Khu Đông liên tục hưởng lợi từ kế hoạch lên Thành Phố đến hạ tầng sân bay

Trong góp ý điều chỉnh quy hoạch và phương án mở rộng cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, UBND Tp.HCM đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu bổ sung nút giao để kết nối cao tốc với đường Long Phước. Điều này tạo động lực phát triển ở địa phương này cũng như Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao ở phía Đông thành phố; phát huy hiệu quả dự án cao tốc.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có những nhận định, đánh giá cao về tiềm năng của Long Thành (Đồng Nai). Theo ông Hà, bên cạnh sự nổi bật về tiềm năng giao thông, hạ tầng, đô thị, dự án Sân bay Quốc tế Long Thành được quy hoạch đã trở thành đòn bẩy tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản.

“Khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Long Thành sẽ trở thành trung tâm của “thành phố sân bay” và là tâm điểm kết nối giao thương của cả khu vực. Trong tương lai không xa, nhu cầu sở hữu bất động sản để phát triển thương mại - dịch vụ và các loại hình kinh doanh ở đây sẽ tăng vọt”, ông Hà khẳng định.

Nói về cơ sở hạ tầng ở Đồng Nai có thể thấy sự đầu tư của Chính Phủ và tỉnh là rất lớn, không chỉ ngắn hạn trong 10 năm mà là 30 năm. Ví như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đồng Nai và Vũng Tàu cũng đang nghiên cứu làm cao tốc kết nối hai tỉnh này… Ngoài ra, cụm cảng Cái Mép cũng lớn nhất ở Việt Nam… Sân bay Long Thành là cái lõi để kết nối các tuyến cao tốc xung quanh.  Có hai cơ sở hạ tầng lớn hàng đầu ở Long Thành là sân bay và cảng nước sâu cùng với 5 tuyến cao tốc và cầu Cát Lái. Như vậy, đây là khu vực cực kỳ tiềm năng với quy mô đầu tư lớn.

Thông xe đầu năm 2015, cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km với 4 làn xe, tổng đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng. Tuyến đường này đã kết nối với đường Mai Chí Thọ tại nút giao An Phú cùng Vành đai 2 (quận 2). Cao tốc hiện bố trí trạm thu phí ở đoạn qua phường Long Phước, nhưng không kết nối giao thông tại đây.

Sở Giao thông Vận tải đề xuất kết nối cao tốc TP HCM - Long Thành với đường Long Phước, quận 9 để đồng bộ, phát triển hạ tầng giao thông khu Đông thành phố.

Việc kết nối sẽ làm một chiều từ đường Long Phước qua cao tốc theo hướng vào trung tâm Tp.HCM và ngược lại. Dưới dạ cầu Long Thành (bắc qua sông Đồng Nai nối quận 9 với huyện Long Thành) xây dựng vòng xoay cùng các nhánh rẽ, kết nối tuyến Long Phước với các đường song hành cao tốc. Sở Giao thông Vận tải đánh giá đây là phương án khả thi, thi công nhanh, chi phí thấp. Khu vực dự kiến mở kết nối chủ yếu đi qua đất nông nghiệp thuận lợi giải phóng mặt bằng.

Theo Sở Giao thông Vận tải, phường Long Phước, quận 9 hiện ra vào trung tâm chỉ có trục chính dài 23 km là Long Phước - Long Thuận - Nguyễn Duy Trinh, vốn nhỏ hẹp, xe đi khó khăn. Trong khi quy hoạch khu vực này có nhiều công trình văn hoá, giáo dục, sắp tới bổ sung các chức năng Khu công nghệ cao để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao ở phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức)...

Nổi bật là kế hoạch xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào năm 2021. Công trình này có tổng chiều dài toàn tuyến 77,8 km đi từ Biên Hòa đến thành phố biển Vũng Tàu, được thiết kế từ 4 - 6 làn xe, riêng đoạn kết nối trực tiếp sân bay Long Thành có đến 8 làn xe.

Bên cạnh đó, Long Thành còn chuẩn bị cho sự phát triển toàn phần của đại lộ Bắc Sơn - Long Thành với quy mô rộng 60m, 4 làn xe thông thoáng. Đây là trục phát triển thương mại - dịch vụ cao cấp xuyên suốt từ Biên Hòa đến sân bay quốc tế Long Thành. Sau khi hoàn thành, công trình này cùng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ trở thành hai trục kinh tế động lực song song với quốc lộ 51, đồng thời gia tăng tính kết nối cho sân bay quốc tế Long Thành và phục vụ chiến lược phát triển thành phố sân bay.

Đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên quy mô 10 -  12 làn xe

Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 430 bổ sung chức năng Khu Công nghệ cao (Khu Công viên khoa học và công nghệ), quy mô 166,2 ha với tính chất là khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ; liên kết và bổ sung các chức năng cho Khu công nghệ cao hiện hữu, làm cơ sở nghiên cứu Khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông thành phố (gồm các quận 2, 9, Thủ Đức). Đồng thời, bổ sung tuyến đường kết nối đường vành đai 3 – TP.HCM với đường Long Phước theo quy chuẩn đường đô thị.

Việc bổ sung thêm chức năng Khu Công nghệ cao cho thấy tầm quan trọng của khu vực phường Long Phước đối với việc phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông thành phố, song lại làm tăng thêm áp lực, nhu cầu giao thông khu vực này.

"Kết nối đường Long Phước với cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây sẽ rút ngắn khoảng cách từ phường Long Phước đến trung tâm thành phố, việc di chuyển được dễ dàng, thuận lợi; đồng thời tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, thuận lợi thông qua các nút giao: Đường Long Phước với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Đường Vành đai 3 với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Đường nối Vành đai 3 với đường Long Phước. Vi vậy, việc kết nối giao thông tuyến cao tốc này với phường Long Phước là rất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội khu vực quận 9 thuộc thành phố sáng tạo phía Đông của TP.HCM. Đồng thời, phát huy hiệu quả dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây" - văn bản của Sở GTVT nêu rõ.

Kiên Cương

( Tổng Hợp)