Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 tiếp tục leo dốc, đạt kỷ lục

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ghi dấu tốc độ tăng trưởng thần tốc lên tới 42% so với cùng kỳ,  đạt kỷ lục trên 650.000 tỷ đồng, nhưng những chỉ dấu về “sức khỏe” thị trường đang tụt dốc.

Đáng lưu ý, trên 60% doanh nghiệp phát hành lần đầu năm 2021 là doanh nghiệp bất động sản và xây dựng, tăng mạnh so với năm 2020.

Khẳng định sự lớn mạnh và quy mô của kênh dẫn vốn trung và dài hạn thông qua trái phiếu doanh nghiệp ngày càng lớn, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FiinGroup so sánh, dù chứng khoán có quy mô vốn hóa rất lớn, hơn 100% GDP, huy động vốn hơn 100 nghìn tỷ đồng và đạt kỷ lục trong suốt 25 năm hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên, vai trò dẫn vốn hiện chỉ bằng 1/6 kênh trái phiếu.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), nhận định, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt đến khoảng 15,9% GDP là một con số rất lớn, vượt ngoài sự tưởng tượng của cơ quan quản lý. Mặt khác, khi tăng trưởng tín dụng được điều hành một cách thận trọng hơn, nhất là với những lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, phần thiếu hụt vốn được kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp bù đắp, yểm trợ.

Trái phiếu các tổ chức tín dụng phát hành đạt 231 nghìn tỷ đồng, trong đó, 60,7 nghìn tỷ đồng tăng vốn cấp 2, cải thiện tỷ lệ an toàn vốn. Nhóm trái phiếu công ty chứng khoán ghi nhận sự tăng mạnh so với năm trước, trong khi nhóm ngành sản xuất công nghiệp sụt giảm do diễn biến dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và tiêu thụ.

Về cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp, có đến 56% trái phiếu doanh nghiệp được đầu tư bởi tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán. Nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ chiếm 8,6%.

Tỷ trọng phát hành ra công chúng chỉ chiếm 4,58%, đa phần là phát hành riêng lẻ chiếm hơn 95%. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, đánh giá: “Dù mới chiếm 16% GDP nhưng tốc độ phát triển thị trường phát triển doanh nghiệp Việt Nam nhanh nhất châu Á trong 15 năm trở lại đây”.

Phân tích cụ thể hơn, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho hay, nhóm ngành ngân hàng và bất động sản tiếp tục duy trì khối lượng phát hành trái phiếu lớn như những năm trước, chiếm áp đảo 70% tổng lượng trái phiếu phát hành thành công. Hai nhóm ngành này “bất phân thắng bại” với tỷ trọng mỗi ngành chiếm 35% tổng khối lượng phát hành. Cụ thể, trái phiếu bất động sản phát hành khoảng 232 nghìn tỷ đồng, tập trung phần lớn ở phân khúc bất động sản nhà ở, tăng mạnh 37% so với năm 2020.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh lại hàm chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn. Nhìn lại một năm các quy định nâng “chất” trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực, ông Nguyễn Hoàng Dương cho hay, trong quý 1/2021, thị trường có những dấu hiệu phát triển đúng định hướng. Cụ thể, khối lượng phát hành theo hình thức riêng lẻ giảm, thay vào đó, doanh nghiệp lựa chọn phát hành ra công chúng. Số lượng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sụt giảm đáng kể, trên 50%.

Sang quý 2/2021, tốc độ phát hành trái phiếu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, khó khăn về kinh tế nhưng doanh nghiệp vẫn có thể huy động được vốn để mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn bắt đầu nảy sinh.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, các tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức phân phối chào mời nhà đầu tư cá nhân và có hiện tượng “lách” để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. “Lách” ở đây không có nghĩa là sai luật, mà vận dụng những điều pháp luật cho phép để “hô biến” những nhà đầu tư chưa phải nhà đầu tư chuyên nghiệp để trở thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp, theo quy định của pháp luật và được nhà đầu tư chấp thuận.

Có nhiều chuyên gia phản ánh với Bộ Tài chính, có thể chúng ta phải để một vài vụ vỡ nợ trái phiếu xảy ra, để người dân, nhà đầu tư biết thực chất đấy là rủi ro. Không phải vì trái phiếu doanh nghiệp đổ vỡ hàng loạt mà gây mất an toàn về mặt hệ thống, nhưng điều này gây nguy hiểm khi các khoản vay trái phiếu sẽ liên thông với tín dụng ngân hàng và các tổ chức tài chính khác trong nền kinh tế.

Vì vậy, cần thiết phải hoàn thiện khung khổ pháp lý, một mặt, để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp; mặt khác, giảm thiểu những rủi ro về mặt thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo an toàn của thị trường.

Tổng Hợp