Đọc sách cùng con từ nhỏ, đầu tư cho tư duy và cảm xúc

Các nghiên cứu cho thấy việc cha mẹ đọc sách cùng con ngay từ những năm đầu đời không chỉ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và khả năng tư duy, gắn kết cảm xúc bền chặt trong gia đình.
Ảnh minh họa tạo bơi AI
Ảnh minh họa tạo bơi AI

Không chỉ là một hoạt động giải trí, việc cha mẹ đọc sách cùng con từ những năm đầu đời đã được chứng minh mang lại ảnh hưởng lâu dài lên khả năng ngôn ngữ, sự tập trung và phát triển cảm xúc xã hội của trẻ. Các nghiên cứu giáo dục và thần kinh học đều chỉ ra, những giờ phút cha mẹ và con cùng nhau đọc sách không đơn thuần là truyền tải câu chữ, mà còn tạo nên nền tảng cho khả năng học tập và gắn kết gia đình.

Não bộ trẻ trong ba năm đầu đời phát triển với tốc độ nhanh nhất. Đây cũng là giai đoạn mà ngôn ngữ hình thành mạnh mẽ. Khi trẻ được nghe câu chuyện với nhịp điệu, từ vựng phong phú và hình ảnh minh họa, não bộ sẽ liên tục kết nối các vùng xử lý âm thanh, hình ảnh và cảm xúc.

Một nghiên cứu của Đại học Rhode Island cho thấy, trẻ được cha mẹ đọc sách hằng ngày trước 3 tuổi có vốn từ vựng nhiều gấp đôi so với trẻ ít được đọc. Đáng chú ý, sự khác biệt không chỉ ở số lượng từ, mà còn ở khả năng hiểu cấu trúc câu và kể lại câu chuyện yếu tố quyết định thành công học tập sau này.

Khoảnh khắc đọc sách cùng con cũng là lúc cha mẹ tạo ra một không gian an toàn về cảm xúc. Giọng đọc trầm ổn, ánh mắt tương tác và phản hồi trước câu hỏi của trẻ giúp xây dựng niềm tin và cảm giác được lắng nghe. Những câu chuyện về lòng dũng cảm, sự tử tế hay tình bạn còn giúp trẻ học cách nhận diện cảm xúc và phát triển khả năng đồng cảm.

Tiến sĩ Dipesh Navsaria, chuyên gia phát triển trẻ em (Đại học Wisconsin), nhấn mạnh: “Đọc sách cho trẻ nghe từ sớm không chỉ để dạy chữ, mà để trẻ học cách kết nối với con người thông qua câu chuyện.”

Cách bắt đầu và duy trì thói quen đọc sách: Bắt đầu sớm, có thể đọc cho trẻ ngay từ những tháng đầu đời với sách vải, sách tranh ít chữ. Đều đặn, không cần đọc nhiều giờ, chỉ cần 10–15 phút mỗi ngày nhưng duy trì liên tục. Tương tác, dừng lại hỏi trẻ “Con thấy gì?”, “Chuyện gì xảy ra tiếp theo?” để khuyến khích suy nghĩ và diễn đạt. Tạo góc đọc, một không gian nhỏ, yên tĩnh với giá sách tầm mắt trẻ sẽ giúp việc đọc trở thành thói quen tự nhiên.

Nhiều phụ huynh lo lắng khi con đã 5–6 tuổi mới bắt đầu đọc cùng. Thực tế, chưa bao giờ là quá muộn. Ở lứa tuổi này, cha mẹ có thể chuyển sang các cuốn truyện dài hơn, khuyến khích con tự đọc một phần và cùng thảo luận về câu chuyện. Quan trọng nhất vẫn là giữ cho việc đọc sách gắn liền với sự gần gũi và thoải mái, không biến thành “nhiệm vụ học tập”.

Đọc sách cùng con từ nhỏ không chỉ nuôi dưỡng trí tuệ mà còn vun đắp mối quan hệ gia đình. Mỗi trang sách lật mở không chỉ mang theo câu chữ, mà còn là sự hiện diện của cha mẹ bên cạnh đứa trẻ trong những năm tháng đầu đời nền tảng quan trọng để con bước vào thế giới với sự tự tin và khả năng kết nối.

Hoàng Toàn

Ngán ngẩm sách truyện “rác” tràn lan, mẹ Hà Nội cùng con gái 4 tuổi tự sáng tác truyện, vừa vui vừa dạy con tuyệt đỉnh

Ngán ngẩm sách truyện “rác” tràn lan, mẹ Hà Nội cùng con gái 4 tuổi tự sáng tác truyện, vừa vui vừa dạy con tuyệt đỉnh

Khi con gái 4 tuổi mê game, cuồng phép thuật và có thể “nổi bão” bất cứ lúc nào, một bà mẹ Hà Nội đã dùng AI để bước vào thế giới cảm xúc của con.