Cổ phiếu khuyến nghị phiên 22/2: VHM, HBC, VNM, NKG, VPB

VHM, HBC, VNM, NKG, VPB là những cổ phiếu cần lưu ý trong phiên giao dịch 22/2, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị VHM: Khả quan với giá mục tiêu 115.000 đồng/cp

CTCK VNDIRECT (VND): CTCP Vinhomes (HOSE-Mã VHM) công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với doanh thu thuần đạt 85.100 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng ký và lợi nhuận ròng đạt 39.000 tỷ đồng, tăng 42,7% so với cùng ký.

Kết quả này chủ yếu nhờ vào việc ghi nhận các giao dịch bán buôn với doanh thu khoảng 31.000 tỷ đồng cùng với việc bàn giao khoảng 43.000 tỷ đồng các căn hộ bán lẻ, tương ứng với gần 47.000 nhà và căn hộ tại dự án Ocean Park, Grand Park và Smart City.

Với hoạt động bán buôn tốt hơn kỳ vọng có biên lợi nhuận gộp vượt trội (70-80%), lợi nhuận ròng của VHM vượt 22,6% dự phóng cả năm của VND.

VND kỳ vọng thị trường BĐS nhà ở Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2022-23, dựa trên: 1) sự phục hồi của các yếu tố vĩ mô cơ bản thúc đẩy thị trường BĐS; 2) quyết định mua nhà được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp, và 3) nguồn cung mới cải thiện nhờ nới lỏng các nút thắt pháp lý.

Trong đó, VHM sẽ đóng góp một phần đáng kể vào tổng nguồn cung tại thị trường BĐS miền Bắc Việt Nam trong năm 2022-23. VND kỳ vọng số lượng/giá trị ký bán mới năm 2022 sẽ tăng tương ứng 13,3%/53,7% so với cùng ký, chủ yếu nhờ mở bán ba đại dự án bao gồm Dream City, Cổ Loa và Wonder Park.

VND dự phóng doanh thu và lợi nhuận ròng năm từ 2022 - 2024 của VHM lần lượt tăng trưởng 6,1%/29,0%/35,2% và -10,3%/40,8%/35,9% so với cùng kỳ từ việc ghi nhận lượng căn hộ bán lẻ tại Ocean Park, Grand Park, Smart City và việc mở bán 3 dự án mới là Dream City, Cổ Loa, và Wonder Park.

VND kỳ vọng EPS sẽ tăng trưởng kép 19,6% trong giai đoạn 2022-2024 nhờ bàn giao các đại dự án. Giai đoạn 2023 trở về sau, VND cho rằng Green Hạ Long và Long Beach Cần Giờ sẽ là những “bom tấn” và là động lực tăng trưởng chính cho VHM.

Theo đó, VND duy trì đánh giá Khả quan với giá mục tiêu không đổi dựa trên phương pháp RNAV là 115.000 đồng/cổ phiếu. VND cho rằng nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu VHM nhờ hoạt động ký bán mới mạnh mẽ và doanh thu chưa ghi nhận cao.

Tiềm năng tăng giá đến từ việc doanh thu bán buôn cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá đến từ sự chậm trễ trong quá trình xin cấp giấy phép cho các dự án mới và đại dịch leo thang kéo dài.

Khuyến nghị HBC: Chốt lãi tại ngưỡng 35.000 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đang hình thành xu hướng hồi phục sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ 25.1. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu trong phiên hôm nay.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều cho thấy tín hiệu tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20 và MA50, cho thấy xu hướng tăng giá hình thành.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 28.9, chốt lãi tại ngưỡng 35.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 27.1.

Khuyến nghị VNM: Khả quan với giá mục tiêu 110.000 đồng/CP

CTCP Sữa Việt Nam (HOSE- Mã: VNM) ghi nhận doanh thu (DT) nội địa tăng 7,4% so với cùng kỳ trong quý 4/2021 nhờ: 1) giá bán bình quân tăng 2% so với cùng kỳ và 2) sản lượng bán tăng 5,4% so với cùng kỳ (theo ước tính của VND).

DT từ thị trường nước ngoài tăng trưởng ấn tượng 21,6% so với cùng kỳ nhờ 1) DT xuất khẩu tăng 23,2% so với cùng kỳ chủ yếu đến từ thị trường Trung Đông và 2) DT từ các công ty con tại nước ngoài tăng 29,8% so với cùng kỳ nhờ hoạt động phân phối hiệu quả tại Angkormilk.

Tuy nhiên, biên LN gộp bị thu hẹp 3,6 điểm % svck trong Q4/21 do giá sữa bột nguyên liệu tăng cao. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng giảm đáng kể 5,0% so với cùng kỳ do công ty cắt giảm chi phí để bảo toàn biên LN ròng ổn định, do đó LN ròng tăng 0,5% so với cùng kỳ trong quý 4/2021, cao hơn mức giảm 4,9% trong quý 3/2021.

Nhìn chung, VNM ghi nhận DT thuần năm 2021 tăng 2,2% svck trong khi LN ròng giảm 5,1% svck, hoàn thành 92,9% dự báo của VND.

VND cho rằng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục chịu áp lực khi giá giá sữa bột nguyên liệu vẫn còn cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, VND cho rằng VNM vẫn phù hợp để nắm giữ trong dài hạn nhờ 1) kết quả kinh doanh ổn định, 2) bảng cân đối tài chính lành mạnh và 3) tỷ suất cổ tức ổn định.

Bên cạnh đó, VND kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sữa sẽ tăng 6% svck trong 2022. Nhờ đó, VNM với vị thế dẫn đầu ngành sữa sẽ tăng trưởng trên sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng sau đại dịch.

Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 110.000 đồng/cp. VND điều chỉnh giảm giá mục tiêu của VMN sau khi giảm EPS năm 2022-23 xuống 8,7%/11,5% và giữ nguyên P/E mục tiêu áp dụng cho EPS 2022 là 21,8 lần.

Tiềm năng tăng giá là sức tiêu thụ sữa tại thị trường nội địa tăng mạnh hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm 1) dịch Covid-19 kéo dài hơn dự kiến và 2) giá bột sữa cao hơn dự kiến.

Khuyến nghị NKG: Có thể duy trì vị thế nắm giữ ngắn hạn

CTCK Yuanta Việt Nam (FSC): Mức Stock Rating của NKG (CTCP Thép Nam Kim-Sàn HOSE) đạt mức 88 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Điểm tích cực nhất là mức Sức mạnh giá của NKG trên 80 điểm cho thấy đồ thị giá có thể sẽ bước vào xu hướng tăng rõ ràng và bền vững hơn.

Đồ thị giá của NKG đóng cửa tăng 4% với KLGD tăng mạnh trên mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của NKG đã vượt kháng cự ngắn hạn 39.40 cho nên đồ thị giá có thể sẽ hướng về mức kháng cự kế tiếp là 42.61, đây cũng là mức mục tiêu ngắn hạn theo hệ thống chỉ báo xu hướng của FSC. Ngoài ra, xu hướng trung hạn của được nâng lên mức TĂNG.

Hệ thống chỉ báo xu hướng ngắn hạn của FSC đã cảnh báo tín hiệu mua vào ngày 9/2/2022 với lợi nhuận tạm tính là 18,12%. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể duy trì vị thế NẮM GIỮ và các NĐT trung hạn có thể xem xét mua mới hoặc tăng dần tỷ trọng cổ phiếu.

Khuyến nghị VPB: Mua vào với giá mục tiêu là 44.700 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV): Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB – sàn HOSE) cho biết, quý IV/2021, thu nhập lãi thuần đạt 12.498 tỷ đồng (tăng 14.0% so với quý trước, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước), Chi phí dự phòng trích lập ở mức cao nhất trong nhiều quý gần đây, đạt 5.371 tỷ đồng (tăng 7,9% so với quý trước, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước) khiến lợi nhuận trước thuế quý IV/2021 đạt 2.845 tỷ đồng (tăng 5,4% so với quý trước, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm trước).

Lũy kế 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 14.580 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng trong quý IV/2021 do ảnh hưởng từ dịch bệnh, đạt 4,47%, tăng 47bps so với quý trước. Tổng dư nợ tái cơ cấu tính đến hết quý IV/2021 đạt khoảng 16,1 nghìn tỷ đồng (tăng 1,3% so với quý trước), tương đương 4,2% tổng dư nợ tín dụng.

VPB cho biết nhiều khả năng NIM trong năm 2022 sẽ giảm so với 2021. KBSV đánh giá cao khả năng này do áp lực tăng lãi suất đầu vào sẽ lớn hơn trong năm 2022 khi tỷ lệ tiền vay khách hàng/tiền gửi khách hàng của VPB đang ở mức cao cùng với lãi suất liên ngân hàng đang có dấu hiệu tăng trở lại.

Tính đến ngày 18/02/2022, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của VPB đạt 17,01%, dư 12,99% so với mức tối đa 30% do ngân hàng nhà nước quy định. Theo thông tin VPB, dự kiến ngân hàng sẽ tìm được đối tác và hoàn thiện công tác bán vốn trong nửa đầu năm 2022.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB. Giá mục tiêu là 44.700 đồng/CP, cao hơn 24,5% so với giá tại ngày 18/02/2021.

Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Lưu ý!

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương