Lĩnh vực bất động sản có hàng chục điều phối nhưng lại thiếu đồng bộ

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mỗi dự án mất nhiều năm để thực hiện thủ tục pháp lý mà vẫn khó xong. Nguồn vốn cho bất động sản đã hạn chế lại ngày càng thắt chặt; hàng trăm dự án đang phải “đắp chiếu “ do vướng luật… 

Thực trạng này đang “bóp nghẹt” thị trường bất động sản nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng.

Luật Nhà ở không cho phép chuyển đổi các loại đất khác sang đất ở đang khiến lượng lớn dự án bị ách tắc. Hiện có khoảng 400 dự án tại Hà Nội, TP.HCM đang vướng. Từ đó gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp. Do vậy, việc sửa Luật Nhà ở cần chú ý đến điểm này.

“Tại Hà Nội và TP.HCM, các chung cư ngày càng phát triển mạnh, tranh chấp chung cư cũng liên tục xảy ra, trở thành chủ đề nóng. Chính vì thế, rất mong Bộ Xây dựng chấn chỉnh lại: Thứ nhất, những người tham gia Ban quản trị phải đáp ứng các tiêu chuẩn rõ ràng và hiểu biết về pháp luật để giải quyết tranh chấp. Theo tôi, Bộ Xây dựng cần điều chỉnh lại Thông tư 06 điều hành công tác quản trị chung cư rõ ràng hơn. Thứ hai, về phí bảo trì chung cư, những căn hộ chưa mua, chưa bán được nhưng phải nộp phí là bất công với nhà đầu tư nên Bộ Xây dựng cũng cần xem xét lại vấn đề này”, ông Hiệp chỉ rõ.

Cơ chế đấu giá đấu thầu cũng rất nhiều vấn đề. Trong khuôn khổ góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, cần làm rõ việc nhà ở xã hội có phải qua hình thức đấu thầu sử dụng đất không? Bởi thực tế là có tỉnh đấu thầu, có tỉnh không. Bất động sản công nghiệp cũng vậy. Về Luật Kinh doanh bất động sản, cần phải sửa đổi và điều chỉnh nhiều vấn đề. Ví dụ như về điều kiện kinh doanh bất động sản: Luật mới có quy định chung chung, chưa cụ thể. Tôi cho rằng, Luật phải làm rõ, từng đối tượng phải tách ra với các yêu cầu khác nhau, chủ đầu tư và kinh doanh nhỏ lẻ phải có điều kiện kinh doanh riêng.

Khi bàn về vấn đề sửa luật, ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nhận định, có 8 vấn đề cần quan tâm, tháo gỡ, gồm: bất động sản phát triển rất nhanh nhưng thiếu bền vững do chúng ta chưa có định hướng dài hạn cho thị trường này. Công tác quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí nhìn nhận thẳng thắn là chưa có hiệu quả, dẫn đến hệ lụy là cung cầu bất cân xứng; “sốt” đất ở nhiều nơi. Chính cung cầu mất cân đối dẫn đến giá nhà tăng cao, nên có 2 hiện tượng: người muốn mua nhà gặp khó và nhiều người giàu lên nhanh chóng. Thị trường xuất hiện các sản phẩm mới nhưng chưa có quản lý phù hợp, chưa có quy định rõ ràng trong luật. Tài chính bất động sản chưa bao giờ được quy định trong luật.

Về hoạt động môi giới bất động sản, trước đây bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề và phải qua một quá trình đào tạo nhưng sau dịch Covid-19 cho thấy ai cũng đi làm bất động sản. Việc này rất bất cập. Cần phải có quá trình đào tạo rồi mới thi chứng chỉ môi giới, nếu không sẽ không có chuẩn mực cho hoạt động này… Ngoài ra, còn những vấn đề liên quan đến bất động sản hình thành tương lai, chuyển nhượng bất động sản cũng cần được tháo gỡ. Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành cũng có nhiều nội dung còn chung chung, mang tính nguyên tắc nên quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, có một số tình huống mới phát sinh nhưng chưa được luật điều chỉnh. Có thể kể đến như: chưa đưa ra được khung pháp lý hiệu quả cho mọi loại bất động sản trên thị trường nên có nhiều loại bất động sản chưa chính thức được tham gia vào thị trường; Chưa có quy định cụ thể để quản lý hoạt động của những tổ chức trung gian hỗ trợ thị trường như: Tổ chức định giá bất động sản, cung cấp thông tin bất động sản, cung cấp dịch vụ pháp lý bất động sản, bảo hiểm cho hoạt động kinh doanh bất động sản…; Chưa tạo được nền tảng cho thị trường thế chấp thứ cấp hình thành, dẫn đến nguồn vốn cho thị trường hạn chế và ảnh hưởng đến tính thanh khoản của ngân hàng với thị trường bất động sản.

Tổng Hợp