Lượng quan tâm tới các thị trường bất động sản giảm mạnh

Giá tăng nhưng liệu có giao dịch thực tế hay không? Trong lúc thị trường bất động sản đang sốt, thường chúng ta sẽ nghe nhiều những tin đồn hơn là nhìn thấy những hợp đồng mua bán. Việc thiếu thông tin kiểm chứng sẽ ảnh hưởng đến mức giá. Lượng quan tâm giảm khá mạnh ở hầu hết các loại hình và khu vực so với tháng 3/2021.

Phân khúc chung cư, trong tháng 4, chỉ số giá tại Hà Nội tăng nhẹ 1%, trong khi chỉ giá chung cư TP.HCM không biến động nhiều. Lượng quan tâm có sự sụt giảm khá mạnh ở cả hai thị trường, giảm đều ở cả 3 phân khúc bình dân, trung cấp và cao cấp.

Bộ Xây dựng cũng cho hay, giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như: Vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và mới đây là Thanh Hóa; tại TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai…

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì một số khu vực đất đai người dân quản lý tại các vùng ven đô, quy hoạch nâng cấp lên Quận đều bị đẩy lên tương đương 30 - 50 triệu động/m2; bình quân các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 - 30%. Tại TP.HCM, giá nhà đất ở khu vực thành phố Thủ Đức liên tục tăng nhiều đợt từ trước thời điểm thành lập thành phố đến nay (ví dụ trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…,  vị trí đất mặt đường đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2 thậm chí gần 200 triệu; tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m2 thậm chí 100 triệu đồng/m2).

Tại một số các tỉnh thành khác, mức độ quan tâm trong tháng 4 vừa qua có xu hướng giảm (10 - 34%) so với tháng trước, diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành. Mức giảm mạnh nhất diễn ra ở Hải Phòng (34%), Bắc Ninh (giảm 29%), Đà Nẵng (giảm 21%). Ngược lại, lượng tin đăng lại tăng nhẹ ở hầu hết các tỉnh. Mức tăng mạnh nhất tại Quảng Ninh (35%), Quảng Nam (11%). Dữ liệu của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, cơn sốt đất đầu năm đã hạ nhiệt. Do đó, việc có nên tiếp tục đổ tiền vào bất động sản hay không đang khiến không ít người băn khoăn.

Bộ Xây dựng cho hay, các giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua. Bên cạnh đó, tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Téc Ních tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng…).

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương đã và đang siết chặt quản lý và tăng cường xử lý những hành vi chuyển nhượng trái phép, tung tin thất thiệt, đầu cơ thổi giá; từ đó khiến tình trạng tăng giá đất, đặc biệt là những diện tích đất nông nghiệp, đất rừng được phân lô, bán nền chững lại, có xu hướng giảm vì không có giao dịch.

Tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống. Tính đến hết tháng 4, những thị trường này đã không còn nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.

Kiên Cương