![]() |
Hội thảo “30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra”. Ảnh: VHLKHXKVN |
Sự kiện quy tụ các nhà nghiên cứu, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách nhằm đánh giá vai trò của Việt Nam trong ASEAN và định hướng tương lai hợp tác khu vực.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nhắc lại ngày 28/7/1995 – thời điểm Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Theo ông, việc gia nhập khối không chỉ mở ra cơ hội phát triển mới cho Việt Nam mà còn góp phần củng cố hòa bình và hợp tác trong khu vực.
Trong ba thập kỷ, Việt Nam đã chuyển từ một thành viên mới gia nhập thành quốc gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng ASEAN. Đóng góp của Việt Nam thể hiện ở việc thúc đẩy đoàn kết nội khối, xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh, tổ chức thành công nhiều hội nghị cấp cao và tham gia các cơ chế hợp tác khu vực.
Những đóng góp nổi bật của Việt Nam có thể kể đến như: Thúc đẩy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN; đóng góp vào xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh; chủ trì thành công nhiều hội nghị và sự kiện quan trọng; tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế; đẩy mạnh kết nối và phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương, nhận định việc gia nhập ASEAN đã tạo môi trường ổn định cho quá trình đổi mới, mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư. ASEAN hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều đạt hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Trong lĩnh vực chính trị – an ninh, Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác, đóng góp vào xây dựng lòng tin và giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống. Ba lần giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, đặc biệt năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19, là minh chứng cho năng lực điều phối và uy tín quốc tế của Việt Nam.
Nhiều tham luận tại hội thảo tập trung vào vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh khu vực biến động. PGS.TS Võ Xuân Vinh, Viện Sử học, cho rằng Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, từ việc mở rộng thành viên đến tham gia định hình cấu trúc hợp tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
TS. Trần Ngọc Dũng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh rằng hợp tác Việt Nam – ASEAN hiện đối mặt nhiều thách thức: cạnh tranh nước lớn, khác biệt nội khối và các vấn đề an ninh phi truyền thống. Ông cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cân bằng giữa việc phát huy nguyên tắc hợp tác cùng có lợi và tăng cường năng lực tự chủ quốc gia để phối hợp hiệu quả với các đối tác.
PGS.TS Dương Văn Huy, Viện Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương, lưu ý vai trò trung tâm của ASEAN không phải là mặc định mà là kết quả của nỗ lực lâu dài từ các nước thành viên. Việt Nam, đặc biệt trong năm 2020, đã chủ động thúc đẩy sự gắn kết nội khối và kêu gọi đối tác bên ngoài ủng hộ vai trò này.
Các chuyên gia thống nhất rằng để duy trì và củng cố vị thế, ASEAN cần gia tăng tính tự cường và đoàn kết nội bộ. Với Việt Nam, chặng đường 30 năm qua khẳng định tầm quan trọng của việc hội nhập sâu rộng và chủ động tham gia định hình chính sách khu vực. Hội thảo nhấn mạnh rằng những bài học từ quá khứ sẽ là cơ sở để Việt Nam và ASEAN cùng thích ứng trước các biến động toàn cầu trong giai đoạn tới.
Hội thảo khoa học “Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025: thực trạng và hàm ý chính sách”
Ngày 5/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025: thực trạng và hàm ý chính sách.