Nội dung được đề cập trong văn bản của Sở GTVT TP.HCM gửi UBND TP.HCM về đề xuất thực hiện lập dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm. Đề xuất này dựa trên cơ sở đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 20201 - 2030 đã được UBND TP.HCM phê duyệt.
Sở GTVT TP.HCM đề xuất danh mục dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm TP.HCM thực hiện kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BLT (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), triển khai trong năm 2021. Nhà đầu tư là Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (IDT) sẽ tự bỏ kinh phí nghiên cứu và thành lập dự án.
Đề xuất sơ bộ cho thấy, các cổng thu phí sẽ bố trí trên vành đai khép kín xung quanh khu trung tâm (quận 1, 3), gồm các tuyến đường: Hoàng Sa men theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng 8 - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Một số cổng thu phí bố trí trên các đường thường ùn tắc như Trường Sơn, Cộng Hòa (Tân Bình).
Các cổng thu phí sẽ sử dụng mặt đường, hè phố hiện hữu, không phải giải tỏa mặt bằng. Hệ thống thu phí thực hiện theo công nghệ đa làn, không dừng, với một trung tâm điều hành kết nối các cổng để xử lý thông tin, điều hành việc thu phí. Nhu cầu sử dụng đất của dự án là đất cho văn phòng trung tâm với khoảng 1000 m2 hiện có của IDT. Giải pháp kết nối thanh toán với hệ thống thu phí tự động không dừng VETC và VDTC để thực hiện thu phí các phương tiện đã dán thẻ RFID khi đi qua các điểm thu phí.
Dự kiến, tổng mức đầu tư, nghiên cứu dự án hơn 2.200 tỷ đồng. Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở KH&ĐT tham mưu xem xét, quyết định. Đồng thời hướng dẫn IDT lập hồ sơ đề xuất dự án theo quy định pháp luật hiện hành. Danh mục dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm TP.HCM được thực hiện theo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân đã được UBND TP.HCM phê duyệt trước đó.
Sở GTVT TP.HCM cho biết, giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông gồm nhiều giải pháp kinh tế, hành chính, trong đó giải pháp thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP.HCM cần được sớm xem xét, triển khai trong giai đoạn 2021- 2025 nhằm giảm nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại khu vực trung tâm TP.HCM trong khi hạ tầng giao thông đường bộ chưa thể đầu tư mở rộng theo quy hoạch.
Đề xuất thu phí xe ô tô vào nội đô Hà Nội
Trước đó, trung tâm quản lý Giao thông công cộng TP. Hà Nội vừa đưa ra mức giá đề xuất thu phí các phương tiện đi vào nội đô có mức cao nhất là 60.000 đồng/lượt. Hiện nay, phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội đã tăng lên 6,4 triệu phương tiện, trong đó ô tô là 0,6 triệu xe, xe máy là 5,6 triệu xe. Theo đề án quản lý xe cá nhân, đến năm 2030, Thủ đô sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành, nhưng do số lượng ô tô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%, nên việc đưa ra phương án thu phí vào nội đô để giảm lượng ô tô trong khu vực trung tâm là rất cần thiết.
Đề án này chỉ xác định một mức phí tối thiểu với mục tiêu phi lợi nhuận chỉ đủ bù đắp một phần chi phí đầu tư và chi phí vận hành, bảo trì hệ thống thu phí; mức phí cao vừa đủ để tác động đến hành vi tham gia giao thông và đem lại hiệu quả giảm ùn tắc hợp lý. Mức phí này được sử dụng để đánh giá hiệu quả của việc thu phí.
PV
(Tổng Hợp)