãi bằng truyền thông, tạp chí hay các biển hiệu quảng cáo. Các nhà thuốc thì liên tục có những sản phẩm kem làm trắng da, thậm chí làm trắng cả những vùng nhạy cảm trên cơ thể.

Không khó để thấy những quảng cáo làm trắng da như thế này tại Thái (Ảnh: m-louis/flickr)
Không khó để thấy những quảng cáo làm trắng da như thế này tại Thái (Ảnh: m-louis/flickr)

Áp lực có một làn da trắng thậm chí không chỉ đè nặng lên phái nữ. Trên thị trường hiện cũng có rất nhiều sản phẩm và dịch vụ làm trắng giành riêng cho quý ông.

Theo Kosum Omphornuwat, một giảng viên về giới và tình dục tại Trường đại học Thammasat (Thái Lan), nền kinh tế thị trường, chủ nghĩa người tiêu dùng, truyền thông xã hội và trào lưu chứng selfie đang củng cố thêm nỗi ám ảnh này.

Điển hình như năm 2016, một công ty Thái đã quảng cáo những viên thuốc làm trắng da với khẩu hiệu “Trắng giúp bạn chiến thắng” với sự xuất hiện của nữ diễn viên kiêm người mẫu Cris Horwang, gây nhiều tranh cãi.

Jaray Singhakowinta, phó giáo sư nghiên cứu giới tại Viện quản lý phát triển quốc gia cho biết chính sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa phương Tây và nền giải trí Hàn Quốc, đặc biệt là âm nhạc và phim ảnh, đã làm tăng nỗi ám ảnh da trắng. Điển hình như tầm 20 năm trước, thành công của bộ phim Hàn Quốc “Nàng Dae Jang Guem” đã khiến nhu cầu về thức ăn và sản phẩm của quốc gia này tăng mạnh.

"Nàng Dae Jang Guem", bộ phim Hàn Quốc đã tạo tiếng vang tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam

“Hình ảnh của các diễn viên và sản phẩm làm đẹp tại quốc gia kim chi này đã trở nên một xu hướng và dần trở thành tiêu chuẩn vẻ đẹp chung của nhiều người dân Thái”, Jaray cho biết. Bên cảnh đó, xu hướng mặt V line, da trắng ngọc và mũi nhọn và thẳng cũng dần trở thành một tiêu chuẩn.

Chưa kể nhiều bên điều hành tour cũng như các chương trình thực tế tại Thái Lan cũng tổ chức, dẫn dắt, chọn lựa những người có nhu cầu chỉnh sửa mặt để giống thần tượng để đưa sang Hàn Quốc phẫu thuật, chẳng hạn như chương trình “Let Me In Reborn”, “Let Me In Thailand”.

Hiện nay, làm trắng da đang là một ngành kinh doanh lớn. Theo cuộc khảo sát của Hiệp hội sức khỏe thế giới, gần 40% phụ nữ ở các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc thường xuyên sử dụng sản phẩm trắng da. Theo các nhà phân tích thị trường công nghiệp toàn cầu, nhu cầu làm trắng da vẫn đang tăng mạnh, nhắm tới đạt khoảng 31,2 tỷ đô vào năm 2024.

Theo Kosum, nhu cầu một làn da trắng hiện tại khó có xu hướng suy giảm khi ngày càng có nhiều thế hệ trẻ dần ý thức về màu da của mình.

Tuy nhiên, một chiến dịch truyền thông mang tên “Dark is Beautiful” tại Ấn Độ nhằm chống lại sự phân biệt này đang dần trở nên lan tỏa. Kosum hy vọng chiến dịch này sẽ sớm tiếp cận tới người dân tại Thái Lan.

Thay đổi quan niệm không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vậy nên những người có tầm ảnh hưởng như Maeya sẽ thực sự rất cần thiết để tạo ra điều khác biệt.

TM (Theo Thediplomat)

Viên uống trắng da, chống nắng, 'thần dược' không an toàn

Viên uống trắng da, chống nắng, "thần dược" không an toàn

Được ví như “thần dược” cho da, các viên uống đa năng đang được nhiều chị em ưa chuộng.