Tính từ đầu tháng 5/2023, đã có khoảng 19 ngân hàng công bố biểu lãi suất được điều chỉnh giảm so với tháng 4/2023.
Nam A Bank công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 5/5 với lãi suất huy động kỳ hạn 12 - 13 tháng giảm lần lượt 0,75 điểm % và 0,13 điểm % so với tháng trước. Hiện tại, lãi suất cao nhất đang được niêm yết tại ngân hàng là 8,6%/năm dành cho các khoản tiền gửi online tại kỳ hạn 7 tháng.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), lãi suất huy động dành cho khách hàng cũng có xu hướng giảm tại hầu hết kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng cùng giảm 0,2 điểm % về 7,3%/năm.
Lãi suất huy động tại kỳ hạn 12-18 tháng cũng được điều chỉnh giảm 0,2 điểm % so với tháng trước xuống còn 7,5%/năm. Mức lãi suất cao nhất đang được niêm yết tại PG Bank là 7,6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, giảm 0,2 điểm % so với trước đó.
Bước sang tháng 5, MB Bank công bố biểu lãi suất mới với lãi suất tiền gửi giảm 0,2 - 0,5 điểm % tại nhiều kỳ hạn so với tháng 4.
Theo đó, lãi suất tiền gửi tại kỳ hạn 6 - 8 tháng cùng được điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm 0,5 điểm % còn 7%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, lãi suất cũng giảm 0,2 điểm % về mức 7,2%/năm.
Tương tự, lãi suất tiết kiệm áp dụng tại kỳ hạn 15-24 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống 7,3%/năm. Trong khi đó, 7%/năm là mức lãi suất tiền gửi được huy động cho ba kỳ hạn 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng, cùng giảm 0,2 điểm % so với tháng trước.
KienlongBank giảm từ 0,2 - 0,4% lãi suất ở một số kỳ hạn. Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động giảm từ 8,3% xuống 8,1%. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động giảm từ 8,5% xuống 8,2%. Ở kỳ hạn 24 tháng lãi suất huy động giảm từ 8,3% xuống 7,9%/năm.
SaigonBank giảm từ 0,2 - 0,4% lãi suất ở một số kỳ hạn. Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động giảm từ 7,9% xuống 7,6%. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động giảm từ 8,3% xuống 8%. Ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động giảm từ 7,9% xuống 7,6%/năm.
Nhiều ngân hàng khác cũng có động thái điều chỉnh lãi suất huy động trong thời gian qua như VPBank giảm 0,2 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên; SCB giảm 0,2 - 0,4 điểm % lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn; HDBank giảm 0,2 điểm % tại các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 13 tháng; MSB giảm 0,2 điểm % ở các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên,...
Lãi suất tiền gửi 12 tháng cao nhất của nhóm ngân hàng tư nhân lớn đều đã xuống xuống dưới 8% như: SHB (7,9%), Techcombank (7,8%), ACB (7,75%), Sacombank (7,6%), MB (7,3%).
Nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) là Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV duy trì mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường, ở mức 7,2%/năm gửi tại quầy. Lãi suất 5,8 - 5,9%/năm cho kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, theo VTC News.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra cuối tuần trước, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động bình quân từ 1 - 1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung trong cả hệ thống ngân hàng khoảng 0,5 - 0,65%.
Riêng các ngân hàng thương mại Nhà nước, mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm từ 1 - 1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5 - 2%.
Thống kê của NHNN cho thấy, hiện các khoản tiền gửi mới bình quân có mức lãi suất từ 6 - 6,1% (cộng tất cả các kỳ hạn chia bình quân), còn cho vay từ 9 - 9,2%. Những con số này cho thấy tốc độ giảm lãi suất đang khá tích cực thời gian qua.
"Tại cuộc họp gần đây, chúng tôi đã nhắc nhở các ngân hàng cho vay lãi suất cao cần hạ xuống để có mặt bằng thống nhất chung trong hệ thống. Các nhà băng thời gian qua cũng đã chủ động giảm lãi suất", ông Tú nói, đồng thời cho biết: "Tới đây, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và mở rộng tín dụng từ nay tới cuối năm".
(Tổng hợp)