Khi nhận bảng danh sách các khoản thu tháng 9 của trường mầm non nơi con đang theo học, một bà mẹ ở TP.HCM băn khoăn khi phát hiện 1 khoản rất... "lạ" có tên "NVND" với số tiền 96 nghìn đồng/học sinh/tháng.
Tên đầy đủ của khoản thu này là: Tiền công trả lương cho NVND theo NQ04/2017 ngày 06/7/2017 và NQ04/2021/HĐND ngày 23/3/2021. Nhiều phụ huynh thắc mắc NVND là khoản gì?
Trên thực tế, khoản thu này là tiền công trả lương cho nhân viên nuôi dưỡng. Đây là khoản được phép thu theo NQ 04/2023, theo đó, mức thu tối đa được cho phép của khoản này với nhà trẻ, tối đa 260.000/trẻ/tháng; mẫu giáo 160.000/trẻ/tháng.
Ngoài khoản thu nói trên, Nghị quyết 04/2023 của HĐND TP.HCM đã quy định cụ thể khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập tại thành phố trong năm học 2023-2024.
Theo nghị quyết này, các khoản phí dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục được quy định như sau:
Tiền tổ chức phục vụ, quản lý và vệ sinh bán trú, tối đa 550.000 đồng/học sinh/tháng với nhóm 1; tối đa 500.000 đồng/học sinh/tháng với nhóm 2.
Tiền phục vụ ăn sáng, tối đa 220.000 đồng/học sinh/tháng với nhóm 1; tối đa 200.000 đồng/học sinh/tháng với nhóm 2.
Tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú, tối đa 450.000 đồng/học sinh/năm với nhóm 1; tối đa 400.000 đồng/học sinh/năm với nhóm 2.
Tiền giữ trẻ mầm non ngoài giờ, tối đa 12.000 đồng/học sinh/giờ với nhóm 1; tối đa 11.000 đồng/học sinh/giờ với nhóm 2.
Tiền mua sắm đồng phục học sinh, tối đa 200.000 đồng/học sinh/bộ với nhóm 1; tối đa 150.000 đồng/học sinh/bộ với nhóm 2.
Tiền học phẩm, tối đa 50.000 đồng/học sinh/năm.
Tiền học cụ, học liệu, tối đa 550.000 đồng/học sinh/năm với nhóm 1; tối đa 450.000 đồng/học sinh/năm với nhóm 2.
Tiền suất ăn trưa bán trú, tối đa 35.000 đồng/học sinh/ngày với nhóm 1; tối đa 32.000 đồng/học sinh/ngày với nhóm 2.
Tiền suất ăn sáng, tối đa 20.000 đồng/học sinh/ngày.
Tiền nước uống, tối đa 20.000 đồng/học sinh/ngày.
Tiền khám sức khỏe học sinh ban đầu (bao gồm khám nha học đường), tối đa 70.000 đồng/học sinh/năm với nhóm 1; tối đa 65.000 đồng/học sinh/năm với nhóm 2.
Tiền sử dụng máy lạnh của lớp học có máy lạnh (tiền điện, chi phí bảo trì máy lạnh), tối đa 50.000 đồng/học sinh/tháng; áp dụng đối với các trường-lớp có trang bị máy lạnh do được tài trợ, tặng.
Tiền dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tối đa 110.000 đồng/học sinh/tháng.
Tiền tổ chức xe đưa rước học sinh (nếu có), tuyến đường dưới 5 km thì 10.000 đồng/học sinh/km; còn tuyến đường từ 5 km trở lên là 8.000 đồng/học sinh/km.
Tiền tổ chức dạy các lớp năng khiếu, thể dục tự chọn, câu lạc bộ, tối đa 80.000 đồng/tháng/học sinh/môn.
Tiền tổ chức dạy kỹ năng sống, tối đa 120.000 đồng/tháng/học sinh/môn với nhóm 1; tối đa 80.000 đồng/học sinh/môn với học sinh nhóm 2.
Tiền tổ chức giáo dục STEM, tối đa 90.000 đồng/học sinh/tháng.
Tiền tổ chức học ngoại ngữ với người nước ngoài, tối đa 480.000 đồng/tháng/học sinh với nhóm 1; 400.000 đồng/tháng/học sinh với nhóm 2.
Tiền tổ chức học ngoại ngữ sử dụng phần mềm hỗ trợ, tối đa 250.000 đồng/học sinh/tháng với nhóm 1; tối đa 100.000 đồng/học sinh/tháng với nhóm 2.
Tiền tổ chức nuôi dạy trẻ mầm non trong hè, tối đa 500.000 đồng/trẻ/tháng.
Nghị quyết 04/2023 của HĐND TP.HCM nêu rõ: "Các mức thu quy định tại nghị quyết này là mức thu tối đa. Tùy tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, cơ sở giáo dục thống nhất với cha mẹ học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại nghị quyết này và không được cao hơn 15% so với năm học 2022-2023".
Nếu trẻ lộ ra dấu hiệu này, cha mẹ nhất định phải ngồi lại, rà soát toàn bộ quá trình nuôi dạy con
Con bạn có dấu hiệu này không?