Lo phong tỏa kéo dài, người dân Thượng Hải đổ xô mua tủ lạnh, tủ đông cỡ lớn để dự trữ thực phẩm

Người dân Thượng Hải đang vật lộn để tìm đủ lương thực và nhu yếu phẩm để tồn tại sau hai tuần bị đóng cửa trên toàn thành phố.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) mới đây đưa tin, một video ghi lại cảnh người dân ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) mua một lúc 4 tủ lạnh và lần lượt chuyển từ xe tải vào khu dân cư ở quận Phố Đông đầu tuần này đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi.

Sau khi xem đoạn video, nhiều người cũng bày tỏ ý định đổi tủ lạnh to hơn hoặc mua thêm tủ đông bởi vì giữa lúc toàn thành phố cấm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhu cầu dự trữ thực phẩm đang được ưu tiên.

tu-dong.png
Nhân viên chống dịch mặc đồ bảo hộ hỗ trợ chuyển tủ lạnh cho cư dân Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 10/4. Ảnh: SCMP

Anh Qin Yi, sống tại quận Phố Đông, cùng khu với những người mua tủ lạnh trong video, cho biết một số hàng xóm đã mua tủ mới sau khi tủ lạnh cũ bị hỏng. Trong khi đó, những người khác mua tủ trữ đông vì cảm thấy chiếc tủ lạnh đang dùng quá nhỏ, không thể trữ lượng thực phẩm cần thiết mà họ đã mua gần đây. Họ thường mua tủ lạnh trên các trang thương mại điện tử.

Qin cho biết anh đang sử dụng tủ lạnh 2 cánh có dung tích hơn 300 lít và chất đầy thực phẩm cho gia đình trong khoảng 3-4 ngày.

Anh chia sẻ: “Mua tủ lạnh không liên quan đến việc bạn giàu hay nghèo. Giá trị ngôi nhà của bạn cũng không liên quan đến kích thước chiếc tủ lạnh”.

Theo chia sẻ của một phụ nữ họ Meng, các hàng xóm trong khu dân cư cô ở cũng vừa đặt mua tủ lạnh vì lo ngại lệnh phong tỏa kéo dài. Bên cạnh đó, họ cũng sợ thực phẩm lây nhiễm virus trong quá trình vận chuyển. “Để tiết kiệm thời gian ra ngoài lấy đồ, cách hợp lý là tăng kích thước tủ lạnh", cô nói.

Vivian Kong, sống ở quận Minhang, cho biết cô quyết định tháo tủ giày cất đi để nhường chỗ lắp chiếc tủ lạnh siêu lớn khi đợt bùng phát này kế thúc. Cô cũng lo giá tủ lạnh tăng vọt sau khi đợt dịch này kết thúc nên sẽ đặt mua sớm.

"Tôi đã hạ quyết tâm. Tôi đang dùng tủ lạnh hai cánh và sẽ đổi sang chiếc tủ mới có kích thước lớn gấp đôi. Tôi nghĩ việc tích trữ thực phẩm lúc này quan trọng hơn những thứ khác", cô Vivian Kong chia sẻ.

tu-dong1.png
Một người đàn ông nhìn ra bên ngoài từ cửa sổ của mình trong vụ khóa Covid-19 ở quận Jing'an, Thượng Hải vào ngày 12 tháng 4 năm 2022. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, đoạn video lan truyền trên mạng xã hội đã gặp phải nhiều chỉ trích. Một số người dùng Internet cho rằng những người mua tủ lạnh đã bóc lột sức lao động của nhân viên chống dịch khi nhờ họ chuyển những chiếc tủ lạnh nặng vào nhà.

Theo yêu cầu của chính quyền, người dân Thượng Hải không được phép ra khỏi khu dân cư. Trong bối cảnh đó, một số người kêu gọi không nên đặt các mặt hàng có khối lượng và kích thước đồ sộ. Tuy nhiên, một số người khác cho biết tủ lạnh là sản phẩm cần mua và không có gì sai khi mua chúng.

Theo thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu GFK có chi nhánh tại Trung Quốc, số lượng tủ lạnh bán ra ở Thượng Hải đã tăng 48,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong tuần cuối cùng của tháng 3.

Trong tuần thứ hai của tháng 4, từ ngày 4/4 đến ngày 10/4, lượng tủ lạnh bán ra tại thành phố đã tăng 153,2% so với năm ngoái.

Midea Group, nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu Trung Quốc, cho biết lượt tìm kiếm tủ lạnh trên trang web của họ tương đương với lượt tìm kiếm trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân.

Thượng Hải ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày cao kỷ lục

Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc ngày 14/4 thông báo ghi nhận hơn 27.000 ca mắc COVID-19, mức cao mới theo ngày kể từ đầu dịch.

Thượng Hải hiện đang ứng phó với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán cuối năm 2019. Ngày 14/4, thành phố này thông báo thêm 2.573 ca mắc có triệu chứng, tăng so với mức 1.189 ca trước đó một ngày. Trong khi đó, số ca mắc không triệu chứng là 25.146 ca.

Giới chức thành phố cho biết số ca lây nhiễm mới tiếp tục tăng dù biện pháp phong toả một phần đã được áp đặt do lây nhiễm giữa các thành viên trong cùng gia đình vẫn diễn ra.

Trước đó, ngày 13/4, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết nước này phải tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt chính sách “Không COVID” và các biện pháp kiểm soát dịch trong bối cảnh tình hình dịch toàn cầu vẫn chưa thể kiểm soát.

Ông Tập Cận Bình khẳng định sẽ không có thay đổi nào trước mắt về cách tiếp cận trong các biện pháp kiểm soát dịch. Ông nhấn mạnh Trung Quốc cần kiên định với cách tiếp cận này và không được lơ là các biện pháp phòng dịch.

Chính sách "Không COVID" của Trung Quốc đang ngày càng bị thách thức trước biến thể lây lan nhanh Omicron, khiến hàng triệu người phải ở trong nhà và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng trong khi phần lớn các nước trên thế giới đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế và chuyển sang sống chung an toàn với COVID-19.

Một nghiên cứu ngày 7/4 của Gavekal Dragonomics cho thấy 87 trong 100 thành phố lớn nhất của Trung Quốc xét theo sản lượng kinh tế đã áp đặt các biện pháp phong toả, cách ly ở mức độ nào đó.

NGỌC CHÂU

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương